1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thời hoàng kim của nước Mỹ phải chăng đã hết?

(Dân trí) - Hơn 30 năm qua, nước Mỹ luôn tìm kiếm và đã phần nào đạt được một nền kinh tế của súng đạn và bơ sữa; đó là việc theo đuổi cả các mục tiêu chính trị-quân sự và một lối sống vương giả.

Hoàng kim

 

Trên mặt trận chính trị, Mỹ đã thống trị hệ thống quốc tế, là “đầu trò” trong sự sụp đổ của Liên Xô, đối thủ chính trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã thành lập được một liên minh quân sự thành công trong chiến dịch giải phóng Kuwait tại cuộc chiến tranh Iraq lần thứ nhất năm 1991. Quyền lực của Mỹ càng trở nên đơn cực dưới thời của Tổng thống George W. Bush với một chính quyền trẻ trung và các chính sách hiếu chiến chống lại Iraq, các phiến quân Hồi giáo tại Trung Đông và Nam Á.

 

Cùng thời gian đó, nền kinh tế tiêu dùng của Mỹ tiếp tục phát triển, với giai đoạn bùng nổ gần đây 2003-2006 là thời kỳ đỉnh điểm của sở hữu gia đình. Nếu giai đoạn giữa thập niên 1950, mức sở hữu gia đình chiếm khoảng 65% tổng dân số, thì đến cuối năm 2006, nhờ phí tín dụng rẻ và điều kiện bảo hiểm dễ dàng hơn mà con số này đã đạt 69%.

 

Quan trọng hơn, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, được hưởng lợi từ nền kinh tế súng đạn và bơ sữa của Mỹ đã chấp nhận mua nợ của Mỹ. Đây là bề nổi của toàn cầu hóa.

 

Suy thoái?

 

Nhưng trong tháng 7 vừa qua, hệ thống tài chính Mỹ đã có những dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên tín dụng giá rẻ và điều kiện bảo hiểm dễ dàng đã chấm dứt. Hai quỹ đầu tư của công ty Bear Stearns sụp đổ và sự hoảng loạn đã bao trùm thị trường tín dụng, tác động mạnh đến giá trị cổ phiếu và trái phiếu của bất kỳ công ty nào có liên quan đến cho vay cầm cố và nhà đất. Tới tháng 8, sự hoảng loạn lan sang thị trường phái sinh (đặc biệt là các thị trường liên quan đến tài chính và có vay nợ thứ cấp), tác động tiêu cực đến các nguồn vốn đầu tư từ các ngân hàng và công ty bảo hiểm tại châu Âu và châu Á.

 

Hiệu ứng đôminô này cuối cùng đã lan tới thị trường liên ngân hàng Luân Đôn, buộc các ngân hàng trung ương phải bơm thêm một số lớn tiền mặt để duy trì hoạt động. Thậm chí sau đó, sự lo sợ về khả năng tồn tại của các ngân hàng, đặc biệt những ngân hàng cho vay cầm cố mà chỉ cần giữ những giấy tờ thương mại ngắn hạn, đã khiến ngân hàng Northern Rock của Anh phải viện đến sự cứu giúp của chính phủ. Đó là mặt trái của toàn cầu hóa.

 

Nền kinh tế Mỹ đang ở bên bờ vực của một đợt suy thoái lớn xét theo những gì đã diễn ra trong năm 2007. Phải có nỗ lực phối hợp và may mắn mới tránh được suy thoái. Khu vực bất động sản sẽ bị tác động mạnh giống nhưng giai đoạn 1930.

 

Chính sách đồng tiền dễ dàng dưới thời Alan Greenspan ở Cục Dự trữ Liên bang đã làm nền kinh tế súng đạn và bơ sữa thăng hoa mà không cần nhiều sự điều chỉnh. Nhưng tình hình đã thay đổi.

 

Về ngắn hạn, sẽ có thêm những tin xấu đối với thị trường nhà đất. Một triển vọng rất thực tế là giá nhà đất sẽ sụt giảm hơn nữa, cùng với đó là tình trạng ế ẩm (nhiều ngôi nhà mới vẫn bị ế ẩm từ 9 tháng qua).

