Tổng thống Syria đề xuất sáng kiến hoà bình giải quyết khủng hoảng
(Dân trí) – Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 6/1 đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó ông kêu gọi chấm dứt cuộc nội chiến tại nước này. Tuy nhiên, những đề xuất ông đưa ra nhanh chóng bị phe đối lập cùng các nước phương Tây bác bỏ.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính quyền Syria có bài phát biểu trước công chúng sau 7 tháng vắng bóng. Trước sự chứng kiến của đám đông người ủng hộ ngồi chật kín nhà hát lớn tại Damascus, ông Bashar al-Assad đã đưa ra đề xuất gồm 4 điểm chính nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 21 tháng qua. Theo Liên Hợp Quốc, đến nay đã có hơn 60.000 người Syria thiệt mạng vì giao tranh.
Ông Assad vẫn không muốn từ bỏ quyền lực
Bản lộ trình ngừng bắn 4 điểm
Bước đầu tiên ông Assad đề xuất đó là các thế lực nước ngoài phải ngừng ủng hộ cho những phần tử nổi loạn vũ trang đang có mưu đồ lật đổ chính quyền. “Ngay sau đó các hoạt động quân sự của chúng tôi sẽ chấm dứt”, vị Tổng thống nói. Kèm theo đó ông khẳng định sẽ thành lập một cơ chế giám sát ngừng bắn nhưng không nêu rõ chi tiết.
Tiếp đó, chính phủ Syria sẽ đẩy mạnh việc liên lạc với các bên đối lập “cả trong và ngoài nước”, những người không bị nước ngoài giật dây, để tiến hành một cuộc đối thoại toàn quốc. “Chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với những người là chủ thực sự của các quyết định của họ chứ không phải những kẻ nô lệ (của các thế lực nước ngoài)”, ông Assad nói.
Hội nghị đối thoại toàn quốc sau đó sẽ dự thảo một hiến chương để đem trưng cầu dân ý. Và kế tiếp đó là tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội và hình thành chính phủ mới. Tuy nhiên ông Assad khẳng định bất kỳ giải pháp nào để chấm dứt xung đột phải do người Syria tiến hành và “phải có một thỏa thuận tại hội thảo đối thoại toàn quốc”.
“Chúng ta hiện đang phải đương đầu với tình trạng chiến tranh theo đúng nghĩa của từ này. Sự hiếu chiến từ bên ngoài còn nguy hiểm và gây chết chóc hơn những cuộc chiến tranh thông thường được tiến hành bởi một nhóm những người Syria và rất nhiều kẻ ngoại quốc”, ông Assad khẳng định.
Vị Tổng thống Syria cũng cho rằng xung đột hiện không phải giữa chính phủ và phe đối lập mà là giữa “một quốc gia với những kẻ thù”. “Chúng không phải là những người đối lập trung thành mà là một băng đảng của những kẻ giết người. Điều chắc chắn duy nhất đó là những kẻ chúng ta đang phải đối đầu hôm nay chính là những kẻ đi theo tư tưởng của al-Qaeda”, ông Assad nhắc lại tuyên bố trước đó rằng “những kẻ khủng bố nước ngoài” đứng sau phe nổi dậy.
Hàng chục nghìn người đã chết vì giao tranh tại Syria
Phe đối lập và phương Tây thẳng thừng bác bỏ
Ngay sau bài phát biểu trên của ông Assad, Hội đồng quốc gia Syria (SNC) đã lên tiếng bác bỏ đề xuất này. Trả lời hãng tin AFP, phát ngôn viên của SNC Walid al-Bunni khẳng định ông Assad sẽ không chấp nhận “bất kỳ sáng kiến nào mà không đảm bảo cho sự vững chắc của chế độ mình hoặc giúp ông ta nắm quyền kiểm soát”.
“Ông ta chỉ muốn các bên đàm phán đi theo lựa chọn của mình và sẽ không chấp thuận bất kỳ sáng kiến nào mà có thể đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria hoặc dẫn tới việc ông ta phải ra đi và giải tán chính phủ”, người phát ngôn của SNC khẳng định.
Trong khi đó phong trào Anh em Hồi giáo tại Syria khẳng định bài phát biểu của ông Assad là “vô nghĩa” và ông ta “là một tội phạm chiến tranh muốn bị xét xử”.
Bộ Ngoại giao Mỹ thì ra thông báo khẳng định bài phát biểu của ông Assad “chỉ là một nỗ lực nữa nhằm giữ lấy quyền lực và không làm được gì cho mục tiêu của người Syria là có một sự chuyển giao chính trị. Sáng kiến của ông ta là xa rời thực tế”, phát ngôn viên Victoria Nuland nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague cho rằng bài phát biểu lần đầu của ông Assad kể từ tháng 6/2011 đầy ắp “những lời hứa hão” và “chẳng lừa bịp được ai”.
Trong khi đó tại Bỉ, phát ngôn viên của người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton khẳng định: “Chúng tôi sẽ xem xét một cách cẩn trọng xem có điểm nào mới trong bài phát biểu đó hay không. Nhưng chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm đó là ông Assad phải ra đi để cho phép một cuộc chuyển giao chính trị”.
Còn Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle thì kêu gọi ông Assad ra lệnh cho các lực lượng an ninh chấm dứt bạo lực thay vì có những phát biểu mơ hồ về việc “sẵn sàng ngừng bắn”.
Thanh Tùng
Theo AFP