Thụy Sĩ lên tiếng vụ điều F-18 áp sát máy bay chở quan chức Nga
(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đã xác nhận về việc điều một máy bay chiến đấu F-18 tiếp cận một máy bay chở quan chức Nga để nhận dạng. Trước đó, một cuộc tranh cãi ngoại giao đã nổ ra giữa Moscow và Paris sau khi Nga cáo buộc máy bay này là của Pháp.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ Peter Minder, vụ việc xảy ra ngày 19/10 trong không phận nước này trên thành phố Bienne, cũng được gọi là Biel hoặc Bienna.
“Đó là một cuộc kiểm tra thông thường của không quân Thụy Sĩ… một cuộc kiểm tra ở cự ly gần”, ông Minder nói.
“Chúng tôi đã liên lạc với phi công và lưu ý về việc nhận dạng. Mọi việc diễn ra đúng quy trình. Đó là một sự nhận dạng thông thường”, phát ngôn viên trên nói thêm.
Trước đó, Nga đã cáo buộc một máy bay chiến đấu Pháp tiếp cận gần một cách nguy hiểm một máy bay chở các quan chức Nga. Moscow đã triệu đại sứ Pháp tại Nga tới để yêu cầu giải thích về vụ việc.
Máy bay Nga bị “làm phiền” chở phái đoàn quốc hội nước này, dẫn đầu là Chủ tịch Hạ viện Sergei Naryshkin, đang trên đường tới tham dự một cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ.
Sau khi Pháp bác bỏ thông tin trên và Thụy Sĩ lên tiếng, Moscow đã thừa nhận có sai sót trong việc xác định máy bay chiến đấu và xin lỗi Paris thông qua các kênh ngoại giao.
Vào tối qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận Moscow đã xin lỗi, nhưng yêu cầu một lời giải thích từ phía Thụy Sĩ.
“Chúng tôi phải làm rõ điều gì đã xảy ra và tại sao lại làm vậy”, bà Zakharova nói.
Yevgenia Chugunova, phát ngôn viên của Chủ tịch Hạ viện Sergei Naryshkin, cho hay chiếc máy bay chiến đấu bay gần tới nỗi các thành viên trong đoàn có thể chụp ảnh nó.
“Tôi có thể xác nhận vụ việc. Chúng tôi nhìn thấy nó ở rất gần”, bà Chugunova nói.
Ông Naryshkin cho biết ông đã nắm được vụ việc, dù đích thân không nhìn thấy máy bay chiến đấu.
Còn một thành viên khác trong phái đoàn Nga, Sergei Gavrilov, nói với hãng tin Tass rằng việc tiếp cận “xảy ra ở độ cao 3.700 m bên trên biên giới Thụy Sĩ” và gọi đó là “hành động không đẹp của NATO”.
Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập và không phải là thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
An Bình
Theo AFP, AP