1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thoả thuận Brexit lại bị bác bỏ: Nước Anh muốn đi về đâu?

Hạ viện Anh đã lần thứ 2 bác bỏ thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đạt được với Liên minh châu Âu vào cuối tháng 11/2018.

Thất bại thứ 2

Cuộc bỏ phiếu thoả thuận Brexit tại Hạ viện Anh bắt đầu vào lúc 19h tối qua (12/3, theo giờ London) và kết quả được công bố chỉ sau 15 phút. Cụ thể, với 391 phiếu chống so với 242 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã lần thứ 2 bác bỏ thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đạt được với Liên minh châu Âu vào cuối tháng 11/2018.

Hiện tại vẫn chưa có các con số chính xác về xu hướng bỏ phiếu của các nghị sĩ Anh, tức phe nào ủng hộ, phe nào phản đối, nhưng so với cuộc bỏ phiếu đầu tiên vào giữa tháng 1/2019, lần này phe ủng hộ thoả thuận Brexit đã có thêm 40 phiếu, và nhiều khả năng đây là các phiếu trong nội bộ đảng Bảo thủ của nữ Thủ tướng Anh Theresa May. Tuy nhiên, bất chấp con số này, phe phản đối thoả thuận Brexit vẫn chiếm đa số, với cách biệt lớn.

Thoả thuận Brexit lại bị bác bỏ: Nước Anh muốn đi về đâu? - 1..jpg

Hạ viện Anh đã lần thứ 2 bác bỏ thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đạt được với Liên minh châu Âu. (Ảnh: Sky News)

Với kết quả này, bản thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh và EU đã mất hơn 2 năm đàm phán vô cùng khó khăn và mệt mỏi coi như tạm thời bị vứt bỏ, bất kể việc là đến tận đêm ngày 11/3, phía châu Âu vẫn chấp nhận đưa ra cam kết về điều khoản backstop là sẽ không khiến Vương quốc Anh bị mắc kẹt vĩnh viễn trong liên minh thuế quan châu Âu.

Điều này cho thấy, bất chấp những nỗ lực đàm phán, thuyết phục từ phía chính phủ Anh trong thời gian qua, chính trường Anh vẫn tiếp tục chia rẽ vô cùng sâu sắc về bản thoả thuận Brexit và dường như ngày càng khó tìm được tiếng nói chung.

Chốt chặn backstop

Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tối 12/3, các phân tích cũng như thăm dò tại Anh đều cho thấy là khả năng Hạ viện Anh bác bỏ thoả thuận Brexit vẫn cao hơn khả năng thông qua.

Lý do chính là so với cuộc bỏ phiếu vào tháng 1/2019, bản thoả thuận Brexit được đưa ra bỏ phiếu lần này hầu như không có thay đổi đáng kể nào. Nói chính xác là không có thay đổi nào.

Điểm khác biệt duy nhất là một sự cam kết rõ ràng hơn từ phía EU, theo đó các quan chức EU đồng ý đưa ra một bản phụ lục diễn giải rõ hơn điều khoản backstop, với đảm bảo từ phía EU rằng điều khoản backstop không có thời hạn thực thi vĩnh viễn, EU không bẫy nước Anh ở lại vĩnh viễn trong liên minh thuế quan châu Âu, và rằng EU và Anh sẽ nỗ lực tìm giải pháp thay thế điều khoản backstop trong giai đoạn quá độ, dự kiến từ ngày 29/3/2019 đến 31/12/2020.

Tuy nhiên, cùng lúc với việc đưa ra cam kết này, EU cũng tuyên bố rằng đây chỉ là phụ lục, chứ không phải là việc thay đổi thoả thuận và trước sau EU vẫn không cho phép nước Anh bước qua ranh giới đỏ, tức là không cho phép Anh đơn phương rời bỏ liên minh thuế quan châu Âu một khi chưa có giải pháp thay thế điều khoản backstop.

Thoả thuận Brexit lại bị bác bỏ: Nước Anh muốn đi về đâu? - 2..jpg

Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới mà có hay không có thoả thuận Brexit? (Ảnh: Sky News)

Đây chính là yếu tố khiến các nghị sĩ Anh theo phe ủng hộ Brexit cho rằng như thế là chưa đủ để đảm bảo quyền lợi của Anh. Những người này lập luận, việc chấp nhận thoả thuận Brexit như hiện tại, kể cả với cam kết của EU về điều khoản backstop, đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại với Vương quốc Anh.

