1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine: Kỳ vọng xa vời

Những tưởng sau thỏa thuận ngừng bắn được ký kết lần thứ hai tại Minsk (Belarus) giữa các bên liên quan vào ngày 12-2, lộ trình hòa bình với Ukraine sẽ rõ ràng hơn nhưng thực tế không như vậy.

Diễn biến trong những ngày gần đây đang củng cố niềm tin không đáng có rằng, việc tranh giành ảnh hưởng bên bờ Biển Đen sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến quy mô với những hệ lụy khó lường.
 
Thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine: Kỳ vọng xa vời

(Từ trái sang): Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenk tại cuộc gặp 4 bên ở Minsk

Theo thống kê không chính thức của phía ly khai và chính quyền Kiev, đã có tổng cộng hơn 130 lần lệnh ngừng bắn bị vi phạm. Quân Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai vẫn chưa chịu thu hồi vũ khí hạng nặng như đã thỏa thuận. Đáng chú ý, chỉ ít ngày sau thỏa thuận Minsk II được ký kết, quân ly khai đã tuyên bố giành quyền kiểm soát hoàn toàn Debaltsevo - thị trấn chiến lược nằm giữa hai nước Cộng hòa Lugansk và Donetsk tự xưng. Thông tin từ phía Donetsk đưa ra, có khoảng hơn 3.000 lính Ukraine đã thiệt mạng ở "chảo lửa" này.

Sau Debaltsevo, dư luận thế giới đang lo ngại trong vài tuần tới, Mariupol sẽ trở thành điểm giao tranh mới giữa quân đội Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai. Hiện tại, nhiều rào chắn và trạm kiểm soát đã được quân chính phủ thiết lập trên mọi ngả đường vào thành phố. Các cây cầu dẫn từ phía tây sang phía đông đã được gài thuốc nổ. Các quan chức địa phương ở Mariupol cũng thử còi báo động ở nhiều nơi nhằm cảnh báo người dân về các cuộc không kích, cho dù nơi xảy ra giao tranh giữa chính phủ và ly khai cách họ hơn 10 dặm... Nếu thật sự Mariupol là mục tiêu tiếp theo của lực lượng ly khai Ukraine, thì khả năng về một cuộc chiến toàn diện với Nga từng được Kiev tính đến rất có thể sẽ bùng nổ. Điều này đã được ám chỉ trong bài trả lời phỏng vấn Đài phát thanh CBC (Canada) mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadim Pristayko. Bên cạnh việc kêu gọi thế giới có những quan điểm cứng rắn hơn với Nga, ông V.Pristayko cũng không ngần ngại kêu gọi Ottawa cấp vũ khí sát thương cũng như huấn luyện binh sĩ nước này.

Trên "mặt trận" ngoại giao, các quốc gia phương Tây cũng đã sẵn sàng tăng cường sức ép với Nga. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong những ngày tới, Tổng thống Barack Obama sẽ lượng định những biện pháp tiếp theo trong việc giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Trong đó sẽ gồm cả việc vũ trang cho các lực lượng của Chính phủ Ukraine và lệnh trừng phạt mới nhằm vào Mátxcơva.

Cuộc chiến dai dẳng nhằm chiếm ưu thế trên bàn cờ địa - chính trị tại khu vực đang làm cho cuộc sống người dân Ukraine thêm khốn khó. Theo Liên hợp quốc, gần 5.700 người Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi bùng nổ xung đột ở khu vực miền Đông.
 
Nguy cơ, chiến sự tiếp tục leo thang đã đẩy đồng nội tệ hryvnia tiếp tục trượt dốc. Chỉ trong chưa đầy một tuần, giá hryvnia từ 27 hryvina/1 USD đã xuống tới mức 30 hryvnia/1 USD. Trên thị trường "chợ đen", giá trị đồng hryvnia so với USD còn thậm tệ hơn. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, khó có thể dự báo điểm dừng của đà giảm đồng hryvnia trong thời gian tới. Nhất là khi Ngân hàng quốc gia Ukraine (NBU) không đưa ra bất kỳ động thái nào để "bênh vực" đồng nội tệ. Việc nhà điều phối thị trường im lặng được hiểu như sự bất lực và điều này càng làm cho tình hình thêm hỗn loạn.
 
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng NBU không có trong tay những công cụ hiệu quả để kiềm soát tỷ giá tiền tệ. Đợt biến động tỷ giá đang diễn ra ở Ukraine chỉ có thể dừng lại vào tháng 3 khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố quyết định cụ thể về chương trình trợ giúp tài chính mới cho Ukraine. Tuy nhiên, nếu IMF từ chối rót tiền, hoặc thời hạn chuyển tiền bị thay đổi, thì viễn cảnh tiền tệ Ukraine không thể cải thiện.
 
Ngày 23-2, quân đội Ukraine cho rằng không thể triển khai việc rút các vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến ở miền Đông do quân ly khai không ngừng tấn công các vị trí của quân chính phủ. Như vậy, ngoài trao đổi tù binh được các bên thực hiện ngày 22-2, thì các nội dung trong thỏa thuận ngừng bắn vừa có hiệu lực hầu như không được tuân thủ. Điều này có nghĩa, hòa bình cho Ukraine vẫn là một kỳ vọng rất xa vời.

Theo Phương Quỳnh
Hà Nội mới