1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thông điệp Biển Đông trong chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ vừa kết thúc chuyến thăm châu Á gồm 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc và bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về vấn đề Biển Đông.

Diễn ra trong 3 ngày, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đặt trọng tâm chính vào vấn đề Biển Đông. Trong đó, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ thái độ quan ngại đồng thời đưa ra lời kêu gọi các nước có thái độ và hành động cụ thể nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.

Biển Đông- mối quan tâm hàng đầu

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến châu Á trong thời điểm lúc này nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sắp diễn ra tại Mỹ vào giữa tháng 2 tới. Hội nghị lần này được đánh giá là cuộc thảo luận chiến lược giữa Tổng thống Mỹ Obama và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á theo hướng cởi mở về tất cả các lĩnh vực.


Đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

Đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

Tuy nhiên, căng thẳng Biển Đông hiện nay có thể trở thành một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong hội nghị. Chính vì thế, bên cạnh việc thảo luận các nội dung hợp tác song phương và đa phương giữa Mỹ và ASEAN, chuyến thăm của ông Kerry đến châu Á lần này được cho là nhằm khuyến khích các nước trong khối xây dựng lập trường cũng như quan điểm thống nhất về các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là căng thẳng Biển Đông.

Bên cạnh đó, việc lần đầu tiên lãnh đạo Mỹ đứng ra tổ chức hội nghị tại nước này cho thấy đây là sự kiện mang tính lịch sử trong quan hệ giữa Mỹ với ASEAN. Với mục tiêu xây dựng quan hệ đối tác sâu sắc hơn và tiếp tục thúc đẩy chính sách tái cần bằng của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì rõ ràng, chuyến thăm trong thời điểm này của ông Kerry đóng vai trò quan trọng đối với thành công của hội nghị sắp tới.

Lào- điểm dừng chân đặc biệt 

Chặng dừng chân tại Lào đúng là điểm đến khá đặc biệt trong chuyến công du lần này khi đây mới chỉ là chuyến viếng thăm cấp ngoại trưởng thứ 3 trong vòng 60 năm qua. Theo tuyên bố của giới chức cả hai nước, thì chuyến thăm lần này có nhiều mục tiêu quan trọng.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Thủ tướng Lào Thammavong. (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Thủ tướng Lào Thammavong. (Ảnh: AFP)

Bên cạnh việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh sắp tới thì thúc đẩy vai trò của Lào, với cương vị là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016, giải quyết các vấn đề khu vực trong đó có cả căng thẳng trên biển Đông thời gian qua cũng là lý do quan trọng.

Ngoại trưởng Mỹ trước đó cũng khẳng định, Lào đã có một khởi đầu khá thuận lợi khi lãnh đạo ASEAN đã có những tuyên bố và phản ứng cụ thể trước các sự kiện quốc tế và cho rằng Lào sẽ là một Chủ tịch có trách nhiệm của khối trong năm 2016.

Sau cuộc gặp và hội đàm với Thủ tướng Thongsing Thammavong, ông Kerry cho biết, Lào khẳng định mong muốn thúc đẩy một ASEAN đoàn kết với các quyền hàng hải được bảo vệ cũng như tránh quân sự hóa và xung đột trên Biển Đông.

Với các tuyên bố trên thì giới quan sát cũng chung nhận định là Lào, với tư cách nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2016 sẽ đóng vai trò quan trọng, tích cực trong việc thúc đẩy một chương trình nghị sự khu vực thống nhất hơn, bao gồm cả về tranh chấp biển đảo trong hàng loạt các hội nghị sắp tới.

Mỹ- Trung vẫn bất đồng sâu sắc về vấn đề Biển Đông

Như vậy có thể thấy, cách tiếp cận vấn đề Biển Đông lần này của ông Kerry đã có những điểm mới khi tập trung kêu gọi sự đồng thuận trong khối ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Còn về phía cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng hai nước cần phải tìm giải pháp nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông và kiềm chế chương trình hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Ảnh: theiranoproject)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Ảnh: theiranoproject)

Về Biển Đông, ông Kerry đã nêu bật quan điểm của Mỹ khẳng định tầm quan trọng của việc các bên có tuyên bố chủ quyền tìm kiếm điểm chung, sự đồng thuận và tránh các hành động gây bất ổn, làm gia tăng sự nghi ngờ lẫn nhau hoặc làm leo thang căng thẳng.

Ngoại trưởng Mỹ còn thẳng thừng bày tỏ sự quan ngại về các hoạt động trên Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động cải tạo và xây dựng tại các khu vực có tranh chấp.

Các tuyên bố trong chuyến thăm của ông Kerry cho thấy bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc về căng thẳng Biển Đông đồng thời cũng phần nào làm rõ quan điểm của Mỹ đối với các vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á trước thềm thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sắp tới.

Nhất trí ra nghị quyết mới về Triều Tiên

Bên cạnh đó, trong bối cảnh sau vụ thử hạt nhân mà Bình Nhưỡng tuyên bố là bom nhiệt hạch hồi tháng trước, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí rằng quốc tế nên có hành động tiếp theo cùng với một nghị quyết mới.

Trong cuộc họp báo với ông Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định hành động thử hạt nhân vừa qua của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đe dọa hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân của quốc tế.

Tuy nhiên, đi sâu vào chi tiết thì hai bên không nêu được các nội dung cụ thể trong nghị quyết sắp tới. Trong khi Mỹ kêu gọi áp đặt các biện pháp mới, gia tăng trừng phạt nhằm vào Triều Tiên thì Trung Quốc chỉ nhấn mạnh chung chung rằng cần phải có nghị quyết mới, mạnh mẽ hơn.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết nước này sẽ không ủng hộ bổ sung biện pháp mới khi cho rằng trừng phạt bản thân nó không phải là điều quan trọng.

Ngay cả Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc bà Samantha Power sau đó cũng cho rằng việc thảo luận để ra được một nghị quyết mới là hết sức phức tạp và sẽ mất rất nhiều thời gian./.

Theo Vũ Hợp/VOV- Washington

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm