1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông điệp của Việt Nam từ Đại hội đồng LHQ

(Dân trí) - Chiều 27/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nêu bật lo ngại của Việt Nam trước các thách thức toàn cầu, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng quốc tế giải quyết những thách thức này.

Thông điệp của Việt Nam từ Đại hội đồng LHQ
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 69. Ảnh: Lê Dương - Phóng viên TTXVN tại LHQ.

Từ ngày 24 đến 30/9/2014, tại New York, Hoa Kỳ đã diễn ra Phiên thảo luận cấp cao Khóa 69 Đại hội đồng LHQ với sự tham dự của 144 Nguyên thủ/Thủ tướng và nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Chiều 27/9, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu, chia sẻ những quan tâm về các vấn đề quốc tế nổi cộm hiện nay, nêu bật thông điệp và đóng góp của Việt Nam đối với giải quyết các vấn đề toàn cầu mà cộng đồng quốc tế đang quan tâm.

Về tình hình thế giới hiện nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chia sẻ đánh giá chung là tuy có những diễn biến tích cực như kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc, xu thế toàn cầu hóa, hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế được tăng cường, việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đạt nhiều tiến bộ, nhưng tình hình thế giới nhìn chung phức tạp hơn so với trước. Hòa bình và an ninh quốc tế vẫn đang đứng trước những thách thức rất lớn từ mặt trái của sự cạnh tranh, can dự. Đó là những nguy cơ tiềm ẩn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, xung đột tại Trung Đông, châu Phi… đe dọa hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế. Các thách thức toàn cầu, đặc biệt là khủng bố quốc tế, nguy cơ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, an ninh, an toàn hạt nhân, cạn kiệt các nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… tiếp tục là các vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh chiến tranh, xung đột đều xuất phát từ học thuyết đã lỗi thời về chính trị cường quyền, từ tham vọng thống trị và áp đặt và từ việc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Phó Thủ tướng kêu gọi LHQ và các nước thành viên cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong việc tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột tiềm tàng và tìm giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay; đồng thời nêu rõ: “Tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các quốc gia thành viên, không phân biệt lớn - nhỏ, giàu - nghèo đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, chuẩn mực, quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ. Đồng thời, cần từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Để tăng cường vai trò của LHQ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh LHQ cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ và tiến trình này cần được tiến hành một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của tất cả các nước thành viên LHQ. Hội đồng Bảo an cần sớm được cải tổ đồng thời trên cả hai phương diện là mở rộng thành viên và đổi mới phương pháp làm việc nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu về hòa bình, an ninh quốc tế. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng cần tăng cường các chính sách, nguồn lực nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, hỗ trợ mạnh mẽ hơn các chương trình tiểu vùng, khu vực về kết nối, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy kinh tế xanh, để tạo cơ sở lâu dài, bền vững cho hòa bình, an ninh và phát triển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc, đối với các vấn đề an ninh, phát triển của khu vực và thế giới. Nhằm chia sẻ nỗ lực quốc tế này, Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự về phát triển sau năm 2015; phát huy vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016; và lần đầu tiên đã cử lực lượng tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Xu-đăng. Việt Nam hiện đang ứng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021

Về kinh tế thế giới, Phó Thủ tướng nêu rõ Việt Nam ủng hộ tăng cường hệ thống thương mại đa phương, tạo động lực mới cho kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng và phát triển ổn định. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung thúc đẩy liên kết kinh tế, cải cách quản trị kinh tế - thương mại toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ, minh bạch và hiệu quả.

Về tình hình khu vực, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết bất đồng, tranh chấp trong quan hệ quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).


Tuấn Anh
Từ New York