1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ đoạn mới của Trung Quốc

Trung Quốc lại vừa có thêm việc làm cho thấy sự ngày càng ngang ngược, tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông bằng “đường lưỡi bò” mà không dựa trên bất cứ quy định nào của luật pháp quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc hôm 27/6 đã ban hành Luật Bảo vệ Cơ sở Quân sự, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 tới. Đạo luật này là phiên bản mới của một bộ luật ban hành hồi năm 1990, vốn không bao gồm quy định bảo vệ các sân bay, đài phát thanh và vùng biển cấm. Đạo luật bổ sung nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt thủy hải sản và các công trình xây dựng dân sự tại “vùng biển cấm”. Đối với quy định về gián điệp ngoại quốc, đạo luật mới bổ sung thêm một số điều khoản siết chặt kiểm soát các cơ sở dân sự tọa lạc gần các khu vực phòng thủ ven biển, bao gồm quy định nghiêm cấm các chuyến bay thấp ngang qua các vùng cấm. Đạo luật mới cũng liệt kê các biện pháp khẩn cấp dùng để đối phó với đối tượng xâm nhập vào các khu quân sự hoặc đối với hành động chụp ảnh mà không xin phép.

Trang mạng Sina của Trung Quốc cho biết thêm rằng với đạo luật này, Trung Quốc sẽ thiết lập một khu vực cấm quanh các căn cứ quân sự của họ trên biển và cấm mọi tàu thuyền đi vào kể cả tàu đánh cá của ngư dân. Tính chất nguy hiểm của đạo luật này nằm ở chỗ với luật này, Trung Quốc sẽ đổ đất xây một đảo nhân tạo trên các bãi đá hoặc kéo một giàn khoan vào đâu đó rồi tuyên bố đó là căn cứ quân sự của họ và cấm ngư dân các nước xung quanh đánh bắt cá ở xung quanh.

Hành động mới này của Trung Quốc cho thấy, nước này ngày càng ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông bằng “đường lưỡi bò” mà không dựa trên bất cứ quy định nào của luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm 8/7 cho biết Philippines đang theo dõi sát sao và nghiên cứu xem đạo luật tăng cường an ninh quân sự trên biển của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với nước này.

Phản ứng trước thông tin này, báo chí Philippines dẫn lời các chuyên gia cảnh báo những leo thang căng thẳng mới tại Biển Đông bắt nguồn từ luật mới ban hành của Trung Quốc.

Tờ Rappler và Inquirer của Philippines dẫn lời nhà phân tích quốc phòng Rommel Banlaoi nhận định rằng những động thái như thế này có thể làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Theo ông Banlaoi, nếu Trung Quốc áp dụng luật này trong phạm vi “đường lưỡi bò” (hiện đã trở thành đường 10 đoạn) - vùng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền nuốt trọn gần hết Biển Đông, thì rất có nguy cơ dẫn đến xung đột bởi khi đó Trung Quốc có thể điều động quân đội để “thi hành luật”.

Trước đây, Trung Quốc từng ra những lệnh phi pháp cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong những thời hạn nhất định ở vịnh Bắc Bộ và Biển Đông nói chung. Sau đó, họ đã bắt giữ và hành hung ngư dân Việt Nam. Mới đây nhất, Trung Quốc cũng đã bắt giữ trái phép một tàu đánh cá cùng 6 ngư dân Quảng Ngãi. Nhưng đó chỉ là những lệnh giới hạn một thời gian. Còn tới đây, với cái luật mà họ vừa “nặn” ra một cách phi pháp, chắc chắn họ sẽ duy trì thường xuyên lực lượng và phương tiện để đẩy mạnh việc hành hung bắt giữ ngư dân Việt Nam và các nước xung quanh. Âm mưu thâm sâu của Trung Quốc là nhằm tạo ra những vùng mà ngư dân không dám tới hoạt động. Khi ngư dân Việt Nam không dám đến đánh bắt, Trung Quốc sẽ dễ bề lấn chiếm để biến Biển Đông thành ao nhà.

Với việc đạo luật mới không nói rõ sẽ được áp dụng ở những vùng biển nào, giới phân tích dự báo chính sự mập mờ này sẽ càng đẩy các ngư dân của Việt Nam hay bất kỳ một nước thứ ba nào khác vào tình thế nguy hiểm khi đánh bắt trên Biển Đông. Giáo sư Zachary Abuza (Mỹ) nhận định: “Tôi dự báo là khi đạo luật này có hiệu lực, sẽ có thêm nhiều vụ quấy rối, giam giữ ngư dân Việt Nam hay bất kỳ một nước nào khác. Đây là những động thái được tính toán rất kỹ của Trung Quốc và họ cũng biết chắc rằng nếu có ngang nhiên hành động thì Mỹ cũng sẽ chẳng thể can thiệp”.

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn