Tiết lộ bí mật những tai nạn bom nguyên tử của Mỹ
Từ năm 1950 đến năm 1980, Mỹ đã phải đối mặt với 32 "mũi tên gãy", thuật ngữ của Lầu Năm Góc về những tai nạn liên quan đến vũ khí hạt nhân. Tai nạn sau cùng trong khoảng thời gian trên xảy ra vào tháng 9/1980, tại một căn cứ không quân Mỹ ở Damascus, bang Arkansas.
Trước đó, năm 1961, một chiếc B-52 đã gặp sự cố khiến quả bom Hydro Mark 39 rơi xuống gần khu vực thành phố Goldsboro, bang Bắc Carolina. Cơ chế kích nổ đã khởi động nhưng may mắn là còn một chốt an toàn không bị bung ra nên nước Mỹ mới thoát khỏi một thảm họa kinh hoàng. Tính toán cho thấy nếu phát nổ, bức xạ từ quả bom trên có thể lan khắp vùng bờ biển miền đông, từ thủ đô Washington D.C đến Baltimore, Philadelphia và New York. Tờ Guardian dẫn báo cáo của chuyên gia Parker Jones tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Sandia, chịu trách nhiệm về an toàn vũ khí hạt nhân, viết: “Chốt an toàn cuối cùng còn trong vị trí đã cứu nước Mỹ khỏi một thảm họa”.
Một hình cầu lửa phóng xạ ở đỉnh của cột khói phát ra từ một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Đến năm 1956, một sự cố nghiêm trọng hơn đã xảy ra. Một chiếc B-47 đột nhiên biến mất khi mang theo 2 quả bom nguyên tử từ căn cứ không quân MacDill, bang Florida, đến một căn cứ nước ngoài. Liên lạc bị cắt khi máy bay đang trong vùng trời Địa Trung Hải và mọi nỗ lực tìm kiếm trong hàng chục năm qua đều kết thúc trong vô vọng đến tận ngày nay. Cùng năm, lại là máy bay B-47 gặp sự cố với vụ một oanh tạc cơ đâm vào cơ sở chứa vũ khí hạt nhân ở căn cứ không quân Lakenheath tại Suffolk (Anh) trong lúc diễn tập. Lúc đó, cơ sở này chứa đến 3 quả bom Mark 6. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy phép màu đã cứu nước Anh khi một quả bị nứt vỏ, lộ kíp nhưng lại không phát nổ.
Mỹ tiếp tục mất một quả bom Mark 15 nặng 3.400 kg trong vụ va chạm chiến đấu cơ ngày 5/2/1958. Trong lúc hạ cánh xuống căn cứ không quân Hunter tại bang Georgia, chiếc B-47 đụng phải một chiếc tiêm kích F-86. Tai nạn khiến chiếc B-47 buộc phải thả bom xuống vùng biển gần đảo Tybee. Rất may là không có vụ nổ nào và cũng không có thương vong. Sau Anh và Canada, đến lượt Tây Ban Nha suýt “lãnh đủ” vì "mũi tên gãy" Mỹ và cũng do đụng máy bay.
Tháng 1/1966, chiếc B-52 chở 4 quả bom nhiệt hạch đã va chạm với chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 trên không và rơi gần Palomares, Tây Ban Nha. Vụ việc khiến 7 phi công trên 2 máy bay thiệt mạng. Hai quả bom không có lõi plutonium phát nổ, thải ra một lượng uranium và giới chức phải di dời hơn 1.400 tấn đất ở Palomares. Mỹ nhanh chóng thu hồi được quả bom thứ ba nhưng phải huy động hơn 20 tàu chiến, máy bay và mất nhiều tháng mới vớt được quả thứ tư.
Một sự cố hạt nhân hy hữu khác xảy ra vào tháng 12/1965. Theo Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ, máy bay tấn công A-4E Skyhawk mang theo bom hạt nhân B43 lăn xuống biển khi đang đậu trên tàu sân bay USS Ticonderoga tại vùng biển Thái Bình Dương. Hậu quả là phi công, máy bay lẫn vũ khí hủy diệt đều không bao giờ được tìm thấy.
Vụ việc gần đây nhất là vào tháng 8/2007, một máy bay ném bom B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Minot, Bắc Dakota, bay tới Louisiana đã nạp nhầm 6 quả tên lửa hành trình, mỗi quả trang bị một đầu đạn hạt nhân tương đương 150.000 tấn thuốc nổ (gấp 60 lần quả bom mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima, Nhật Bản).
Tai nạn Damascus là hình ảnh thu nhỏ về các nguy cơ tiềm ẩn của những gì mà nhà xã hội học Charles Perrow gọi là "tai nạn bình thường" nhưng có thể gây ra phản ứng dây chuyền với hậu quả vô cùng thảm khốc, hay như nhà báo Eric Schlosser giải thích trong cuốn sách mới của mình mang tên “Chỉ huy và Kiểm soát” rằng vụ nổ Titan II tại Damascus là một tai nạn "bình thường", nhưng do hệ thống điều khiển quá phức tạp mà kỹ thuật viên không thể xác định được những gì đang diễn ra bên trong các hầm ngầm và sơ xuất của con người khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.