1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Nhật cải tổ nội các, chỉ định tân bộ trưởng tài chính

(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Noda hôm nay 1/10 đã cải tổ nội các, thay đổi 10 trong số 18 vị trí bộ trưởng, trong đó chỉ định Koriki Jojima, thành viên cấp cao trong đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền làm tân bộ trưởng tài chính.

 
Koriki Jojima được chọn làm Bộ trưởng tài chính trong cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng Noda.
Koriki Jojima được chọn làm Bộ trưởng tài chính trong cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng Noda.

Ngoại trưởng Koichiro Gemba nằm trong số những cái tên nặng ký giữ nguyên chức vụ trong cuộc cải tổ nội các mà ông Noda mong muốn sẽ hàn gắn rạn nứt với Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo và thúc đẩy tỉ lệ ủng hộ dành cho ông.

 

Ông Noda cho biết cuộc cải tổ sẽ là khích lệ lớn cho chính phủ của ông. “Cuộc cải tổ này sẽ giúp chính phủ và các đảng cầm quyền (DPJ lên nắm quyền nhờ liên minh với một đảng nhỏ hơn), phối hợp để giải quyết một số vấn đề trong nước cũng như ngoại giao, củng cố thêm chức năng của nội các”.

 

Cuộc cải tổ diễn ra khi tỉ lệ ủng hộ dành cho thủ tướng Noda vẫn ảm đạm sau cuộc chiến tại cơ quan lập pháp nhằm tăng gấp đôi thuế bán hàng.

 

Nó cũng diễn ra vào thời điểm Tokyo đang vướng vào tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền quần đảo trên Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

 

Ông Noda cũng đưa Makiko Tanaka vào nội các với tư cách tân bộ trưởng giáo dục, mà giới phân tích cho rằng nhằm xoa dịu được căng thẳng với Trung Quốc, do cha bà, một cựu thủ tướng Nhật, là người đã bình thường hóa mối quan hệ với Trung Quốc năm 1972.
 

Bà Tanaka đã ở Bắc Kinh vào tuần trước tham gia phái đoàn liên nghị viện giữa hai nước. Bà là ngoại trưởng dưới thời Thủ tướng nổi tiếng của Nhật Junichiro Koizumi và được nhớ tới bởi bài phát biểu đầy nước mắt sau khi bị cách chức vào năm 2002.

 

Tuy nhiên ông Noda phủ nhận việc bổ nhiệm bà có liên quan đến tranh chấp đảo với Trung Quốc, và khẳng định kinh nghiệm của bà trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đóng vai trò quan trọng cho vị trí bà vừa được bổ nhiệm.

 

“Tôi không bổ nhiệm bà làm ngoại trưởng”, ông Noda nói với các phóng viên. “Không có chuyện tôi quyết định ai làm bộ trưởng giáo dục và khoa học bởi vì những vấn đề Nhật-Trung”.

 

Tuy nhiên, ông Takehiko Yamamoto, giáo sư chính trị quốc tế tại đại học Waseda cho rằng chắc chắn việc bổ nhiệm bà là một tính toán ngoại giao. “Đây rõ ràng là thông điệp và chỉ dấu gửi tới Trung Quốc, dù Thủ tướng có nói gì đi chăng nữa”, ông bình luận. “Trung Quốc coi bà là một người rất quan trọng. Bộ trưởng giáo dục là vị trí then chốt, đảm trách trao đổi văn hóa giữa Nhật và Trung Quốc và bà Tanaka dự kiến sẽ cải thiện mối quan hệ từ khía cạnh này”.

 

Bà Tanaka là nữ bộ trưởng duy nhất trong nội các và một trong số ít phụ nữ tham gia chính trường ở đất nước Nhật, nơi có bất cân bằng giới lớn nhất trong số các nước phát triển.

 

Ngoại trưởng Koichiro Gemba và Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto vẫn tại vị và nhân vật chủ chốt trong đảng DPJ Seiji Maehara được bổ nhiệm giám sát chiến lược quốc gia. Ông Noda muốn ông Maehara “dùng khả năng của mình để phát triển chiến lược vực dậy Nhật Bản và áp dụng các biện pháp kinh tế với tư cách là tư lệnh của toàn chính phủ”.

 

Yamamoto, thuộc đại học Waseda, cho rằng việc bổ nhiệm ông Maehara, là để bổ trợ cho việc bổ nhiệm bà Tanaka, nhằm xoa dịu các nhân vật diều hâu trong đảng.

 

Bộ trưởng tài chính Jun Azumi, người được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao trong đảng, được thay thế bằng nhân vật ít được biết đến Koriki Jojima, để chèo lái nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

 

Các nhà bình luận cho rằng việc bổ nhiệm ông Jojima là bước đi chiến lược, trong bối cảnh phe đối lập dọa sẽ ngăn chặn một dự luật tài chính chủ chốt nhằm tăng gấp đôi thuế bán hàng.

 

Thủ tướng Noda đang hứng chịu áp lực phải tổ chức tổng tuyển cử sớm vào năm nay sau khi ông đưa ra cam kết không rõ ràng với phe đối lập là sẽ “sớm” giải tán quốc hội để đổi lại sự ủng hộ của họ trong một dự án tăng thuế trên.

 

Tuy nhiên, những con số thăm dò dư luận không mấy tốt đẹp khiến nhiều người trong đảng cầm quyền vốn đã bị chia rẽ nay càng lo ngại cho chiếc ghế của họ, và nhiều khả năng Đảng dân chủ tự do (LDP) đối lập sẽ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.

 

Đảng đối lập chính của Nhật cũng đã chọn cựu Thủ tướng Shinzo Abe làm tân lãnh đạo vào tuần trước, trong cuộc bỏ phiếu có thể đưa ông trở lại vị trí thủ tướng.

 

Vũ Quý

Theo AFP