1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thị trấn sống mòn bên “hải cảng hàng đầu Đại Tây Dương”

Từ sau khi mua được hải cảng đầu tiên tại châu Âu là Pirée của Hy Lạp, tập đoàn Cosco (China Ocean Shipping Company) của Trung Quốc đã ăn nên làm ra, biến nơi đây thành cửa ngõ để đi vào châu lục. Tuy nhiên, hải cảng này cũng gặp phải không ít lời phàn nàn của người dân Hy Lạp.

Thị trấn sống mòn bên “hải cảng hàng đầu Đại Tây Dương” - 1

Thị trấn sống mòn bên “hải cảng hàng đầu Đại Tây Dương”Cảng Pirée của Hy Lạp đã được tập đoàn Cosco (China Ocean Shipping Company) mua

Ở phía tây cảng Pirée, những cần cẩu màu xanh lục và màu cam là chỉ dấu của cảng Drapetsona và Keratsini. Ở các ngõ vào bến cảng, nơi những chiếc tàu chở container chen chúc, ra vào liên tục, nhân viên được đón tiếp bằng những lá cờ đỏ của Trung Quốc.Đầu cầu châu Âu của hàng Trung Quốc

Ông Du Tăng Cảng (Yu Zenggang), người đứng đầu cơ quan quản lý cảng Pirée cho hay: “Năm 2018 là một năm hoàn toàn thành công và thắng lợi. Những thành tựu kinh tế của cảng phù hợp với nền kinh tế Hy Lạp, và các khoản đầu tư trong tương lai của chúng tôi sẽ tạo ra thêm tăng trưởng và nhiều công ăn việc làm mới”.

Năm 2009, sự xuất hiện của tập đoàn hàng hải Trung Quốc Cosco tại Pirée không phải là êm thấm, mà bị các công đoàn kịch liệt phản đối. Nhưng một thập niên sau, hoạt động của các cảng container tăng vọt, khoảng 5 triệu container được chuyển đến cảng Pirée trong năm 2018, so với 1 triệu trong năm 2009. Và tăng trưởng tiếp tục, với tỉ lệ trên 23% trong bốn tháng đầu năm 2019.

Bắc Kinh muốn biến Pirée thành một điểm đến chính trong “Con đường tơ lụa mới”, giúp Trung Quốc tiêu thụ được hàng hóa tại châu Âu và tăng cường “quyền lực mềm”. Chừng như họ đã thành công: Đa số trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu từ nay diễn ra ở Hy Lạp.

Mỗi ngày, những chiếc xe lửa xuất phát từ cảng đi sang Cộng hòa Séc để đổ hàng sang Đông Âu và Trung Âu, và tàu hàng thì mất vài ngày để đi từ Hy Lạp sang các cảng Bắc Âu.

Nektarios Demenopoulos, phát ngôn viên ban quản lý cảng, cho rằng: “Cảng Pirée trong năm 2019 sẽ vượt qua cảng Valencia của Tây Ban Nha, trở thành hải cảng hàng đầu ở Đại Tây Dương, và thứ tư hoặc thứ năm của châu Âu. Đây là đầu tư có lợi cho người Hy Lạp, hai ngàn việc làm trực tiếp liên quan đến hoạt động cảng đã được tạo ra”.

Thế nhưng ý kiến này không thuyết phục được Giorgos Gogos, tổng thư ký nghiệp đoàn công nhân cảng. Ông nói: “Cosco thành công nhờ giảm giá thành lao động. Những công nhân làm việc tại các bến cảng container đại đa số do các công ty dịch vụ lao động thời vụ tuyển vào, họ ít quan tâm đến việc tôn trọng quyền của người lao động”.

Một hợp đồng lao động tập thể đã được ký kết cách đây vài tuần. “Đó là một bước tiến giúp lập ra các quy định về lương tối thiểu, kỳ nghỉ có lương…nhưng tiếc thay lại không áp dụng cho lao động thời vụ”.

Vaggelis Mantis đã nếm mùi công việc nặng nhọc ở bến cảng container. Sau một hợp đồng ngắn hạn hai tháng ở công ty Piraeus Container Terminal (PCT), một chi nhánh của Cosco, anh không được gia hạn hợp đồng và không được trợ cấp thất nghiệp, do thời gian đóng góp chưa đủ. Người thanh niên 30 tuổi cho rằng trong thời gian làm việc cho PCT, công nhân “thậm chí không có quyền nghỉ một chút để đi vệ sinh”.

Thị trấn sống mòn bên “hải cảng hàng đầu Đại Tây Dương” - 2

Cảng Pirée trong năm 2019 dự đoán sẽ vượt qua cảng Valencia của Tây Ban Nha

Tại các địa phương quanh cảng Pirée, việc phát triển của cảng này lại gây… lo ngại. Panagiotis Karagiannakis, phó thị trưởng Perama, than phiền: “Hiện nay chúng tôi chưa nhìn ra được lợi ích nào đáng kể cho thành phố.

Người Trung Quốc lập ra các chi nhánh để giao cho nhau những hợp đồng thầu phụ đủ loại, chứ hiếm khi làm việc với các công ty Hy Lạp. Họ hứa sẽ tái thúc đẩy các hoạt động ở những xưởng sửa chữa tàu, nhưng vẫn chưa thấy rục rịch gì cả”.

Vẫn chỉ là “bánh vẽ”

Tại thị trấn ngoại ô Perama có 25.000 người dân, chính quyền từ tháng 12/2018 đã lập ra bộ phận chuyên phân phối các bữa ăn trưa miễn phí hàng ngày cho khoảng một trăm người nghèo, và một cửa hàng xã hội giúp cho 250 gia đình được mua hàng với giá rẻ.

