1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tính toán của Trung Quốc ở Trung Đông

Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên quân Quân đội Trung Quốc, Thượng tướng Phòng Phong Huy đã dẫn đầu đoàn đại biểu quân đội nước này đến thăm Afghanistan.

Báo chí Trung Quốc hồi cuối tháng 2/2016 cho biết, trong cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani Ahmadzai, tướng Phòng Phong Huy cam kết Trung Quốc sẽ tích cực thực hiện đồng thuận quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai nước, không ngừng tăng cường hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực giữa quân đội hai nước, thúc đẩy hợp tác chống khủng bố ở khu vực, tích cực đóng góp cho bảo vệ an ninh, ổn định khu vực, thúc đẩy xây dựng chiến lược "Một vành đai, một con đường".

Tổng tham mưu trưởng Phòng Phong Huy cũng đã thảo luận với phía Afghanistan về kế hoạch thành lập liên minh chống khủng bố giữa 4 nước Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Tajikistan và Tổng thống Afghanistan đã phê chuẩn kế hoạch này.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) cùng Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani Ahmadzai.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) cùng Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani Ahmadzai.

Trong khi đó, tờ Nhật báo Phố Wall Mỹ ngày 10/3 dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết, Trung Quốc đề xuất mở rộng viện trợ quân sự đối với quân đội Afghanistan. Động thái này đã phản ánh Chính phủ Trung Quốc chuẩn bị tăng cường mức độ tham gia ở quốc gia bị tàn phá ghê gớm bởi chiến tranh này.

Chuyến thăm cấp cao của Quân đội Trung Quốc đến Afghanistan lần này là chuyện hiếm thấy. Trung Quốc luôn tránh công khai ủng hộ Quân đội Afghanistan tấn công Taliban, bởi vì họ cũng đang phát triển quan hệ với nhóm quân sự này để bản thân có thể được xem là một bên trung lập không can dự vào cuộc xung đột nội bộ của Afghanistan và hỗ trợ thúc đẩy tiến trình hòa bình Afghanistan.

Tuy nhiên, tình hình an ninh xấu đi và sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thúc đẩy Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn ở Afghanistan.

Việc đẩy mạnh hợp tác với Afghanistan là bước đi tiếp theo của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.

Sự hiện diện của Bắc Kinh vào tình hình Trung Đông được đề cập nhiều kể từ vụ công dân Trung Quốc Fan Jinghui bị IS hành quyết tháng 11/2015.

Đầu năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong năm, để tới thăm 3 cường quốc Trung Đông là Saudi Arabia, Ai Cập và Iran.

Đáng lưu ý là chuyến công du diễn ra ngay sau khi các lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran được gỡ bỏ. Song, nó cũng được thực hiện vào đúng thời điểm căng thẳng ngoại giao giữa Tehran và Riyadh gia tăng sau vụ việc Iran hồi đầu tháng xử tử giáo sĩ Hồi giáo người Shiite Nimr al-Nimr.

Dorian Malovic, chuyên gia về Trung Quốc, trưởng ban châu Á của La Croix đánh giá Trung Quốc lâu nay vẫn kiên trì chính sách không liên kết, nhưng hiện nước này đang tìm cách can dự vào môi trường an ninh ở Trung Đông nhằm tăng cường vai trò và nâng cao vị thế. Khi mà giá dầu thô đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, ít ai nghĩ rằng chuyến công du của ông Tập Cận Bình chỉ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế Trung Quốc.

Tại mỗi điểm dừng chân, ông Tập Cận Bình không chỉ giúp tạo thêm những cơ hội hợp tác về thương mại - đầu tư, mà còn góp phần thúc đẩy chính sách đối ngoại của Trung Quốc với nhiều lợi ích và hướng tiếp cận mới mẻ.

Về tiến trình hòa bình tại Trung Đông, Romain Brunet, chuyên gia phân tích châu Á của France 24 nhận định Trung Quốc đã có những bước đi thận trọng và khôn khéo. Thời gian đầu cuộc nội chiến tại Syria, Trung Quốc để cho 4 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an chủ động trên hồ sơ khu vực.

Nhưng ngành ngoại giao Trung Quốc bắt đầu năng nổ hơn, từ năm 2014, lần đầu tiên sau 23 năm, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đến thăm Iraq. Tiếp đó, Bắc Kinh tìm cách thắt chặt quan hệ với các tổ chức khu vực như liên đoàn Arab, thành viên của ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á mà Bắc Kinh khởi xướng. Trung Quốc có liên hệ với tất cả các phe phái đối lập tại Syria, vừa ủng hộ lập trường của Nga nhưng cũng chủ động tiếp ngoại trưởng Syria và đại diện đối lập.

Bắc Kinh cho rằng chính các hành động quân sự của Mỹ và phương Tây tại Trung Đông sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp và bất ổn kéo dài. Nhưng Abu Bakr al-Baghdadi - thủ lĩnh IS - từng cáo buộc Trung Quốc là quốc gia đàn áp đạo Hồi, và tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động sang khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Thực tế này buộc Trung Quốc phải tính tới nhiều phương án nhằm tăng cường can dự vào môi trường an ninh Trung Đông và hóa giải nguy cơ đe dọa từ xa. Để đảm bảo an ninh nội địa trước nguy cơ tấn công của lực lượng khủng bố cực đoan, Trung Quốc sẽ phải tính đến khả năng can dự sâu hơn vào Trung Đông.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt