1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ đấu Ả Rập Saudi

Các nước Ả Rập lo ngại sự an toàn và ổn định của họ trong trường hợp vị thế của Ả Rập Saudi bị tổn hại nghiêm trọng vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Không ít người ngạc nhiên khi những tiết lộ mới về vụ sát hại nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 23-10 chưa đến mức là "sự thật trần trụi" như ông tuyên bố trước đó.

Toan tính của ông Erdogan

Lời giải cho thắc mắc trên có thể nằm ở bản chất phức tạp và không mấy nồng ấm của mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với cả Ả Rập Saudi và Mỹ. Tổng thống Erdogan gần đây củng cố vị thế lãnh đạo trong cộng đồng Hồi giáo toàn cầu - điều mà Hoàng gia Ả Rập Saudi lâu nay xem là vai trò mặc nhiên của mình.

Người Saudi đang xem Thổ Nhĩ Kỳ là "thủ lĩnh" một liên minh của người Hồi giáo dòng Sunni tại khu vực, tập hợp Qatar và phong trào Anh em Hồi giáo. Ankara từng chỉ trích mạnh mẽ nhóm quốc gia do Riyadh đứng đầu vì phong tỏa Doha hồi năm 2017.

Riyadh cũng không hài lòng khi Ankara chào đón ông Khashoggi, người dự định lập một đài truyền hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và một nhóm chính trị tại Mỹ để thúc đẩy phong trào Anh em Hồi giáo trong quá trình phát triển dân chủ ở Trung Đông.

Vì thế, vụ sát hại ông Khashoggi bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở TP Istanbul hôm 2-10 được xem là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Ả Rập Saudi tại khu vực bằng cách làm mất uy tín Thái tử Mohammed bin Salman.

Dù vậy, ông Erdogan đối mặt không ít sức ép trong việc sử dụng cái chết của nhà báo Khashoggi làm đòn bẩy chính trị. Theo trang Bloomberg, chuyến đi của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, bà Gina Haspel, đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này nhằm phát đi cảnh báo Ankara không nên đi quá xa hay tìm cách lật đổ Thái tử Mohammed. Một kịch bản như thế có thể khiến Washington gặp khó trong việc bảo vệ các giá trị Mỹ và lợi ích của họ ở Ả Rập Saudi.


Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (phải) gặp người nhà của nhà báo Jamal Khashoggi tại Riyadh hôm 23-10. Ảnh: REUTERS

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (phải) gặp người nhà của nhà báo Jamal Khashoggi tại Riyadh hôm 23-10. Ảnh: REUTERS

Nỗi lo của các nước Ả Rập

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hợp tác của Mỹ nếu có ý sử dụng những bằng chứng còn giữ lại để đổi lấy sự hỗ trợ tài chính từ Ả Rập Saudi. Sự giúp đỡ của Mỹ cũng cần thiết để bảo đảm Ankara không bị trả đũa vì những thông tin rò rỉ về cái chết của nhà báo Khashoggi khiến Riyadh mất mặt vài tuần qua.

Quan trọng hơn cả, ông Erdogan muốn khôi phục hình ảnh trên trường quốc tế bị hoen ố phần nào kể từ cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016, dẫn đến hành động trấn áp phe chống đối và củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo này.

Tóm lại, ông Erdogan hiểu rằng nếu làm quá tay trong nỗ lực "lật đổ" Thái tử Mohammed, ông có thể mất đi những mục tiêu khác quan trọng hơn. Việc lùi bước đôi chút giúp quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Ả Rập Saudi không đổ vỡ hoàn toàn cũng như "níu kéo" được quan hệ với Washington.

Các nước Ả Rập cũng có những mối bận tâm riêng. Giới chức các nước và một số chuyên gia tại khu vực đặc biệt lo ngại sự an toàn và ổn định của họ trong trường hợp vị thế của Ả Rập Saudi, cũng như mối quan hệ gần gũi giữa nước này và Mỹ, bị tổn hại nghiêm trọng.

Một quan chức cấp cao tại một nước vùng Vịnh nhận định với tờ The Washington Post rằng tình hình hiện nay đặt khu vực vào thế khó bởi họ không chắc quan hệ Ả Rập Saudi - Mỹ về lâu dài sẽ ra sao. Nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định "hạ cấp" quan hệ liên minh với Riyadh, "an ninh của chúng tôi sẽ gặp rủi ro và Iran có thể tận dụng cơ hội để gây bất ổn" - quan chức này nhận định.

Nỗi lo này không phải không có cơ sở khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23-10 lần đầu tiên cho rằng Thái tử Mohammed có thể liên quan đến vụ sát hại nhà báo nói trên.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 21 người Ả Rập Saudi sẽ bị thu hồi thị thực Mỹ hoặc bị tuyên bố là không đủ tiêu chuẩn cấp thị thực trong tương lai do bị cáo buộc dính líu đến vụ việc. Không dừng ở đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết thêm đang cân nhắc những biện pháp khác, trong đó có cả trừng phạt.

Theo Hoàng Phương

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm