Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Hội nhập kinh tế là điểm sáng của ASEAN
(Dân trí) - “ASEAN đến nay cơ bản đã xóa những rào cản về mặt thuế quan trong việc giao lưu hàng hóa giữa các quốc gia khu vực và dự kiến đến 2015 thì hầu hết các quốc gia trong khu vực sẽ đưa thuế quan về bằng 0.”
Nhân dịp kỷ niệm 46 năm thành lập ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2013) và 18 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã có cuộc trao đổi với báo chí về vai trò của ASEAN trong mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Xin Thứ trưởng đánh giá tổng quan về những thành tựu mà ASEAN đạt được trong thời gian qua?
Trong chặng đường liên kết, hội nhập kinh tế được coi là một điểm sáng trong xây dựng cộng đồng ASEAN. ASEAN đến nay cơ bản đã xóa những rào cản về mặt thuế quan trong việc giao lưu hàng hóa giữa các quốc gia khu vực và dự kiến đến 2015 thì hầu hết các quốc gia trong khu vực sẽ đưa thuế quan về bằng 0.
ASEAN đã thiết lập một hệ thống Khu vực mậu dịch tự do thương mại đối với nhiều đối tác, đặc biệt là với đối tác ở khu vực Đông Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ, đồng thời cũng tạo một không gian kinh tế vừa giúp ASEAN phát triển, vừa tạo được sự năng động tại khu vực Đông Á nói chung.
ASEAN còn hai năm rưỡi nữa để hướng tới Cộng đồng kinh tế. Tuy đã đi được 2/3 chặng đường nhưng khó khăn và thách thức còn nhiều, đặc biệt là những yêu cầu về liên kết và hội nhập cao hơn, nhất là về mặt kinh tế nên các nhà lãnh đạo ASEAN đều có quyết tâm lớn tạo ra nước rút, tạo ra tăng tốc để có thể về đến đích. Đến lúc này ASEAN phải nhìn một tầm nhìn mới dài hơi hơn, chiến lược hơn.
ASEAN cũng đã đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề liên quan đến Biển Đông, theo đó, làm sao để có thể duy trì được hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, bảo đảm giải quyết hòa bình, tranh chấp, đồng thời cũng tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trước những diễn biến và phức tạp ở khu vực và thế giới, ASEAN phải thực hiện tốt việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
Làm thế nào ASEAN có thể giải quyết được những thách thức trong việc bảo đảm an ninh khu vực, đặc biệt trong tình hình Biển Đông hiện nay, thưa ông?
Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông liên quan chặt chẽ đến hòa bình, ổn định và phát triển của ASEAN, vì vậy, tất cả các nước trong khu vực, không chỉ các nước có tranh chấp với nhau, phải đóng góp vào mục tiêu chung này. Các quốc gia phải tuân thủ những quy tắc ứng xử, các nguyên tắc đã được đề ra và đã được thỏa thuận: Giải quyết hòa bình và tranh chấp phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.
ASEAN với tư cách là hạt nhân cho hòa bình ổn định và liên kết trong khu vực thì cần phải có tiếng nói chủ động tích cực của mình mỗi khi có vấn đề nảy sinh để định hướng cho hợp tác chung của khu vực vì mục tiêu ổn định, hòa bình, an ninh, an toàn ở biển Đông.
Chúng ta đã thấy các giá trị rất to lớn của DOC, nhưng tuyên bố này chưa đủ, vì vậy, nhu cầu cấp thiết là sớm đàm phán, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông để làm sao có thể bảo đảm tốt hơn về an ninh, an toàn, hàng hải ở biển Đông.
Bộ quy tắc COC trong tương lai phải có tính cam kết chính trị cao và có giá trị ràng buộc nhất về mặt pháp lý, lấy lại được nguyên tắc tích cực căn bản được đề ra trong DOC chẳng hạn như luật pháp quốc tế và công ước luật biển, giải quyết hòa bình tranh chấp nhưng đồng thời cũng phải bổ sung quy định cụ thể hơn về những cơ chế có thể ngăn ngừa xung đột có thể xảy ra.
Tôi hy vọng với thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc tháng 7 vừa qua sẽ tiến tới tham vấn chính thức bộ quy tắc ứng xử này ở các cấp hội nghị quan chức cấp cao (SOM).
Xin ông cho biết liệu ASEAN có phải đối mặt với thách thức nội khối nào trong việc duy trì mục tiêu bảo đảm an ninh chung trong khu vực?
Mở rộng quan hệ với các đối tác sẽ đặt ra cả cơ hội và thách thức. Trong những năm gần đây, các nước đối tác và đặc biệt là các nước lớn đều coi trọng vai trò của ASEAN, đều mong muốn hợp tác với khu vực này. Nhờ đó, ASEAN có thể tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ chính trị đối với mục tiêu chung của mình, tuy nhiên, khi các nước khác vào, họ cũng có các lợi ích riêng. Chính các lợi ích riêng đó đặt ra thách thức cho ASEAN: Làm sao duy trì được vai trò chủ đạo của mình và làm sao để hợp tác và cạnh tranh đó không trái với mục tiêu ASEAN đề ra.
Trong câu chuyện về biển Đông đã đề ra được định hướng, mục tiêu rồi, nhưng khi đi vào cụ thể cũng đòi hỏi ASEAN phải tham vấn sâu rộng. ASEAN phải bảo đảm được, tuân thủ được những nguyên tắc và phương pháp làm việc đề ra, đồng thời phải hướng tới mục tiều chung, cùng chia sẻ phấn đấu đi lên, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung.
Thứ trưởng có thể chia sẻ về những đóng góp của Việt Nam trong hoạt động của ASEAN?
Sau 18 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam ngày càng tham gia tích cực hơn, đóng góp trách nhiệm hơn vào nỗ lực chung của khu vực song trùng với quá trình đổi mới và hội nhập.
Chúng ta đã từng bước hội nhập vào ASEAN với việc thực hiện đầy đủ những văn bản đã có trong ASEAN đến vươn lên trở thành nước tham gia vào quá trình định hướng những hoạt động của ASEAN như tham gia nhiều lần làm Chủ tịch luân phiên ASEAN. Đặc biệt chúng ta đã đạt được nhiều thành quả khi làm Chủ tịch ASEAN năm 2010 trong bối cảnh quy định cơ cấu tổ chức mới của ASEAN theo Hiến chương ASEAN.
Chúng ta đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng các văn kiện mang tính chiến lược của ASEAN, tạo ra nền tảng cho ASEAN đi vào cộng đồng, mở ra những bước phát triển tiếp theo của ASEAN, đồng thời, mở rộng quan hệ của ASEAN với các đối tác.
Nam Hằng (ghi)