1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng đương nhiệm Pakistan bị khép tội “khinh mạn” toà án

(Dân trí) - Thủ tướng đương nhiệm Pakistan Yousuf Gilani vừa bị Toà án Tối cao nước này truy tố về tội “khinh mạn” toà án khi ông “5 lần, 7 lượt” từ chối yêu cầu của toà về việc mở lại các vụ án tham nhũng nhằm vào Tổng thống Asif Ali Zardari.

 
Thủ tướng đương nhiệm Pakistan bị khép tội “khinh mạn” toà án - 1
Thủ tướng Yousuf Gilani trước Tòa án Tối cao ở Islamabad ngày 13/2/2012

Thủ tướng Gilani đã ra trình diện Toà án Tối cao trong ngày 13/2 cùng với luật sư là ông Aitzaz Ahsan, một lãnh đạo cấp cao trong Đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Phiên toà diễn ra 3 ngày sau khi Toà án Tối cao bác đơn chống án của Thủ tướng Gilani.

Tại toà, ông Gilani đã phải chính thức nhận cáo buộc “khinh mạn Toà án” trong phiên xét xử có đông nghẹt người đến dự ở thủ đô Islamabad. Nếu bị kết tội, ông Gilani sẽ phải đối mặt với bản án 6 tháng tù và bị loại khỏi chức vụ thủ tướng.

Đây là lần thứ 2 trong gần một tháng qua, Thủ tướng Gilani phải trình diện trước tòa để giải quyết vụ kiện. Lần gần đây nhất là vào ngày 19/1.

Phiên toà đã đánh dấu sự khởi đầu chính thức cho một tiến trình xét xử đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong và ngoài Pakistan, khi đây là lần đầu tiên một Thủ tướng đương nhiệm của nước này bị truy tố.

Điều hành phiên toà là hội đồng thẩm phán gồm 7 người, do ông Nasir ul Mulk là thẩm phán chính. Tại phiên xét xử, ông Mulk đã đọc cáo trạng của Thủ tướng Gilani, trong đó khẳng định ông Gilani đã “cố ý bất tuân, coi thường và không thi hành” lệnh của Toà án Tối cao.

Đáp lại, ông Gilani khẳng định ông vô tội và sẽ chống lại đến cùng bản cáo trạng vô lý nói trên.

Bản cáo trạng xuất phát từ một phán quyết trước đây của Tòa án Tối cao khi cơ quan hành pháp này ra lệnh cho Thủ tướng Gilani phải mở lại các vụ án tham nhũng cũ chống lại Tổng thống Asif Ali Zardari, kể cả những vụ án ở nước ngoài, nhất là tại Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, ông Gilani đã liên tục từ chối thi hành lệnh của Toà, đồng thời nhấn mạnh rằng Hiến pháp Pakistan không cho phép ông khởi tố chống lại ông Zardari chừng nào ông Zardari còn là Tổng thống của Pakistan.

Theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, thái độ “khăng khăng trước Toà” của Thủ tướng Gilani có thể sẽ đẩy ông vào bước đường cùng và càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đang âm ỉ tại nước này. Mặc dù vậy, ông vẫn có thể tránh được kết cục xấu nhất (là bị kết án) nếu như ông lên tiếng xin lỗi và cam kết thực hiện những yêu cầu của Toà.

Vào những năm 1990, Tổng thống Zardari cùng vợ là cựu Thủ tướng Benazir Bhutto và hàng nghìn người khác bị Toà án Tối cao cáo giác rửa tiền (lên đến hàng triệu USD) thông qua các tài khoản của hệ thống ngân hàng Thuỵ Sĩ. Sau đó, các cáo giác này đã được huỷ bỏ vào năm 2007 nhờ một bộ luật ân xá gây nhiều tranh cãi thông qua dưới thời cựu Tổng thống Pervez Musharraf. Nhưng chỉ hai năm sau, vào cuối năm 2009, Toà án Tối cao lại yêu cầu chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Gilani mở lại tất cả các vụ án liên quan, đồng thời yêu cầu phía Thuỵ Sỹ cũng phải tiến hành các thủ tục tương tự.

Tuy nhiên từ đó đến nay, ông Gilani liên tục từ chối thực hiện lệnh của Toà án với lập luận cho rằng Tổng thống Zardari được hưởng quyền miễn tố trong thời gian tại chức và rằng những cáo buộc tham nhũng đối với ông Zardari “mang động cơ chính trị”.

Dự kiến, Toà án Tối cao sẽ tổ chức phiên điều trần về cáo buộc đối với Thủ tướng Gilani vào ngày 22/2 nhưng ông Gilani không bắt buộc phải có mặt tại phiên điều trần này.

 Vũ Anh
Theo Reuters