Tổng thống Obama khởi động "chuyến đi tri ân" vòng quanh thế giới
(Dân trí) - Tuần này, Tổng thống Obama sẽ tới thăm một số quốc gia. Đây được coi là chuyến công du khởi đầu cho chuyến đi vòng quanh thế giới, một truyền thống thường được các Tổng thống Mỹ thực hiện khi sắp rời nhiệm sở. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên của ông Obama được đánh giá sẽ không chỉ toàn "màu hồng".
Khi đặt chân tới thủ đô Riyadh của Ả-rập Xê-út trong ngày 20/4 để tham dự một hội nghị thượng đỉnh của các nước Vùng Vịnh, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia, những người đang cảm thấy tức giận vì phát biểu chỉ trích mới đây của người đứng đầu chính phủ Mỹ, cũng như chính sách của Washington với Iran và cách xử lý vấn đề Syria hiện nay.
Trước khi lên đường tới Anh và Đức, Nhà Trắng sẽ phải đối diện với thách thức trong việc đưa ra bảo đảm rằng các đồng minh ở Vùng Vịnh vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống khủng bố của Mỹ, kể cả khi các nước này đang tập trung nghiên cứu về các chính sách ưu tiên của người kế nhiệm ông Obama. Ông David Ottaway, chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu Wilson, cho rằng: "Tôi nghĩ chuyến đi đó là cách để tái khẳng định với các đồng minh Arập rằng Mỹ vẫn ở đây trong dài hạn và sẽ không rời bỏ họ".
Trước đó, trong bài phát biểu trên tạp chí Atlantic, Tổng thống Obama đã chỉ trích các quốc gia Vùng Vịnh khi cho rằng những nước này thường rũ bỏ trách nhiệm và đợi chờ quá nhiều vào Mỹ trong vấn đề bảo đảm an ninh. Người đứng đầu chính phủ Mỹ cũng không ngại trước những ý kiến lo ngại tại Riyadh sắp tới khi ông kêu gọi Ả-rập Xê-út và Iran "cần phải tìm một cách thức hiệu quả để chia sẻ quan hệ láng giềng và giải quyết tình trạng căng thẳng hiện nay".
Theo Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes, bình luận trên của Tổng thống Obama phản ánh niềm tin vững chắc rằng: "Sau cùng, không cần đến giải pháp quân sự cho các thách thức tại khu vực này".
Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Obama với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh hồi năm ngoái tại Trại David tập trung vào giải quyết những vấn đề trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ cho thoả thuận hạt nhân với Iran. Bình luận mới đây của Tổng thống Obama được nhìn nhận như một lời bảo đảm với các nước rằng Iran vẫn sẽ là một "chủ đề lớn" trong cuộc họp sắp tới với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, bao gồm Ả-rập Xê-út , Bahrain, Qatar, Kuwait, UAE và Oman. Trong các cuộc thảo luận trước hội nghị thượng đỉnh, giới chức các nước đã thảo luận về những biện pháp mà Mỹ có thể duy trì bảo đảm, bao gồm cả việc giúp nâng cao năng lực của các nước trong các lĩnh vực như chống khủng bố, quốc phòng và an ninh mạng.
Mỹ mới đây đã cam kết viện trợ 139 triệu USD giúp giải quyết các vấn đề nhân đạo ở Yemen, nơi đang xảy ra một "cuộc chiến uỷ nhiệm" giữa Ả-rập Xê-út và Iran. Từ lâu, Riyadh đã tìm cách thúc đẩy Mỹ tiến hành một hành động quân sự mạnh mẽ nhằm vào sự can dự của Iran ở Syria và Iraq. Do đó, có khả năng sẽ diễn ra cuộc thảo luận căng thẳng giữa Tổng thống Obama và Quốc vương Salman của Ả-rập Xê-út về triển vọng đàm phán cho tương lai chính trị ở Syria. Tuy nhiên, cả Mỹ và Ả-rập Xê-út lại không tìm thấy điểm chung về việc sẽ hành động như thế nào nếu cuộc đàm phán cho hoà bình Syria ở Geneva thất bại. Ả-rập Xê-út và nhiều quốc gia Vùng Vịnh khác vẫn giữ quan điểm đòi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức, kể cả phải sử dụng biện pháp quân sự nếu cần, trong khi Mỹ ủng hộ kế hoạch xây dựng một chính phủ chuyển tiếp, cho phép Tổng thống Assad tại vị thêm một thời gian.
Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út cũng đang chịu sức ép ở các lĩnh vực khác. Giữa lúc có những nghi ngờ tại Mỹ cho rằng chính phủ Ả-rập Xê-út có liên quan tới vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9, Riyadh được cho là đang tiến hành vận động hành lang để ngăn cản quá trình thông qua một dự luật cho phép quy trách nhiệm của nước này trong vụ khủng bố. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng đã tuyên bố phản đối dự luật vì nó có thể dẫn tới rủi ro pháp lý cho những người Mỹ ở nước ngoài.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS News hôm Chủ Nhật vừa qua, Tổng thống Obama thừa nhận: "Nếu chúng ta mở ra khả năng các cá nhân ở Mỹ có thể bắt đầu khởi kiện chính phủ các nước khác, vậy chúng ta cũng mở ra khả năng Mỹ sẽ liên tục bị các cá nhân ở những nước khác kiện".
Ngoài ra, Mỹ cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới với một số đề nghị. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy các quốc gia Vùng Vịnh tăng khoản hỗ trợ kinh tế cho quá trình tái thiết lại các khu vực ở Iraq, những nơi đã bị tàn phá bởi cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mới đây, Tổng thống Obama đã thừa nhận sai lầm lớn nhất của ông là không tập trung cho quá trình tái thiết sau khi tiến hành can thiệp quân sự vào Libya, đẩy nước này vào tình trạng bị tàn phá và trở thành "căn cứ" cho các nhóm cực đoan. Nhà Trắng thừa nhận rằng Tổng thống Obama hy vọng Mỹ và có khả năng là các đồng minh của mình sẽ rút ra được kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Lybia.
Còn tại châu Âu, Anh và Đức sẽ đón tiếp Tổng thống Obama với "thái độ nồng nhiệt hơn". Tới nay, người đứng đầu chính phủ Mỹ vẫn là một trong những chính trị gia được ủng hộ tại hai nước. Và trong chuyến đi có thể là cuối cùng tới London và Berlin, Tổng thống Obama sẽ ăn trưa với Nữ hoàng Elizabeth và dùng bữa với giới lãnh đạo các tập đoàn của Đức.
Tại London, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama sẽ đưa ra những lý giải tại sao Anh nên ở lại Liên minh châu Âu, qua đó hỗ trợ Thủ tướng David Cameron trong quá trình vận động sự ủng hộ của người dân nước này trước cuộc trưng cầu dân ý. Theo thông báo của Điện Kensington, Tổng thống Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng sẽ dùng bữa tối với Hoàng tử William cùng Công nương Kate Middleton, và Hoàng tử Harry.
Tại Berlin, Tổng thống Obama dự kiến sẽ có những bài pháp biểu tái khẳng định sự ủng hộ cho các chính sách của Thủ tướng Angela Merkel về người di cư và thương mại, đây là hai lĩnh vực mà người đứng đầu chính phủ Đức đang đối diện với nhiều sức ép.
Ngọc Anh
Theo AP