1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tòa Ai Cập bác quyết định giao hai đảo cho Ả rập Xê út

(Dân trí) - Thẩm phán Ai Cập mới đây đã bác bỏ quyết định của chính quyền Tổng thống Abdul Fattah al-Sisi nhằm trao 2 hòn đảo ở biển Đỏ cho Ả rập Xê út, BBC đưa tin hôm qua 21/6.

Đảo Tiran (Ảnh: BBC)
Đảo Tiran (Ảnh: BBC)

Hồi tháng 4 năm nay, Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi và Quốc vương Ả rập Xê út Salman đã ký kết một thỏa thuận về biên giới lãnh thổ, trong đó Ai Cập đồng ý bàn giao 2 hòn đảo Tiran và Sanafir không có người ở thuộc cửa Vịnh Aqaba cho Ả rập Xê út. Đây là khu vực chiến lược tại biển Đỏ, giáp Israel, Jordan, Ai Cập và Ả rập Xê út.

Tuy nhiên, Hội đồng Nhà nước Ai Cập, một tòa án hành chính, hôm qua 21/6 đã ra phán quyết bãi bỏ thỏa thuận ranh giới trên biển giữa Ai Cập và Ả rập Xê út của Tổng thống al-Sisi. Phán quyết tuyên bố hai hòn đảo trên vẫn thuộc chủ quyền lãnh thổ của Ai Cập. Phán quyết này sẽ có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý nếu Tòa án hành chính tối cao Ai Cập quyết định thông qua.

Trước đó, quyết định của Tổng thống al-Sisi đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Ai Cập. Ông al-Sisi bị chỉ trích vì đã vi phạm hiến pháp quốc gia và thực hiện động thái “bán đảo” để đổi lại gói viện trợ hàng tỷ USD từ Ả rập Xê út nhân chuyến thăm của Quốc vương Salman hồi tháng 4. Nhiều luật sư dẫn đầu là cựu ứng viên tổng thống Ai Cập Khaled Ali, đã đệ đơn lên Hội đồng Nhà nước Ai Cập để khởi kiện quyết định bàn giao 2 đảo cho Ả rập Xê út của Tổng thống al-Sisi.

Vị trí 2 đảo Tiran và Sanafir trên bản đồ (Ảnh: BBC)
Vị trí 2 đảo Tiran và Sanafir trên bản đồ (Ảnh: BBC)

Theo nhà lãnh đạo Ai Cập, 2 hòn đảo Tiran và Sanafir vốn thuộc về Ả rập Xê út nên bây giờ phải trả lại cho họ. Trên thực tế, quân đội Ai Cập đã đóng quân trên các hòn đảo này từ năm 1950 theo yêu cầu của Ả rập Xê út.

Tiran và Sanafir là 2 đảo nằm ngoài khơi biển Đỏ, cách bờ biển khoảng 4km. Đảo Tiran nằm ở cửa Vịnh Aqaba, trên một khu vực mang tính chiến lược quan trọng là eo biển Tiran, vốn được Israel sử dụng để đi vào biển Đỏ. Trên 2 đảo này hiện không có cư dân sinh sống, chỉ có các quân nhân Ai Cập và lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia đồn trú. Israel chiếm 2 đảo này vào các năm 1956 và 1982, sau đó cả 2 lần đều trả lại cho Ai Cập.

Thành Đạt

Theo BBC