1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thói quen vẽ nguệch ngoạc của các tổng thống Mỹ

John Adams vạch những đường thẳng và những nét trong hình học. Theodore Roosevelt vẽ một cách thô kệch hai chú chó nhìn nhau qua đám lửa trại. Dwight Eisenhower minh họa một cách đơn giản. Ronald Reagan vẽ những bức chân dung như trẻ con, trong đó có hình chính ông đội mũ cao bồi.

Cuốn sách “Cách vẽ của các tổng thống Mỹ”, do hãng Basic Books, thuộc tập đoàn Perseus Books, xuất bản, sưu tầm những bức vẽ của các tổng thống, từ những hình khối và hình xoáy phức tạp của Herbert Hoover cho đến những đường lượn sóng lẻ loi của Abraham Lincoln.

 

Quyển sách khai thác sâu hơn một chủ đề của tạp chí Cabinet bàn về cách tốc ký của 8 tổng thống.

 

“Cũng giống như ý nghĩa của những giấc mơ và sự nhỡ lời trong phân tâm học Freud, những nét vẽ nguệch ngoạc có thể nói lên một số điều và những vấn đề mà các tổng thống đang phải đương đầu”, tổng biên tập Cabinet Sina Najafi nhận xét.

 

Tổng thống Kennedy, vốn có tiếng là có một cuộc sống phức tạp, hay viết từ và số rồi khoanh tròn hoặc đóng khung. Điều kỳ lạ là trong số này, ông vẽ một hình tròn nhỏ với số “9-11” bên trong (về sau khiến người ta liên tưởng đến vụ 11/9, người Mỹ thường viết thứ tự tháng trước ngày). Phía góc trái trang giấy, chữ “âm mưu” được gạch chân. 

 

Là một tổng thống Mỹ, Herbert Hoover xếp hạng bét trong lòng các sử gia. Ông bị phê phán là chỉ biết ngồi nhìn khi đất nước sa vào đại suy thoái. Nhưng ở một phương diện khác, nhiệm kỳ duy nhất của Hoover không phải là một sự lãng phí thời gian. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên nổi tiếng về những bức vẽ nguệch ngoạc của mình. 

 

Những hình vẽ của Hoover chiếm đến 16 trang trong quyển sách, hơn Franklin Delano Roosevelt - người lên nắm quyền thay ông và cũng nối tiếng hơn nhiều so với ông trong lịch sử - những 6 trang.

 

Được đào tạo nghề kỹ sư, Hoover hay vẽ ra hình ảnh thiết kế nhà cửa xiên xẹo và thể hiện những ý nghĩ bị cầm tù của chính mình – những vòng tròn bên trong những vòng tròn, những hình thoi bên trong những hình thoi, những vòng xoáy giống như các mạng nhện và những cái bánh xe đang quay một cách điên loạn.

 

Năm 1929, một người sưu tầm bút tích đã thu thập một số bức vẽ của ông, tạo cảm hứng cho một loạt bài báo, và một nhà thiết kế trang phục còn dùng những hình vẽ của Hoover cho mẫu trang trí trên trang phục trẻ em.

 

Hồi mùa hè năm 1964, khi chiến tranh Việt Nam đang trở nên dữ dội, tổng thống Lynon Jonson viết chữ "Breakdown" (Suy sụp) ở phía trên cùng một tờ giấy. Richard Nixon thì không để lại nhiều các bức vẽ, nhưng ông rất hay để ý các đối thủ của mình vẽ gì. Ví dụ có lần, ông nhận thấy nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev vẽ một trái tim và một mũi tên xuyên qua khi đàm phán về giới hạn đầu đạn hạt nhân đang bế tắc.

 

Một số tổng thống, và những người sưu tầm về họ, rất tự hào về các dòng chữ và hình vẽ của họ. Những dòng nguệch ngoạc của Kennedy được triển lãm sau khi ông qua đời, và thậm chí còn được biến thành những hình điêu khắc. Tổng thống Eisenhower và Reagan đều thích khoe các bức tranh của mình, mặc dù bạn cần nhớ rằng nếu Reagan vẽ một con ngựa hay một cầu thủ bóng bầu dục khi có mặt bạn, điều đó có nghĩa là bạn làm cho ông chán hay đã phạm một sai lầm lớn.

 

“Reagan thích cho các bức vẽ của mình tại những cuộc họp. Đối với ông ấy, đó là cách thể hiện bản thân. Những bức tranh lẽ ra là riêng tư, nhưng với Reagan, đó cũng là một cách để ông ấy tạo quan hệ nữa”, nhà sử học David Greenberg, người viết lời giới thiệu và bình luận cho cuốn sách nhận xét.

 

Đối với nhiều tổng thống, vẽ nguệch ngoạc trong giờ làm việc là chuyện quá vặt vãnh hay là một thói quen không hay ho gì lắm, chả khác nào thừa nhận chuyện vặn đốt ngón tay hay há miệng khi nhai.

 

Thư viện của Harry Truman ban đầu bác bỏ ông từng vẽ trong giờ làm, cho đến khi những người biên tập quyển sách thông báo với thư viện về một bài báo đăng trên tờ New York Times từ thập kỷ 1940, trong đó có một bức phác họa của Truman.

 

Thư viện của Jimmy Carter cũng khẳng định ông không có thói quen này, nhưng thừa nhận là ông hay ghi chú ra lề giấy.

 

Thư viện của Gerald Ford thì tuyên bố Ford chỉ chú ý đến những người khác chứ không phải tờ giấy trước mặt.

 

Người thu thập tài liệu về ông, William H. McNitt, khẳng định: “Các vị thậm chí không bao giờ thấy ông ấy cầm bút tại một cuộc họp của Nhà Trắng. Khi những người khác đang nói, ông ấy lắng nghe”.

 

Theo M.C.

Vnexpress/AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm