1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Toàn hệ thống an ninh châu Âu thất bại trong vụ khủng bố Paris

(Dân trí) - Ngoại trưởng Pháp Fabius nhận định vụ khủng bố Paris đã phơi bày thất bại của toàn bộ hệ thống an ninh châu Âu, giữa lúc các chuyên gia chỉ rõ ngày một nhiều “cảnh báo đỏ” bị các cơ quan chức năng bỏ lỡ trước thảm kịch làm 130 người thiệt mạng.

Một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hồi tháng 1, giới chức nước này đã bắt giữ Brahim Abdeslam gần biên giới và trục xuất trở lại Bỉ. Cảnh sát nước này khi đó thông báo với cảnh sát Bỉ rằng, đối tượng này đã bị “cực đoan hóa”, và bị tình nghi muốn gia nhập IS tại Syria.

Nhiều nghi phạm khủng bố Paris đã nằm trong danh sách đối tượng bị theo dõi từ lâu nhưng vẫn tự do đi lại (Ảnh: France 24)
Nhiều nghi phạm khủng bố Paris đã nằm trong danh sách đối tượng bị theo dõi từ lâu nhưng vẫn tự do đi lại (Ảnh: France 24)

Vậy nhưng trong quá trình thẩm vấn tại Bỉ, Abdeslam lại được trả tự do sau khi tên này phủ nhận mọi mối liên hệ với nhóm khủng bố. Tương tự, người anh em của tên này là Salah cũng không bị bắt. Giới chức Bỉ khẳng định đã đưa ra quyết định trên sau khi thấy chỉ có bằng chứng mờ nhạt về ý định khủng bố của người này.

Ngày 13/11, Abdeslam đã cho nổ tung khối thuốc nổ mang theo người tại quán bar Le Comptoir Voltaire ở Paris, khiến tên này tử nạn trong khi một người khác bị thương. Salah cũng là đối tượng tình nghi trong các vụ tấn công, làm 130 người thiệt mạng, mà sau đó IS đã nhận trách nhiệm. Salah hiện vẫn đang bỏ trốn.

Tại Pháp, giới chức nước này cũng đã liệt tên Ismail Omar Mostefai vào “danh sách S” gồm những người bị nghi ngờ là mối đe dọa an ninh quốc gia. Mostefai là một trong những kẻ đã kích nổ áo khoác gài bom bên trong rạp hát Bataclan, trong vụ khủng bố làm 89 người tại đây thiệt mạng.

Nghi phạm người Pháp gốc Algeria này đã nằm trong “danh sách S” suốt từ năm 2010, cảnh sát Pháp cho biết. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tháng 12/2014 và tháng 6 vừa qua cũng đã gửi văn bản tới Paris, cho biết họ xem tên này là nghi phạm khủng bố có liên hệ với IS, một nguồn tin cấp cao trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ. Thế nhưng cảnh báo từ Ankara dường như bị Pháp phớt lờ. Chỉ đến sau các vụ tấn công, Paris mới hồi âm.

Một kẻ thứ tư trong loạt vụ tấn công ít nhất từng 4 lần vắng mặt trong các cuộc kiểm tra thường kỳ hàng tuần của cảnh sát Pháp trong năm 2013. Đến khi cơ quan chức năng phát lệnh truy nã, tên này đã rời Pháp.

Cảnh sát Pháp đột kích điểm trú ngụ của các nghi phạm tại St. Denis (Ảnh: Daily Mail)
Cảnh sát Pháp đột kích điểm trú ngụ của các nghi phạm tại St. Denis (Ảnh: Daily Mail)

Trong tất cả những trường hợp trên, cảnh sát, cơ quan tình báo và các đơn vị an ninh từng có cơ hội để bắt giữ ít nhất một trong các nghi phạm tham gia vụ khủng bố. Việc họ không làm điều đó giúp giải thích vì sao một nhóm phiến quân Hồi giáo có thể tổ chức vụ tấn công, chưa kể tới việc chúng được đi lại tự do giữa các quốc gia trong khối hiệp ước Schengen.

