1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ thử thách sức chịu đựng của Châu Âu?

Dù nội bộ đang tồn tại nhiều mâu thuẫn sâu sắc nhưng tổng thống Erdogan vẫn tự tin thách thức sức chịu đựng của châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ tố châu Âu “độc tài, tàn nhẫn”

Ngày 8/5, phát biểu tại cuộc thi phim ngắn “Tình thương và công lý” tại Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã có những lời lẽ nặng nề chỉ trích các quốc gia châu Âu.

Nhà lãnh đạo Ankara cáo buộc họ “độc tài” và “tàn nhẫn” khi đóng cửa biên giới, ngăn dòng người tị nạn Syria.

“Các nước châu Âu chẳng có tình thương và công lý”, ông Erdogan gay gắt.

Cũng trong bài phát biểu của mình, khi đề cập đến đến cuộc chiến tại Syria, vị tổng thống còn tố cáo liên minh quốc tế không kích IS tại Syria đang bỏ mặc quốc gia của ông đơn thân độc mã chiến đấu chống IS trên lãnh thổ của mình.

“Họ để mặc chúng ta một mình đương đầu với tổ chức khủng bố, để chúng ta phải đổ máu trong các cuộc đánh bom liều chết và những cuộc tấn công vào thị trấn biên giới Kilis.

Tại Syria, không ai trong số những người đang chiến đấu chống lại bọn Daesh (IS) lại phải chịu đựng những mất mát như chúng ta, cũng không ai phải trả cái giá đắt như chúng ta”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Tổng thống Erdogan tố châu Âu “độc tài, tàn nhẫn”
Tổng thống Erdogan tố châu Âu “độc tài, tàn nhẫn”

Ankara cũng nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất sau hàng loạt vụ tấn công của IS những tháng vừa qua, thủ đô Ankara và Istanbul nằm trong số những khu vực bị tấn công.

Trước đó, hôm 6/5, phát biểu trước giới truyền thông, ông Erdogan đã dội gáo nước lạnh vào EU khi khẳng định rằng, nước này sẽ không thay đổi các luật chống khủng bố để đáp ứng những yêu cầu của Liên minh này trong thỏa thuận di cư đạt được mới đây.

“Thổ Nhĩ Kỳ đang bị các tổ chức khủng bố tấn công và có những thế lực đang hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho chúng. Liên minh châu Âu yêu cầu chúng tôi phải thay đổi luật chống khủng bố để đổi lấy thỏa thuận tự do thị thực. Họ đã ra điều kiện này, tuy nhiên, tôi rất tiếc vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ chống khủng bố theo cách của mình”, ông Erdogan tuyên bố.

Thổ Nhĩ Kỳ đang thử thách sức chịu đựng của Châu Âu?

Tuyên bố gay gắt của ông Erdogan với EU được đưa ra trong bối cảnh nội bộ nước này đang tồn tại nhiều bất đồng, mâu thuẫn. Giới phân tích cho rằng, dường như ông Erdogan quá tự tin về vai trò của bản thân và đang thử thách sức chịu đựng của Châu Âu.

Vấn đề gây được nhiều sự chú ý trong những ngày qua là tuyên bố từ chức của Thủ tướng Ahmet Davutoglu vào cuối tháng này do những bất đồng với Tổng thống Erdogan. Ông Davutoglu chính là người chịu trách nhiệm đàm phán thoả thuận nói trên với EU.

“Tôi quyết định như vậy vì sự đoàn kết của đảng, việc thay đổi chủ tịch đảng là phù hợp. Tôi không có ý định sẽ tái tranh cử tại đại hội vào ngày 22/5 tới”, ông Davutoglu nói.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sẽ không rút khỏi đảng, thay vào đó sẽ tiếp tục chiến đấu như một nhà lập pháp trong đảng cầm quyền.

Tuyên bố từ chức của ông Davutoglu đưa ra sau những tin đồn về rạn nứt trong quan hệ giữa ông với nhà lãnh đạo Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ đang thách thức sự kiên nhẫn của EU
Thổ Nhĩ Kỳ đang thách thức sự kiên nhẫn của EU

Theo truyền thông địa phương, ông Davutogly có kế hoạch công du Mỹ hôm 2/5 để hội kiến Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, một số nguồn tin nói rằng, kế hoạch này khiến ông Erdogan phẫn nộ và chuyến đi bị hủy.

Chưa hết, sự việc bị đẩy lên cao hơn khi 2 nhà lãnh đạo này công khai thể hiện sự bất đồng với nhau trong phương cách ứng phó với phiến quân người Kurd ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi ông Davutoglu đề cập tới khả năng nối lại quá trình đàm phán hòa bình thì ông Erdogan ủng hộ theo đuổi chiến dịch quân sự chống lại người Kurd.

Trước đó, ông Davutoglu đã bị tước quyền bổ nhiệm của quan chức cấp tỉnh của đảng AKP và quyền này ngay lập tức đã được chuyển cho Tổng thống Erdogan.

Cùng với mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa 2 nhà lãnh đạo đất nước, nội bộ Ankara cũng bắt đầu xuất hiện nhiều mâu thuẫn khó có thể hàn gắn trong thời điểm ngày một, ngày hai.

Tại phiên họp ngày 2/5 trong một phiên thảo luận sửa đổi Hiến pháp, một cuộc ẩu đả được miêu tả không khác gì dân chợ búa được diễn ra ngay chính Quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau một hồi tranh luận không ai chịu ai rất căng thẳng, các nghị sĩ thuộc Đảng AKP cầm quyền và các nghị sĩ đến từ đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd đã lao vào “choảng” nhau một cách nhiệt tình. Họ sử dụng tất cả những gì có thể ném được, thậm chí là chai nước để tấn công nhau.

Cảnh tượng tương tự cũng xuất hiện vào phiên họp hôm 28/4 dẫn đến cuộc họp giữa các nghị sĩ bị hoãn lại. Tổng thống Erdogan nói rằng các thành viên đảng HDP phải bị truy tố. Ông Erdogan cáo buộc HDP vì dung túng cho nhóm vũ trang người Kurd PKK.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra hung hăng và bất hợp tác thì EU thời gian qua liên tục có những động thái bày tỏ thiện chí với Ankara trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng di cư.

Liên minh châu Âu hôm 4/5 đã yêu cầu các nước thành viên gỡ bỏ thị thực với công dân Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại nước này sẽ giúp giải quyết dòng người di cư đổ tới châu Âu.

EU cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc tất cả các cam kết đã ký trong thỏa thuận di cư và mong muốn điều tương tự từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, để đổi lấy sự hợp tác của chính quyền Ankara trong vấn đề di cư, Đức đã chấp nhận đồng ý với nhiều thỏa hiệp của nước này như: cho phép truy tố diễn viên hài đã viết một bài thơ xúc phạm ông Erdogan, kêu gọi các nước xem xét đáp ứng các yêu cầu của Ankara.

Rõ ràng, ngay từ khi thỏa thuận di cư giữa Ankara và EU được thông qua, Liên minh Châu Âu đã nỗ lực không ngừng để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên với chính quyền Ankara, dù nội bộ còn xuất hiện những mâu thuẫn, bất đồng nhưng nhà lãnh đạo nước này vẫn có những tuyên bố thách thức, mang đầy tính khiêu khích.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm