1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Kennedy "tiên tri" việc truyền thông lũng đoạn bầu cử Mỹ

Lời tiên đoán của Tổng thống John Kennedy từ năm 1959 về việc truyền thông và tiền bạc sẽ lũng đoạn bầu cử Mỹ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Trung tâm Hiến pháp Quốc gia Mỹ (NCC), Tạp chí TV Guide ngày 14/11/1959 đã đăng tải bài viết của ông Kennedy [khi đó còn là Thượng Nghị sĩ-ND] về việc tiền bạc và truyền thông [chủ yếu là truyền hình] có tác động thế nào đến các cuộc bầu cử tại Mỹ.

Ông Kennedy (trái) và ông Nixon trong cuộc tranh luận trực tiếp năm 1960. Ảnh: NCC
Ông Kennedy (trái) và ông Nixon trong cuộc tranh luận trực tiếp năm 1960. Ảnh: NCC

Một điều trớ trêu là chỉ một năm sau bài viết đáng chú ý đó, ông Kennedy đã đắc cử Tổng thống Mỹ nhờ chính khả năng tận dụng truyền hình như một công cụ để vận động tranh cử.

Hiệu quả của việc này khiến ông Kennedy được mệnh danh là “ứng viên của truyền hình” và trở thành hình mẫu cho các chính trị gia muốn trở thành ông chủ của Nhà Trắng sau này.

Lời “tiên tri” thay đổi cả bộ máy tranh cử của Mỹ

Quay trở lại năm 1959, trong bài viết của mình, Tổng thống Kennedy đã khẳng định rằng, cử tri Mỹ cần theo dõi sát sao việc gây quỹ và xuất hiện trên truyền hình của các ứng viên Tổng thống trong thời gian vận động tranh cử.

Bài viết của Tổng thống Kennedy có tựa đề “Một thế lực có thể thay đổi bối cảnh chính trị Mỹ” có đoạn: “Người dân Mỹ hoàn toàn có sức mạnh để lật tẩy những trò dối trá, những lời lẽ khoác lác và tưởng thưởng cho sự trung thực. Họ có quyền đòi hỏi việc sử dụng pháp luật khi cần thiết. Nếu họ không chấp nhận, không một chương trình truyền hình nào còn trở nên đáng xem và không một chính trị gia nào còn có thể tồn tại”.

Cũng trong bài viết của mình, ông Kennedy đã đào sâu vào việc các chính trị gia cần phải biết sử dụng truyền hình như “cánh tay phải của mình” để quảng bá “những khoảnh khắc” tốt đẹp nhất của họ.

“Sự trung thành, nhiệt huyết, sự say mê và thông minh là những phẩm chất giúp định hình nên cái gọi là “hình ảnh” của một ứng cử viên”, ông Kennedy nhấn mạnh.

Cũng theo ông Kennedy: “Những hình ảnh hoặc ấn tượng trên truyền hình đó, nếu được sử dụng đúng sẽ phản ánh hoàn toàn chính xác về một ứng cử viên Tổng thống Mỹ”.

Tuy nhiên, ông Kennedy cũng cảnh báo, nếu rơi vào tay những kẻ xấu, truyền hình có thể bị lợi dụng để “lũng đoạn hoặc tuyên truyền sai sự thật về một ứng cử viên. Truyền hình có thể bị lạm dụng bởi những kẻ tự coi mình như những á thần bằng cách khơi gợi cảm xúc, tạo ra những định kiến hoặc cố tình phớt lờ một ứng viên nào đó”.

Truyền hình giúp “dàn xếp chính trị” vì “lợi ích tài chính”

Ông Kennedy sau đó nhấn mạnh đến khả năng các cuộc vận động tranh cử Tổng thống có thể được định đoạt nhờ các chuyên gia quan hệ công chúng. “Các chương trình truyền hình về chính trị hoàn toàn có thể được dàn xếp trước và điều này đôi khi đã xảy ra".

Cũng trong bài viết trên TV Guide, ông Kennedy cũng cảnh báo về vấn đề “chi phí vận động tranh cử”: “Nếu tất cả các đảng phái và ứng viên đều có quyền tiếp cận như nhau đối với phương tiện truyền thông quan trọng và có tính chất quyết định như truyền hình mà không cần phải quan tâm đến những ràng buộc với những người đóng góp tài chính lớn cho họ, thì chúng ta sẽ phải tìm ra một giải pháp để giải quyết chi phí về truyền hình”.

Ông Kennedy bày tỏ thất vọng sâu sắc về việc, số tiền chi ra cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1956 lên tới 5,8 triệu USD [một số tiền rất lớn vào thời điểm đó].

Dù chính là người lên tiếng cảnh báo về “sự lũng đoạn” của truyền hình và và tài chính đến các cuộc vận động tranh cử Tổng thống, bản thân ông Kennedy cũng đã phải chịu những lời chỉ trích gay gắt khi sử dụng chính “những thủ thuật” mà ông nêu trong bài viết trên TV Guide.

Theo đó, trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống năm 1960, ông Kennedy và đối thủ Richard Nixon đều chi khoảng 10 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của mình- cao hơn 2 triệu USD so với số tiền mà Tổng thống Dwight Eisenhower sử dụng năm 1956.

Hơn thế nữa, là người giàu nhất trong số những ứng viên Tổng thống cho đến thời điểm đó, ông Kennedy chưa bao giờ thiếu những nguồn lực cần thiết để thúc đẩy khả năng giành chiến thắng của mình.

Chi phí tranh cử Tổng thống tăng phi mã

Chỉ 4 năm sau, chi phí tranh cử Tổng thống đã tăng lên 16 triệu USD - số tiền mà ứng viên Barry Goldwater đã chi ra. Kỷ nguyên “bạo chi” cho chiến dịch tranh cử Tổng thống bắt đầu.

Đến năm 2012, số tiền chi cho các chiến dịch tranh cử Tổng thống giữa ông Barack Obama và ông Mitt Romney lên đến 2,75 tỷ USD - phần lớn “chảy vào túi” các tập đoàn truyền thông. Con số này năm 2016 giữa ông Trump và bà Clinton có giảm đi chút ít và rơi vào khoảng 2,65 tỷ USD.

Dù vậy, con số này được cho là “khổng lồ” so với kỷ nguyên Nixon-Kennedy khi cả hai ứng cử viên này chỉ chi có tổng cộng 161 triệu USD [tính theo giá lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng ở mức năm 2016] cho chiến dịch tranh cử của mình.

Theo các chuyên gia, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1968 giữa 2 ông Nixon và Hubert Humphrey là cuộc chạy đua tốn kém nhất trong vài chục năm với chi phí lên đến gần 600 triệu USD [tính theo giá lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng ở mức năm 2016]. Kỷ lục này chỉ bị phá vỡ sau cuộc chạy đua giữa ông Bush và ông Kerry trong năm 2004./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm