1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ tướng Nhật bất ngờ tuyên bố từ chức

(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda tối ngày 1/9 đã bất ngờ tuyên bố từ chức, chỉ sau chưa đầy một năm lên nắm quyền, tiếp tục đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài.

Ông Yasuo Fukuda đã vội vã sắp xếp một cuộc họp báo vào tối 1/9, và cho biết ông sẽ từ chức để tránh một “khoảng trống” khi Quốc hội vốn bị chia rẽ sâu sắc chuẩn bị bước vào một kỳ họp đặc biệt.

Vị thủ tướng 72 tuổi đưa ra tuyên bố trên chỉ vài ngày sau khi tiết lộ kế hoạch chi 18 tỷ USD để hỗ trợ cho nền kinh tế đang “ốm yếu” của nước này. Chỉ số tăng trưởng đã bị đình trệ trong bối cảnh tiêu dùng suy giảm và giá lương thực cùng giá nhiên liệu tăng mạnh.

“Tôi cảm thấy rằng chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nền kinh tế”, ông Fukuda cho biết trong bài phát biểu được truyền hình trên cả nước. “Nếu có thể giúp cho kỳ họp của quốc hội diễn ra suôn sẻ hơn, dù là chút ít, tôi quyết định rằng tốt hơn là để ai đó ngoài tôi dẫn dắt” đất nước.

 

Ông Fukuda, người có cha cũng từng làm thủ tướng Nhật Bản, đã phải đối mặt với sự “thất sủng”, với tỉ lệ ủng hộ rất thấp, khi ông “bị kẹp” giữa một bên là đảng cầm quyền và một bên là đảng đối lập trong quốc hội. Theo một cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày hôm nay, tỷ lệ ủng hộ ông chỉ ở mức 29%, giảm mạnh so với tháng trước.

 

Việc từ chức của ông Fukuda đã nối dài thêm giai đoạn bất ổn chính trị ở Nhật kể từ khi ông Junichiro Koizumi, nhân vật được yêu mến rộng rãi khắp Nhật, rời nhiệm sở hai năm trước.

 

Nhân vật được ông Koizumi tiến cử, Shinzo Abe, cũng chỉ “trụ” được ở chiếc ghế thủ tướng có 1 năm. Ông Abe từ chức vào tháng 9/2007 vì lý do sức khoẻ.

 

Ông Fukuda được coi là một lãnh đạo cứng cỏi, sẽ mang lại sự ổn định cho Nhật Bản. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ vượt qua được sự chia rẽ trong quốc hội, nơi đảng cầm quyền Dân chủ tự do nắm giữ phần đa trong hạ viện, còn đảng đối lập nắm giữ phần đa trong thượng viện. Đảng Dân chủ Nhật Bản đối lập liên tục trì hoãn những sáng kiến của ông Fukuda trong quốc hội, như việc nối lại sứ mệnh chống khủng bố của Nhật ở Ấn Độ Dương, hay việc lựa chọn thống đốc ngân hàng trung ương mới.

 

Những vấn đề kinh tế cũng làm chính phủ của ông Fukuda điêu đứng trong những tháng gần đây. Trong quý hai, nền kinh tế bị sa sút mạnh, chấm dứt chuỗi dài hưng thịnh mà cựu Thủ tướng Kozumi đã gây dựng.

Ngoài ra, ông cũng không được người dân Nhật yêu mến. Trong suốt thời gian tại nhiệm, ông bị “thất sủng” trước một đất nước đã quen với hình ảnh “bóng bẩy” của ông Koizumi.

“Thực sự, phải mất rất nhiều thời gian để có thể đưa ra quyết định về việc gì đó. Tại thời điểm này một thoả thuận chính trị hay một khoảng trống chính trị đều không thể chấp nhận được”, ông Fukuda cho biết.

Các lãnh đạo đối lập cho rằng ông Fukuda nên kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử, chứ không chỉ đơn giản là từ chức. “Ông ấy nên kêu gọi bầu cử”, Yukio Hatoyama, lãnh đạo Đảng dân chủ Nhật Bản đối lập cho biết. “Ông ấy không có trách nhiệm khi chỉ đơn giản tuyên bố từ chức”. Đảng Dân chủ Nhật Bản đã thắng thế trong cuộc bầu cử thượng viện vào năm 2007, và từ đó đến nay đã giành được lá phiếu sớm cho các quyết định quan trọng trước khi chúng được đưa lên cơ quan có quyền lực hơn trong quốc hội, hạ viện.

Trong cuộc họp báo tối nay, ông Fukuda không nói rõ khi nào tuyên bố từ chức của ông sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, ông sẽ vẫn tại vị cho đến khi nào Đảng dân chủ tự do chọn được lãnh đạo mới để đưa ra quốc hội bỏ phiếu. Khi ông Abe tuyên bố từ chức vào năm ngoái, đảng cầm quyền đã mất khoảng 2 tuần để chọn ông Fukuda.

Trước thông tin ông Fukuda từ chức, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Bush rất vui vì đã được làm việc với ông Fukuda trong suốt thời gian ông tại vị.

Phan Anh

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm