1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đánh "Rồng" từ… dưới biển-Kỳ cuối:

Thủ đoạn thực hiện chiến lược răn đe từ dưới biển

Để triển khai chiến lược răn đe từ dưới biển, theo Victor L. Vescovo, sĩ quan tình báo hải quân Mỹ đã về hưu đồng thời là tác giả bài viết, Lầu Năm Góc cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, truyền đạt rõ ràng chiến lược này cho đối phương. Bản chất của sự răn đe là làm cho đối phương hiểu được chiến lược trên của Mỹ thực sự hiệu quả, đáng tin cậy và khó có thể bị đánh bại. Trung Quốc sẽ vẫn thực hiện những hành động phiêu lưu quân sự nếu như biết Mỹ không có một chiến lược và chính sách thực sự nào đối phó với mình.

Thứ hai, tăng cường năng lực chiến tranh dưới biển của Hải quân Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực tác chiến tấn công bằng mìn, ngư lôi. Đây là hình tức tấn công hiệu quả nhất đối với lực lượng hải quân và đã được chứng minh trong lịch sử, nhưng quân đội Mỹ đã lơ là trong nhiều năm qua khi chỉ dành 1% ngân sách quốc phòng để đầu tư và phát triển. Ví dụ những quả mìn giống như ngư lôi có lớp bảo vệ bên ngoài (CAPTOR) có khả năng neo đậu dưới đáy đại dương, kiên nhẫn chờ đợi, và đột nhiên tung ra một cú đánh với sức mạnh khủng khiếp.

Ngư lôi CAPTOR chống tàu ngầm của Mỹ. Ảnh: USNI

Ngư lôi CAPTOR chống tàu ngầm của Mỹ. Ảnh: USNI

Những tiến bộ về các loại vũ khí thông minh hiện vẫn chưa được áp dụng cho chiến tranh tấn công ngầm. Nếu được thực hiện, những quả ngư lôi hiện đại có thể triển khai độc lập với tàu ngầm, được trang bị các thiết bị tàng hình, sử dụng cảm biến để xác định mục tiêu và thậm chí chúng có thể “giao tiếp” với nhau trong một khoảng cách ngắn. Các quả mìn, ngư lôi kiểu như Captor đã được Lầu Năm Góc phát triển từ năm 1979- cách đây đúng 35 năm.

Thứ ba, tàu ngầm năng lượng hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường lớp Ohio luôn mang theo ít nhất 150 quả ngư lôi. Tàu ngầm này có khả năng triển khai từ xa hơn 75 quả ngư lôi đầy uy lực vào bên trong các cảng biển của đối phương với khả năng tàng hình cao, đặc biệt là những quả ngư lôi CAPTOR và mìn cơ động Mk-67 đã được cải tiến có kích thước bằng tên lửa hành trình Tomahawk.

Trong thời gian khủng hoảng, Mỹ có thể 'đánh tiếng" báo hiệu cho đối phương biết rằng ít nhất 2 hoặc 3 tàu ngầm loại trên đã hiện diện tại khu vực xung đột. Không giống như sự xuất hiện của tàu sân bay, lãnh đạo Trung Quốc sẽ không biết đó là thật hay giả, như vậy khả năng răn đe được tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, Mỹ cần có sự đầu tư vào tên lửa hành trình cùng với các loại ngư lôi “phá hoại”. Những loại ngư lôi này đe dọa nghiêm trọng đối với các khu vực có giá trị chiến lược cao và được bảo vệ chắc chắn như các cảng biển mà không gây ra những tác động lớn hoặc gây tổn hại về mặt chính trị.

Đồng thời, hải quân Mỹ phải thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập chiến thuật tấn công dưới biển. Các phi đội máy bay không người lái và máy bay ném bom hạng nặng cũng nên tham gia vào các cuộc diễn tập này, trong điều kiện ban đêm và ở tầm thấp. Các tàu ngầm tấn công thường xuyên luyện tập các hoạt động tác chiến phóng ngư lôi từ xa, ở vùng nước nông. Bất kể các hoạt động huấn luyện trên được giữ bí mật thế nào, tình báo Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ phát hiện được và như thế, các cuộc diễn tập sẽ củng cố thêm sự răn đe bởi vì nó xác nhận rằng chiến lược của Mỹ là thực sự chứ không phải nói suông. Nếu không, sự răn đe sẽ bị suy yếu.

Theo Vescovo, chiến lược răn đe từ dưới biển có thể tác động ngay lập tức và tạo ra sự đe dọa đối với các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh. Nếu không có thương mại hàng hải, kinh tế của Trung Quốc sẽ sụp đổ. Bắc Kinh sẽ không duy trì được sự ổn định chính trị nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng, mức sống giảm, thiếu nhiên liệu, đặc biệt là ở khu vực ven biển giàu có của nước này - nơi có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi chiến lược phong tỏa trên.

Nhiều nhà lãnh đạo quân sự thường vận dụng chiến lược quân sự trong “Binh pháp Tôn Tử” của Trung Quốc, nhưng lại thường xuyên bỏ qua bài học quan trọng nhất: Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự là chiến thắng mà không cần chiến đấu. Dọc theo bờ Thái Bình Dương, Mỹ đã đạt được gần như tất cả các mục tiêu chiến lược của mình: Tự do đi lại trên các vùng biển, kiềm chế các quốc gia “nguy hiểm” như Triều Tiên, có một loạt các đồng minh và căn cứ quân sự trong khu vực. Vì vậy, chiến thắng đối với Washington trong tương lai gần chỉ đơn giản là ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột lớn nào nổ ra, đặc biệt là với Trung Quốc.

Chiến lược gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc có lẽ là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào của lãnh đạo Trung Quốc. Nó cũng có lợi thế lớn trong việc tránh được những thiệt hại tiềm năng của tàu sân bay Mỹ, các lực lượng không quân chiến thuật và thậm chí là lực lượng tác chiến mạng. Chiến lược răn đe từ dưới biển không phụ thuộc vào các lực lượng này. Nó cũng là chiến lược hạn chế bạo lực tối thiểu ở chỗ chỉ tấn công những tàu có lựa chọn và các ngư lôi có thể được lập trình để kích nổ hoặc tự hủy với mã cảm biến thích hợp, giống như hệ thống SPIDER của Lầu Năm Góc, sau một khoảng thời gian được thiết lập.

Ông Vescovo nhận định rằng chiến lược răn đe trên của Mỹ sẽ khiến lãnh đạo của Trung Quốc phải cân nhắc kỹ càng trước khi có ý định thực hiện bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào. Do đó, nó góp phần củng cố nền “hòa bình kiểu Mỹ” và chế ngự được “tính bốc đồng” của “con rồng” Trung Quốc.

Theo Công Thuận