Tổng thống Pháp “cậy nhờ” người tiền nhiệm Sarkozy giữa tâm bão biểu tình Áo vàng
(Dân trí) - Trong cuộc khủng hoảng chính trị được coi là lớn nhất từ khi mới bắt đầu nhiệm kỳ tới nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như đã và đang nhờ sự giúp đỡ của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy nhằm tìm ra hướng ứng phó phong trào biểu tình “Áo vàng”.
Reuters ngày 18/12 đưa tin, trong 3 tuần qua, ông Macron đã và đang nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng từ làn sóng phản đối các cải cách của chính phủ. Ông Macron dường như đã có ít nhất 2 động thái thể hiện rằng ông muốn nhờ tới sự trợ giúp của cựu Tổng thống Sarkozy trong việc giải quyết căng thẳng leo thang.
Phong trào “Áo vàng”, một nhóm phi đảng phái, phi chính trị đã bắt đầu kêu gọi hàng trăm nghìn người Pháp xuống đường từ giữa tháng 11 nhằm biểu tình phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu của chính phủ Pháp. Vụ việc bùng phát thành bạo động tồi tệ nhất Pháp trong 50 năm trở lại đây vào đầu tháng 12, làm đảo lộn nghiêm trọng cuộc sống của người dân.
Một nguồn tin nói rằng ông Macron ngày 30/11 đã mời ông Sarkozy tới điện Elysee dùng bữa, một ngày trước khi phong trào “Áo vàng” bùng phát dữ dội làm “tê liệt” một số quận ở thành phố Paris.
Theo báo Le Figaro, ông Macron và Sarkozy đã trao đổi về các vấn đề liên quan tới trật tự xã hội cũng như một trong những biện pháp thuế mà ông Macron mới công bố tuần trước - miễn thuế với thu nhập người lao động kiếm được trong thời gian làm thêm giờ. Đây là một trong những chiến lược trọng tâm trong chương trình thuế của ông Sarkozy khi ông cầm quyền từ năm 2007 tới năm 2012.
Ngày 16/12, ông Macron đã cử ông Sarkozy tới Tbilisi đại diện cho Pháp tham gia lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Georgia Salome Zurabishvili, động thái khiến giới chính trị Pháp “nhíu mày”.
Các nguồn tin thân cận với ông Sarkozy đánh giá rằng ông Macron làm như vậy để gửi thông điệp tới các cử tri cánh hữu, những người bị “sốc” bởi cảnh bạo loạn ở Paris những tuần qua.
“Ông Macron hiểu được những lợi ích cá nhân và chính trị ông có thể có được nhờ vào ông Sarkozy. Trong giai đoạn khủng hoảng, việc giữ quan hệ với những người có tương đồng trong một vài quan điểm là điều tốt”, nguồn tin nhận định.
Trong 5 năm nhiệm kỳ, dù vướng phải một số bê bối gây tranh cãi, nhưng ông Sarkozy cũng là một trong những tên tuổi tiêu biểu trong việc thực hiện các cải cách chính sách dù không được lòng số đông nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt như cải tổ luật nghỉ hưu, hệ thống trường đại học và hệ thống thuế nhằm khuyến khích lao động tăng giờ làm.
Đức Hoàng
Theo Straits Times