Theo các chuyên gia an ninh, mỗi bước đi sai lầm trên đã tự giải thích cho vụ việc. Đó chính là những lỏng lẻo trong thông tin liên lạc, sự bất lực trong theo dõi nghi phạm cực đoan và thất bại trong phản ứng trước thông tin tình báo. Ngoài ra, nó cũng cho thấy sự thiếu hụt nguồn lực tại một số quốc gia, cũng như sự gia tăng số lượng phần tử muốn gia nhập phong trào thánh chiến.

“Chúng ta đang ở trong một tình huống mà các cơ quan an ninh bị quá tải. Họ nhận định sẽ có chuyện gì đó xảy ra, nhưng không biết ở đâu”, Nathalie Goulet, người báo cáo Ủy ban điều tra Thượng viện Pháp về các mạng lưới thánh chiến cho biết.

Nhiều người cho rằng Bỉ chính là mắt xích yếu trong an ninh châu Âu. “Họ đơn giản không có những phương tiện tương tự như cơ quan tình báo MI5 của Anh hay DGSI của Pháp”, Louis Caprioli, cựu lãnh đạo đơn vị chống khủng bố của Pháp nói.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel mới đây đã lên tiếng bảo vệ các cơ quan an ninh nước mình, và ca ngợi họ đã thực hiện “một công việc khó khăn”. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng biểu dương các lực lượng an ninh nước mình, khi săn lùng và tiêu diệt kẻ được xác định là chủ mưu vụ tấn công, Abdelhamid Abaaoud.

Cơ quan cảnh sát EU (Europol) khẳng định đã cung cấp thông tin cho giới chức Bỉ và Pháp, nhưng thừa nhận một số quốc gia thành viên chia sẻ thông tin tốt hơn những nước khác.

Cơ quan an ninh quá tải

Những năm qua, trọng tâm của cơ quan điều tra các nước là những đối tượng lớn lên tại châu Âu, có hộ chiếu châu Âu và tới Syria để huấn luyện, tham chiến. Tuy nhiên, khi số lượng chiến binh gia tăng, cơ quan chức năng không thể theo kịp.

Bộ nội vụ Pháp ước tính khoảng 500 công dân nước này đã tới Syria, và gần 300 người trở lại Pháp. Giới chức nước này cho biết khoảng 1400 người cần bị giám sát 24/24. Vậy nhưng số lượng nhân viên an ninh Pháp làm nhiệm vụ này cũng chỉ tương đương, và bằng 1/10 con số cần thiết.

Tại Bỉ, khoảng 350 công dân nước này đã tới Syria tham chiến. Một nguồn tin chính phủ cho biết, Bỉ có danh sách 400 cá nhân đang có mặt tại Syria, hoặc đã trở về hoặc được tin là chuẩn bị lên đường tới Syria. Ngoài ra còn có 400 – 500 phần tử khác bị tình nghi đã cực đoan hóa. Trong khi đó số lượng nhân viên an ninh làm nhiệm vụ giám sát được tin là ít hơn nhiều con số trên.

Những con số này phần nào lí giải vì sao nhiều kẻ tấn công tại Paris nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng từ lâu nhưng vẫn chưa bị bắt.

Abdelhamid Abaaoud - chủ mưu vụ khủng bố Paris - được tin là đã rời Bỉ sau khi bị truy nã trước khi quay trở lại Pháp (Ảnh: AFP)
Abdelhamid Abaaoud - chủ mưu vụ khủng bố Paris - được tin là đã rời Bỉ sau khi bị truy nã trước khi quay trở lại Pháp (Ảnh: AFP)

Bản thân Abaaoud là đối tượng truy nã của cơ quan chức năng từ nhiều năm qua. Sau cuộc vây bắt tại thị trấn Vervier, Bỉ hồi tháng Giêng, cơ quan cảnh sát nghi ngờ tên này đã âm mưu bắt cóc và sát hại một cảnh sát.

Nhưng chỉ một tháng sau, tên này trả lời trên tờ tạp chí tuyên truyền của IS rằng, y đã trở lại Syria sau cuộc vây bắt tại Verviers. Lúc đó y biết mình đang bị truy lùng. Nếu đây là sự thật, thì Abaaoud đã trở lại châu Âu sau lần bị vây bắt hụt hồi tháng Giêng mà giới chức Pháp không hay biết, cho đến khi được Ma rốc thông tin sau thảm kịch Paris.