 

Bên cạnh đó, sẽ có một sự điều chỉnh lớn về tỷ lệ cầm cố trong 12 tháng tới và đỉnh điểm sẽ rơi vào tháng 3/2008. Góp thêm vào danh sách vay nợ là tốc độ gia tăng của việc giảm bớt nhân sự trong ngành công nghiệp cầm cố và giảm lợi nhuận trong khu vực tài chính.

 

Về dài hạn để cân bằng, nền kinh tế sẽ thận trọng hơn, cân nhắc đến các vấn đề về cơ cấu vĩ mô. Phần "súng đạn" trong nền kinh tế sẽ trở thành vấn đề, cuộc chiến tại Iraq và các nhiệm vụ khác (tại Afganistan và châu Phi) sẽ tiêu tốn khoảng 3 đến 5 tỷ USD mỗi ngày.

 

Hồi tháng 8, Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) đã ước tính tới tháng 6/2007 khoảng 500 tỷ USD đã được chi cho các chiến dịch tại Iraq. CBO cũng lưu ý rằng nếu nước Mỹ vẫn duy trì 75.000 quân tại Iraq trong 5 năm tới thì Mỹ sẽ phải chi thêm khoảng 900 tỷ USD. Hơn nữa, sẽ mất thêm nhiều tiền để huấn luyện cảnh sát và quân đội tại Iraq và Afganistan cũng như các chi phí y tế đối với lính bị thương.

 

Khó khăn chồng chất

 

Còn có những vấn đề về cơ cấu khác, sự mất cân bằng dài hạn giữa chi tiêu và thu nhập của chính phủ (liên quan tới sức ép cắt giảm thuế). Vấn đề lớn đối với cơ sở hạ tầng quốc gia, đã quá cũ kỹ và cần nâng cấp với chi phí khoảng 1,6 nghìn tỷ USD, bao gồm đường sá, cầu, cảng biển và các khu công cộng khác.

 

Nếu có nghi ngờ về vấn đề cơ sở hạ tầng, chỉ cần xem vụ nổ ống hơi tại Manhattan hồi tháng 7, đường ống này đã có 83 năm tuổi khi Calvin Coolidge làm tổng thống và một phần của hệ thống này bắt đầu cung cấp năng lượng cho thành phố New York từ năm 1882. Tháng 8, cây cầu 40 năm tuổi tại Minneapolis bị sập khiến nhiều người thiệt mạng. Cơ sở hạ tầng quốc gia đúng theo nghĩa đen đã đổ sập xuống người dân, nhưng dự luật về giao thông và nhà ở mới được Thượng viện thông qua dành ít nhất 2 tỷ USD cho các dự án bảo vệ động vật trong đó có vườn North Dakota, một sân bóng chày ở Montana và một bảo tàng lịch sử ở Las Vegas.

 

Tính công bằng là vấn đề đối với các quỹ chăm sóc sức khỏe trợ cấp y tế và An sinh xã hội, nguồn vốn cho các quỹ này cơ bản sẽ tăng nhanh hơn 22% so với tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới. Điều này là dễ hiểu bởi, năm tới, lứa đầu tiên trong số 78 triệu đứa trẻ ra đời trong thời kỳ khuyến khích sinh con bắt đầu đến tuổi hưởng các lợi ích an sinh xã hội...

 

Với nền kinh tế Mỹ, thời kỳ của súng đạn và bơ sữa đã qua, thay vào đó sẽ là một thế giới nhiều biến động, với những mối nghi ngờ thường trực về đồng USD với tư cách là đồng tiền quan trọng trên thị trường quốc tế và khả năng giới tiêu dùng Mỹ hấp thụ các mặt hàng xuất khẩu của thế giới. Khi nước Mỹ điều chỉnh theo hoàn cảnh đang thay đổi này, thì phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu cũng phải thay đổi. Hẳn đây sẽ không phải là sự chuyển đổi dễ dàng.

 

KV

Theo Asia Times