Thủy quân lục chiến Mỹ trang bị trực thăng biến hình
Được thiết kế kiểu modul, vì vậy trực thăng không người lái ARES trang bị cho Thủy quân lục chiến Mỹ có thể biến hình tùy theo từng nhiệm vụ.
Trang bị đỉnh cao
Theo Defense News, ngày 18/10, Cơ quan phụ trách Dự án tương lai (DAPRA) thuộc Lầu Năm góc đã giới thiệu tổ hợp máy bay không người lái (UAV) Aerial Reconfigurable Embedded System (ARES) với khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng chuyên nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và đạn dược.
ARES được phát triển từ dự án DARPA's Tranformer (TX), đã thử nghiệm một chiếc "xe jeep bay" có khả năng chạy dưới đất như dòng xe ô tô thể thao vượt địa hình và chuyển sang chế độ bay lên thẳng nhằm tiến hành các chiến dịch bay vận chuyển đa dụng.
Điểm đáng chú ý đối với trực thăng ARES đó là nó có khả năng “biến hình”. Cụ thể, ARES là một bộ phận tháo rời với hai cánh quạt hai bên nằm trong một bộ khung cánh và có khả năng cất, hạ cánh lên thẳng (tương tự như máy bay lưỡng thể Bell/Boeing V-22 Osprey).
Hai cánh quạt có khả năng xoay để chuyển sang chế độ bay với tốc độ tương đương những máy bay cỡ nhỏ. Khi cần vận chuyển binh sĩ thì bộ phận ở giữa của ARES sẽ được lắp một khoang thích hợp, còn khi vận chuyển hàng hóa thì lại được thay thế bằng một khoang khác.
Các bộ phận có thể thay đổi để làm sao cho nhiệm vụ đạt được hiệu quả cao nhất chứ chúng không cố định như các loại trực thăng có người lái hiện nay.
ARES sử dụng một hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số hỗ trợ điều khiển từ xa cho phép nó hoạt động như một chiếc trực thăng không người lái. Các thiết bị camera phân giải và cảm biến hồng ngoại giúp trực thăng này hoạt động hiệu quả trong điều kiện ban ngày cũng như ban đêm.
Theo một số nguồn tin, Quân đội Mỹ còn đang phát triển thêm các tính năng mới cho ARES để đáp ứng được các yêu cầu của quân đội trong tương lai xa hơn.
Vũ khí laser, chó robot
Trước đó, Mỹ cũng từng giới thiệu và công bố một loạt vũ khí có tính năng vượt trội. Ngày 29/8, tờ Tin tức Tham khảo của Trung Quốc dẫn nguồn Daily Mail đăng tải bài viết giới thiệu vũ khí laser tấn công không có âm thanh mới vừa được công ty Boeing của Mỹ thử nghiệm.
Theo bài báo này, hệ thống vũ khí laser mới nhất của công ty Boeing - "hệ thống vũ khí laser nhỏ gọn" (Compact Laser Weapon System, gọi tắt là LWS) có thể tháo rời thành 4 bộ phận lớn, mỗi bộ kiện có thể do 1 hoặc 2 binh sĩ vận chuyển.
Nó có thể lắp ráp xong trong vòng 15 phút, dùng chùm laser để tiêu diệt mục tiêu có cự ly ít nhất ngoài 35 km, công suất lớn nhất của chùm laser có thể đạt tới 10 kW. Công ty Boeing cho biết, "hệ thống vũ khí laser nhỏ gọn không âm thanh, không hình dạng và chính xác" có thể sử dụng năng lượng một chiều bắn trúng mục tiêu.
Hiện nay, trong một cuộc diễn tập ở Point Mugu, bang California, hệ thống này đã thực hiện đột phá mang tính cột mốc, đã theo dõi và tiêu diệt một máy bay không người lái bay trên không. Vào tháng 2 năm ngoái, Mỹ cũng từng giới thiệu những robot như Valkyrie, Big Dog, Cheetah, Petman, hỗ trợ tích cực quân đội Mỹ trên chiến trường, thậm chí chúng sẽ thay thế chiến binh tác chiến trong tương lai.
Một năm sau, công ty quốc phòng Mỹ Boston Dynamics tiếp tục ra mắt chú chó robot phiên bản mới nhất với những kỹ năng vượt trội, có tên là Spot - đây là robot bốn chân, được thiết kế phù hợp với các hoạt động trong nhà và cả bên ngoài chiến trường. Chú chó robot Spot có khả năng tự giữ thăng bằng và có sự uyển chuyển hơn so với robot AlphaDog khi leo lên đèo.
Spot sử dụng năng lượng điện và thủy lực nhờ vào việc di chuyển bước chân. Phần đầu của robot này cài bộ cảm biến laden giúp nó có thể định vị và vượt qua được các khu vực địa hình hiểm trở. Robot Spot phù hợp với hệ sinh thái lớn hơn của Boston Dynamics về mặt ứng dụng.
Với trọng lượng 73 kg và chạy êm ái nhất có thể, nó được cho là một trong những chú chó robot có năng lực nhất trong nhóm các robot chiến binh của quân đội Mỹ. Dù có đôi chút lợi thế về robot vận tải nhưng Mỹ đang bị coi là tụt hậu so với Nga trong lĩnh vực robot chiến đấu, bởi hiện nay Moskva đã đưa hàng loạt chiến binh robot này vào trang bị.
Clip mô phỏng hoạt động của ARES:
Theo Thùy Dung
Đất Việt