“Nếu Abaaoud có thể di chuyển từ Syria và châu Âu, điều đó có nghĩa là toàn bộ hệ thống châu Âu đang thất bại”, ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cảnh báo.

Cảnh báo bị phớt lờ

Mostefai, kẻ đánh bom rạp Bataclan, cũng từng đi lại giữa Syria và châu Âu nhiều lần. Dù có 8 lần bị kết án vì các tội lặt vặt, tên này chưa từng bị tống giam. Cảnh sát cho biết họ nghi ngờ tên này từng tới Syria khoảng cuối năm 2013 đầu năm 2014, trước khi trở lại Pháp mà không ai hay biết.

Cuốn hộ chiếu mang tên Ahmad al-Mohammad được tìm thấy bên cạnh thi thể một kẻ đánh bom liều chết (Ảnh: Blic)
Cuốn hộ chiếu mang tên Ahmad al-Mohammad được tìm thấy bên cạnh thi thể một kẻ đánh bom liều chết (Ảnh: Blic)

Tháng 12 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo Pháp về Mostefai. Họ một lần nữa gửi thư cảnh báo hồi tháng 6 năm nay. Vậy nhưng theo một nguồn tin chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức Pháp không hồi đáp.

“Dường như có một mối liên hệ giữa kẻ này với IS, và chúng tôi đã thông báo việc đó”, nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. “Chúng tôi thực hiện mọi quy trình quốc tế. Nhưng họ (người Pháp) không cho thấy mức độ cảnh giác tương tự”.

Nhưng sai sót không chỉ xảy ra tại Pháp và Bỉ.

Cuốn hộ chiếu Syria, được tìm thấy gần một trong những kẻ đánh bom sân vận động Stade de France trước đó được một người đàn ông khai báo là người tị nạn trên đảo Leros, Hy Lạp hôm 3/10. Người này sau đó đi qua Macedonia và xin tị nạn tại Serbia, các nguồn tin an ninh tiết lộ.

Cơ quan công tố Pháp xác nhận dấu vân tay được lấy khi người đàn ông tới Hy Lạp cho thấy người này còn đi cùng một người khác. Và kẻ đi cùng này cũng đã cho nổ tung bom mang theo người bên ngoài Stade de France.

Hai kẻ này có vẻ đã tới Paris không mấy khó khăn, bởi trong bối cảnh khủng hoảng người di cư lan khắp châu Âu, những người xin tị nạn đôi khi được di chuyển vội vã qua biên giới nhiều nước mà không cần kiểm tra.

Hiện chưa rõ cuốn hộ chiếu có tên Ahmad al-Mohammad, 25 tuổi, đến từ Idlib, Syria là thật hay bị đánh cắp từ một người di cư. Nhưng dù sự thật ra sao, nó cũng đã góp phần thổi bùng những chỉ trích từ những người phản đối tiếp nhận người tị nạn.

Nhưng từ trước khi hai nghi phạm trên di chuyển qua các nước Balkan tới tây Âu, Pháp đã nhận được nhiều thông tin về một vụ tấn công sắp xảy ra.

Cựu thẩm phán chống khủng bố Marc Trevidic cho biết, một người Pháp theo đạo Hồi mà ông thẩm vấn sau khi trở về từ Syria hồi tháng 8 cho biết, IS đã yêu cầu tiến hành tấn công một địa điểm hòa nhạc.

“Kẻ đó thừa nhận hắn ta được yêu cầu tấn công một buổi trình diễn nhạc rock. Chúng tôi không biết liệu đó có phải là Bataclan hay nơi khác. Hắn ta không biết địa điểm chính xác sẽ được chọn. Nhưng đúng là chúng đã yêu cầu hắn ta làm việc đó”, Trevidic xác nhận.

Bộ trưởng ngoại giao Iraq cũng khẳng định, cơ quan tình báo nước này đã chia sẻ với Pháp thông tin cho thấy nước này, cùng với Mỹ và Iran, là mục bị tiêu tấn công.

Thanh Tùng

Tổng hợp