Vasso, một người thất nghiệp chẳng có thân nhân giúp đỡ và cũng không có trợ cấp, cho biết: “Dù người Trung Quốc đầu tư vào cảng Pirée, tôi thấy cuộc sống hàng ngày không khá hơn chút nào. Tôi sống vất vưởng, và ít ngày nữa có thể tôi phải cắt điện thoại và điện vì nợ nần nhiều lắm”.

Giorgos Kollias, nhân viên xã hội phụ trách cửa hàng thực phẩm và bữa cơm miễn phí, là người có thể đánh giá rõ ràng nhất sự tuyệt vọng lớn lao của người dân địa phương. Ông nói: “Nếu không có chúng tôi, rất nhiều người không có gì ăn, phải chịu đói”.

Taksiarchis Karaboikis, 39 tuổi, sống tại Drapetsona gần Perama, hy vọng sẽ được hưởng lợi khi khu vực này phát triển. Người cha có hai con nhỏ, sống với món tiền trợ cấp 200 euro hàng tháng, thở dài: “Từ một năm qua, ngay từ rạng sáng tôi đã ra cảng để tìm kiếm một công việc nho nhỏ, làm công nhật cũng được…Dù là người Trung Quốc hay Hy Lạp đầu tư vào Pirée và vùng phụ cận, tất cả những gì chúng tôi mong muốn là có được một công việc ổn định”.

Còn có một số trường hợp khác tại Perama, như Pavlos Tassimakis, 51 tuổi, tài xế xe tải thất nghiệp từ 12 năm qua. Cả gia đình gồm hai vợ chồng và năm đứa con cứ mỗi hai tháng nhận được 640 euro trợ cấp cho gia đình đông con, tất nhiên là không đủ sống. Tassimakis thỉnh thoảng tìm được việc làm không khai báo là dọn nhà, được trả 15 euro.

Thị trấn sống mòn bên “hải cảng hàng đầu Đại Tây Dương” - 3

Tại thị trấn bên cạnh cảng, do hầu hết hợp đồng thầu phụ đều được giao các công ty Trung Quốc, nhiều lao động Hy Lạp rơi vào cảnh thất nghiệp

Còn Vassiliki Padeliakou, 62 tuổi, cựu nhân viên hải quan cảng, trong 9 năm qua chỉ có được các hợp đồng ngắn hạn, nên không được trợ cấp thất nghiệp lẫn hưu trí, trưa nào cũng đến nhận phần cơm xã hội. Bà thổ lộ: “Tôi sống hay nào hay ngày ấy, với trợ giúp của tòa thị chính, của hàng xóm, hay các chủ quán ăn cho tôi thức ăn bán ế”.

Georges Tzogopoulos, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Thông tin Châu Âu nhận định: “Trung Quốc dòm ngó các cảng và công ty năng lượng ở khắp nơi trên thế giới để mua được giá rẻ. Và Hy Lạp đã trao cho Bắc Kinh một cơ hội”. Tập đoàn quốc doanh Trung Quốc nắm 67% vốn của cảng Pirée, và có quyền quản lý các hoạt động vận chuyển container cũng như hành khách cho đến tận năm 2052.

Cosco không chỉ có hoạt động cảng container. Tập đoàn hàng hải Trung Quốc vốn muốn biến cảng Pirée thành điểm đến hàng đầu của các tàu du lịch châu Âu, đã dự tính một kế hoạch đầu tư 600 triệu euro, gồm: Trung tâm thương mại, khách sạn sang trọng, các bến cảng mới đón tàu du lịch, trung tâm hậu cần và kho bãi…

Trong khi chờ đợi, nhiều người dân Hy Lạp tại địa phương mòn mỏi đi tìm việc làm với chiếc bụng rỗng, như đã nói ở trên, hầu hết hợp đồng thầu phụ đều được giao cho các công ty Trung Quốc.

----

Năm 2008, Cosco giành được giấy phép vận hành bến số II tại cảng trong 30 năm với chi phí tổng cộng là 490 triệu euro. Sau đó họ được gia hạn hợp đồng thêm nhiều năm nữa cũng như được chính quyền cho phép xây thêm một bến tàu xếp dỡ hàng hóa mới.

Chỉ trong khoảng thời gian bốn năm, Cosco đã giúp tăng gấp ba số lượng công ten nơ được bốc dỡ tại cảng, gần đạt mức 3 triệu đơn vị/năm. Cùng với sự vận hành hết công suất của bến số I, cảng Pireaus có thể đủ sức gia nhập vào hàng ngũ những thương cảng lớn nhất châu Âu, sánh ngang với cảng biển Hamburg, Antwerp hay Rotterdam...

Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm cảng biển này vào năm 2014, ông đã mô tả Piraeus như là cửa ngõ vào châu Âu của Trung Quốc khi mà hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có thể đến thị trường Đức, Hungary và Áo nhanh hơn so với trước kia từ 7 - 11 ngày. Ngay cả Tập đoàn điện tử Huawei cũng đã vận hành một trung tâm phân phối hậu cần (logistic) ở đây.

Thời điểm 2015, có khoảng 1200 người Hy Lạp đang làm việc cho Cosco. Tập đoàn không cần phải trả lương theo mức mà công đoàn ấn định, không cần cam kết phải huấn luyện đào tạo nhân công và đã tiến hành sa thải nhiều công nhân điều khiển cần cẩu.

Công việc được tổ chức dựa trên lợi nhuận của công ty, chứ không còn được phân phát từ phía công đoàn nữa. Một công nhân bến cảng thu nhập tuy vẫn cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân Hy Lạp, nhưng lại chỉ bằng một phần ba khoản lương mà trước đó anh ta từng được nhận khi còn đang làm việc ở bến cảng này.

Theo Nguyễn Hà

Pháp luật Việt Nam