1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Pháp: Phương Tây có thể dỡ bỏ trừng phạt với Nga

(Dân trí) - Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 5/1 cho hay các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga có thể sẽ được dỡ bỏ nếu có tiến triển trong vấn đề Ukraine. Trước đó, Phó thủ tướng Đức cũng nhận định rằng châu Âu sẽ lâm nguy nếu tiếp tục cấm vận Nga.

Tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và người đồng cấp Nga (trái) trong cuộc gặp gỡ tại điện Kremlin trước khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. (Ảnh: RT)

Trang AFP ngày 5/1 dẫn lời Tổng thống Pháp: “Tôi nghĩ rằng các lệnh trừng phạt cần dừng lại ngay. Chúng sẽ được dỡ bỏ ngay khi có những tiến triển trong giải quyết khủng hoảng Ukraine. Ngược lại, nếu không có bước tiến nào, chúng tôi sẽ vẫn giữ các lệnh cấm vận”.

Trong bài phỏng vấn dài 2 tiếng với đài phát thanh France Inter ngày 5/1, Tổng thống Francois Hollande nói rằng ông “chờ đợi sẽ đạt được những bước tiến như vậy” trong cuộc gặp thúc đẩy hòa bình giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Kazakhstan vào ngày 15/1 tới đây.

Được biết Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ có mặt tại cuộc gặp nêu trên.

“Tôi sẽ đến Astana (Kazakhstan) vào ngày 15 với điều kiện sẽ đạt được các bước tiến mới. Và tôi lạc quan rằng điều đó sẽ xảy ra. Còn nếu chỉ đến gặp và nói chuyện mà không đạt được tiến triển nào thì thật không đáng”, Tổng thống Hollande tuyên bố.

Vị lãnh đạo tối cao của Pháp cũng nhận định rằng châu Âu cần giữ liên lạc với Putin, bởi Tổng thống Nga “biết đâu là điểm dừng, và cho đến nay, ông Putin đã phải tả một cái giá khá đắt”. Trong năm 2014, những lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ được cộng hưởng bởi giá dầu giảm đã khiến đồng rúp tụt giá 40% so với đồng USD.

Tổng thống Pháp Hollande, người đã từng tiếp xúc một vài lần với người đồng cấp Nga cho hay: “Putin không muốn sáp nhập miền Đông Ukraine, ông ấy đã nói với tôi như vậy”. Ông Hollande bổ sung rằng: “Điều Putin muốn là duy trì vùng ảnh hưởng. Ông ấy không muốn Ukraine gia nhập NATO” .

Trong bài phỏng vấn ngày hôm nay 5/1, Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh: “Cái chúng ta muốn là Putin hãy tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và không hỗ trợ những phần tử ly khai ở miền Đông”.

Cuộc khủng hoảng Ukraine từng tạo áp lực khiến Pháp không hoàn thành nghĩa vụ chuyển giao 2 tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Tháng 11/2014, Paris từng thông báo ngừng chuyển giao 2 tàu chiến công nghệ cao nêu trên cho Mátxcơva cho đến khi có “thông báo tiếp theo”. Ngay trước lễ Giáng sinh, 400 thuyền viên sang Paris huấn luyện sử dụng 2 con tàu này đã phải về nước “tay trắng”.

Hiện Pháp đang phải đối mặt với “thế lưỡng nan” khi có thể phải chịu khoản phạt rất lớn nếu vi phạm hợp đồng 1,5 tỷ USD đã ký với Mátxcơva, hoặc khiến các đồng minh trên khắp thế giới phẫn nộ nếu chuyển giao cho Nga những tàu chiến công nghệ cao này.

Phó thủ tướng Đức: Châu Âu sẽ “lâm nguy” nếu Nga bất ổn

Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel. (Ảnh:

Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel. (Ảnh: AFP)
 
Trước đó, Phó thủ tướng Đức hôm 4/1 cảnh báo, các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga sẽ đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm và tác động tiêu cực đến tình hình thế giới. Ông nhận định các lệnh trừng phạt nhằm đưa Nga vào bàn đàm phán chứ không nhằm mục đích khiến Nga sụp đổ.

Trong bài phỏng vấn với báo Bild am Sonntag, Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel phát biểu: “Bất kỳ ai muốn áp đặt lệnh trừng phạt nặng nề hơn lên Nga đang tạo nên một tình thế nguy hiểm cho tất cả các nước châu Âu”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng những lệnh trừng phạt này sẽ tại ra những hậu quả khôn lường tới toàn thế giới, bởi chúng khiến Mátxcơva không cộng tác để giải quyết khủng hoảng Ukraine hay xa hơn là các vấn đề toàn cầu khác.

Phó thủ tướng Đức cho hay có thể Mỹ và một số nước khác muốn siêu cường Nga “sụp đổ” thông qua việc áp đặt trừng phạt, nhưng Đức và châu Âu nói chung không có ý định này.

Mục đích của các lệnh trừng phạt, theo Phó thủ tướng Đức, là đưa Mátxcơva quay lại bàn đàm phán chứ không phải “đẩy kinh tế và chính trị nước Nga vào cảnh hỗn loạn”.

“Chúng tôi muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, không phải muốn Nga gặp chuyện”, ông Gabriel nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trước đó Thủ tướng Đức Angela Merkel từng thường xuyên cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga là cần thiết để dẫn đến việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Châu Âu đối mặt với khủng hoảng thị trường

Trang RT cho hay các nước Hà Lan, Đức, Ba Lan là nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất của Nga tại châu Âu. Mỹ cũng là bạn hàng lớn của Nga, nước này đã bán cho Mátxcơva khoảng 1,6 tỷ USD thực phẩm trong năm 2013.

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, Mỹ và EU đã phản ứng mạnh mẽ bằng các lệnh trừng phạt. Đến tháng 7/2014, các nước này tiến hành siết chặt trừng phạt với hàng loạt biện pháp gây sức ép về tài chính, năng lượng, quốc phòng lên Mátxcơva. Thêm vào đó, Mỹ và EU thường đổ lỗi Nga đã tiếp tay gây bất ổn tại miền Đông Ukraine.

Để đáp trả, tháng 8 vừa qua, Mátxcơva đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các loạt thịt, sữa, rau quả từ Úc, Canada, các nước EU, Mỹ và Na Uy trong vòng 1 năm.

Hiệp hội nông nghiệp lớn nhất của Pháp FNSEA đã lên tiếng cảnh báo lệnh cấm nhập khẩu của Nga có thể đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng về thị trường tiêu thụ.


Thoa Phạm
Theo RT, AFP