1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thủ tướng Nhật Bản giữa “cuộc khủng hoảng tháng 3”

(Dân trí) - Quyết định từ chức của Ngoại trưởng Maeahara đặt đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền vào tình thế khó khăn nhất kể từ khi thành lập và là một tin xấu nữa với Thủ tướng Naoto Kan, vào đúng tháng khủng hoảng với cả hai.

 
Thủ tướng Nhật Bản giữa “cuộc khủng hoảng tháng 3” - 1


Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã loan báo việc ông từ chức chỉ sau 6 tháng nắm quyền

Canh bạc “ngân sách”

Thời gian qua, đảng DPJ cầm quyền tiếp tục phải gánh chịu thêm các tổn thất nặng nề trong khi bản thân ông Naoto Kan đang đang loay hoay tìm cách cho dự thảo ngân sách cho tài khóa 2011 và các dự luật liên quan được thông qua trước thời điểm tài khóa 2010 kết thúc (vào ngày 31/3/2011), trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phe đối lập đòi giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Dự thảo ngân sách cho tài khóa 2011 và các dự luật liên quan - trong đó có dự luật trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các gia đình nuôi con nhỏ và dự luật phát hành trái phiếu chính phủ - là những dự luật mà chính quyền của Thủ tướng Kan đang kỳ vọng có thể giúp vực dậy nền kinh tế. Nhưng Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan vẫn giữ thái độ cứng rắn đối với dự thảo và những dự luật này bất chấp sự phản đối của phe đối lập, cho dù Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Sadakazu Tanigaki và Chủ tịch Đảng Công minh Natsuo Yamaguchi kêu gọi ông xóa bỏ một số cam kết chính sách quan trọng mà DPJ cầm quyền đã đưa ra trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 8/2009.

Phe đối lập kiểm soát Thượng viện đã khẳng định sẽ phủ quyết các dự luật được thông qua tại Hạ viện, trong khi liên minh cầm quyền của DPJ và đảng Nhân dân mới không có đủ đa số 2/3 tại Hạ viện để bỏ phiếu thông qua các dự luật lần thứ hai. Hiện nay, DPJ có 311 nghị sỹ ở Hạ viện. Với việc các cuộc bầu cử địa phương hợp nhất đang đến gần (tháng 4/2011), sự chỉ trích của người dân đối với các cuộc thảo luận đầy bế tắc tại Quốc hội về dự thảo ngân sách cho tài khóa 2011 chắc chắn sẽ khiến chính quyền của Thủ tướng Kan lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” do cuộc chiến với phe đối lập có thể châm ngòi cho những rối loạn chính trị ở Nhật Bản trong năm nay.

Nếu dự luật này không được thông qua, Chính phủ Nhật Bản sẽ không thể phát hành trái phiếu để bù đắp các chi phí chiếm tới 44% trong tổng số 92.400 tỷ yên của ngân sách tài khóa 2011. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân Nhật Bản, các hoạt động tại Quốc hội cũng sẽ trở nên hỗn loạn. Báo chí địa phương có nhắc đến kịch bản Thượng viện có thể sẽ thông qua bản kiến nghị khiển trách đối với ông Naoto Kan và vị thủ tướng này sẽ được yêu cầu từ chức.

Theo báo chí Nhật Bản, ông Kan đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong nội bộ DPJ đòi ông từ chức để có thể có được sự hợp tác từ các đảng đối lập nhằm thông qua các dự luật liên quan đến ngân sách tài khóa 2011 tại quốc hội. Một thành viên trong DPJ nói rằng các nghị sĩ DPJ sẽ công khai yêu cầu ông Kan từ chức vào giữa tháng 3 hoặc muộn hơn.

Khi trụ cột trong DPJ đứt gãy

Trong một cuộc họp báo khẩn cấp tổ chức vào tối nay, 6/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã loan báo việc ông từ chức chỉ sau 6 tháng nắm quyền, đồng thời ngỏ lời xin lỗi dân chúng về quyết định của mình. Ông thừa nhận trách nhiệm về việc vi phạm Luật kiểm soát các quỹ chính trị.

Maehara là bộ trưởng đầu tiên từ chức kể từ khi Thủ tướng Naoto Kan cải tổ nội các tháng 1/2011. Ông được coi là một trụ cột trong DPJ - là ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Chủ tịch DPJ và Thủ tướng Nhật Bản trong trường hợp Thủ tướng Kan từ chức.

Sự kiện Ngoại trưởng Seiji Maehara phải từ chức có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực thêm đến uy tín của DPJ và ông Naota Kan. Chỉ sau 9 tháng cầm quyền, ông Kan có tỷ lệ tín nhiệm xuống dưới mức 20% và ông đang phải đối diện với mối đe dọa từ phe đối lập, muốn ngăn chặn tất cả các dự luật cải cách của chính phủ. Chính Thủ tướng Kan trong phiên họp của DPJ hôm 5/3 cũng thừa nhận rằng đảng này đang lâm vào tình thế khó khăn nhất kể từ khi thành lập.

Trong tháng 2 vừa qua, liên tục các vụ việc như 16 nghị sĩ thân cận với cựu Chủ tịch Ozawa nộp đơn xin rút khỏi nhóm nghị sỹ của đảng cầm quyền tại Quốc hội và dọa sẽ bỏ phiếu chống dự thảo ngân sách cho tài khóa 2011 và các dự luật liên quan, khiến uy tín của DPJ bị ảnh hưởng nặng nề. Với biến động nhân sự mới nhất xảy ra ngay trước cuộc bầu cử địa phương hợp nhất, giới phân tích dự báo chính trường Nhật Bản nhiều khả năng sẽ diễn ra những biến động lớn mang tính bước ngoặt.

Chưa hết, việc ông Maehara từ chức có thể làm giảm niềm tin vào chính sách đối ngoại của Nhật Bản, ảnh hưởng lớn tới chính sách ngoại giao của của nước này, nhất là quan hệ với đồng minh với Mỹ. Các nguồn tin thạo tin quan hệ Nhật-Mỹ cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama rất lo ngại quan hệ hai nước sẽ bị ảnh hưởng sau khi Ngoại trưởng Seiji Maeahara từ chức. Maehara nhận được nhiều sự ủng hộ từ Washington vì ông từng tuyên bố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là trụ cột trong các chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản.

Hà Khoa
Tổng hợp