Về mặt đối nội, là việc đặt cho phần lãnh thổ Bắc Ai-len một quy chế tách biệt với phần còn lại của Vương quốc Anh, Về đối ngoại, là việc châu Âu ngăn cản Vương quốc Anh tự do tiến hành ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước khác trên thế giới.

Tổng kết, cản trở lớn nhất để thoả thuận Brexit được thông qua vẫn là vấn đề biên giới Bắc Ai-len. Vấn đề ở đây không phải là sự “cứng rắn” của các nghị sĩ Anh mà là việc họ, cũng như toàn bộ giới tinh hoa chính trị Anh, đã hoàn toàn không lường trước được sự phức tạp của vấn đề Bắc Ai-len khi Brexit diễn ra.

Người Anh đã không tính trước được rằng, Brexit sẽ không thể diễn ra một cách êm xuôi nếu không phải trả một cái giá đắt, mà ở đây là nguy cơ phá vỡ thoả thuận hoà bình trên đảo Ai-len và nguy cơ khiến Vương quốc Anh tan vỡ.

Thêm 2 phiên bỏ phiếu

Có rất nhiều kịch bản được đặt ra sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thoả thuận Brexit tối qua. Ngay trong ngày 13/3, chính phủ Anh sẽ lại đề xuất Hạ viện Anh bỏ phiếu để chọn một trong hai kịch bản: sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới mà có hay không có thoả thuận Brexit.

Mặc dù bà Theresa May đã tuyên bố là để các nghị sĩ đảng Bảo thủ tự do lựa chọn nhưng gần như chắc chắn Hạ viện Anh sẽ bác bỏ phương án “không thoả thuận” bởi vào cuối tháng 1/2019, chính Hạ viện Anh đã bỏ phiếu, với 318 phiếu thuận so với 310 phiếu chống, khẳng định là Hạ viện Anh phản đối phương án “không thoả thuận”. Vì thế, khả năng lớn là trong ngày 13/3, các nghị sĩ Anh sẽ lại bỏ phiếu lựa chọn việc rời EU mà có thoả thuận.

Điều này lại dẫn tới một cuộc bỏ phiếu tiếp theo, vào ngày 14/3, là liệu nước Anh có muốn tạm lùi thời điểm thực thi Brexit dự kiến vào ngày 29/3 hay không?

Nếu kết quả là “không” thì nước Anh quay lại với phương án rời EU mà không thoả thuận. Nếu “có”, chính phủ của bà Theresa May sẽ phải đề xuất với EU gia hạn thời điểm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon. Đây đang là kịch bản khả thi nhất và nhiều khả năng nước Anh sẽ xin gia hạn đến ngày 22/5/2019, tức 1 ngày trước cuộc bầu cử châu Âu sẽ diễn ra từ 23-26/5.

Phía châu Âu đã tuyên bố rất rõ Brexit phải diễn ra trước cuộc bầu cử châu Âu, nếu không Vương quốc Anh sẽ phải tham gia vào cuộc bầu cử châu Âu.

Tuy nhiên, việc xin EU lùi thời hạn Brexit không phải là việc đương nhiên đạt được. Như bà Theresa May cảnh báo, nước Anh sẽ phải đưa ra các giải thích thoả đáng cho việc xin gia hạn. Trong tối 12/3, hàng loạt quan chức cấp cao châu Âu đã đưa ra phản ứng cho biết EU chỉ chấp nhận gia hạn nếu nước Anh có các lý do thuyết phục và đáng tin cậy, với một thời hạn hợp lý. Và việc này cần phải được toàn bộ 27 nước thành viên EU thông qua một cách đồng thuận. Nói cách khác, khả năng EU bác bỏ các yêu cầu từ phía Anh vẫn còn, dù tương đối nhỏ.

Bà Theresa May cũng sẽ bắt đầu phải đối mặt với các câu hỏi về tương lai chính trị cá nhân. Trong tối 12/3, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kêu gọi nước Anh tổ chức tổng tuyển cử sớm để lập chính phủ mới. Lãnh đạo nhiều đảng đối lập cũng như phe đối lập trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng kêu gọi bà May từ chức.

Bà May tuyên bố sẽ không từ chức mà sẽ lãnh đạo đến cùng tiến trình Brexit. Nhưng, việc bà May có thể giữ được ghế Thủ tướng Anh hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc nước Anh sẽ lựa chọn kịch bản nào để rời khỏi EU trong những ngày tới.

Theo Quang Dũng

VOV Paris

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm