1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Thời tiết sẽ cực nóng bức trong 40 năm tới”

(Dân trí) - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay năm nay là năm nóng nhất trong 131 năm vừa qua, trong khi kết quả nghiên cứu thời tiết của Tổ chức Bảo vệ môi trường NWF dự báo khí hậu cực nóng bức sẽ là chuyện bình thường từ giờ đến năm 2050.

 
Theo nhà khoa học Amanda Staudt, đồng tác giả của tập phúc trình mà NWF vừa công bố, năm nay tại nhiều thành phố miền Đông nước Mỹ, số ngày nóng trên 32 độ C sẽ tăng gấp đôi so với những năm trước. Bà nói tiếp: “Đến năm 2050, chúng ta sẽ thấy rằng năm nay mới chỉ tạm gọi là nóng nhẹ nhàng, hoặc là nóng trung bình, tùy theo từ đây đến đó, loài người thải ra bao nhiêu khí ô nhiễm.”

NWF cũng cho rằng khắp thế giới sẽ gặp nhiều trận mưa to và hạn hán kéo dài. Bà Staudt giải thích: "Do hành tinh của chúng ta ấm lên, không khí có thể giữ lại nhiều nước cho nên khi có mưa sẽ là mưa to, và có nhiều trận mưa gây tác hại nặng".

Trong một tuyên bố, NASA nhận định từ đợt nóng kỷ lục ở Nga cho đến lũ lụt ở Pakistan hoặc đất sạt lở do mưa to ở Trung Quốc, rồi đây thời tiết khắc nghiệt sẽ trở thành chuyện phổ biến.

“Thời tiết sẽ cực nóng bức trong 40 năm tới” - 1
Cháy rừng do nóng kỷ lục ở Nga…
 
“Thời tiết sẽ cực nóng bức trong 40 năm tới” - 2
… hay sạt lở đất làm gần 2.000 người chết và mất tích ở Trung Quốc, sẽ là chuyện phổ biến?

Nhưng cũng có những ý kiến không đồng tình với những kết luận trên. Nhà khí hậu học Patrick Michaels của Viện Cato (Mỹ) cho rằng dự báo này có hơi cường điệu. Thời tiết nóng cực kỳ của năm nay là do chu kỳ khí hậu gọi là La Nina. Do đó, dù có thải ra nhiều khí ô nhiễm hay không, nóng vẫn nóng.

Thời tiết cực kỳ nóng kéo dài sẽ mang nhiều tác động tiêu cực: các loại cây cối gây dị ứng sẽ hành hạ sức khỏe loài người nhiều hơn, thu hoạch hoa màu cũng giảm đi, bằng chứng là Nga phải giảm bớt xuất khẩu lúa mì.

Bà Staudt nói rằng giải pháp lâu dài là sử dụng các dạng năng lượng khác. Chúng ta cần giảm bớt lệ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, xăng dầu và từ từ chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu sạch như mặt trời, sức gió; đồng thời tìm cách sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả hơn.

Nhưng ông Michaels cho rằng các giải pháp đó không thực tế. Năng lượng mặt trời không hiệu quả và cần được trợ giá rất nhiều. Sức gió thì chẳng bao giờ cung cấp đủ năng lượng dày đặc. Loài người luôn luôn thích nghi với môi trường thay đổi, và sẽ tiếp tục như thế. Cơ bản là những lời cảnh báo về khí hậu nóng bức cũng giống như lâu lâu người ta hay nói sắp tận thế đến nơi.

Dù vẫn còn tranh cãi, các nhà khoa học vẫn đồng ý với nhau ở điểm rồi đây các thành phố sẽ ngày càng nóng hơn nếu tiếp tục phát triển, xây thêm nhà cửa và đường xá.

Hà Khoa
Theo Time, AP