1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thêm chấn động về tên lửa hạt nhân Triều Tiên

Quan chức ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh nước này sẵn sàng biến lời hứa thử hạt nhân trên Thái Bình Dương thành hiện thực.


Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên. Ảnh: AP

Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên. Ảnh: AP

Trang nghiên cứu Triều Tiên 38 North, thuộc Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn tại ĐH Johns Hopkins, tiết lộ Bình Nhưỡng có thể đã nắm trong tay công nghệ sản xuất loại nhiên liệu tên lửa UDHM được mệnh danh “nọc độc của quỷ”. Nếu các nguồn tin của 38 North là chính xác, đây sẽ là một bước tiến rất lớn của chương trình tên lửa và hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.

“Nọc độc của quỷ”

Tờ The Telegraph ngày 26-10 dẫn lại nghiên cứu của trang 38 North cho biết UDHM là một dạng nhiên liệu tên lửa cực kỳ hiếm và có sức đẩy lớn, được sử dụng cho các tên lửa tầm xa.

Nhiều khả năng Triều Tiên đã có thể tự sản xuất đại trà dạng nhiên liệu này để phục vụ các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung như Hwasong-12 và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14. Nắm được công nghệ nhiên liệu đột phá này, Triều Tiên có thể tự tin phát triển năng lực tấn công các lãnh thổ của nước Mỹ, bất chấp các lệnh cấm vận của quốc tế.

Theo nghiên cứu của 38 North, nhiều bài viết được công bố bởi các nhà khoa học Triều Tiên cho thấy loại nhiên liệu này đã được đưa vào sử dụng và có thể đang được sản xuất ở tỉnh Hungnam. Có khả năng Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất các chất phụ trợ để chế tạo UDHM. Các chuyên gia về tên lửa Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đã bắt đầu tìm cách chế xuất loại nhiên liệu này vào năm 2004-2005, sau đó đẩy mạnh từ năm 2014.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo hồi tuần trước nói rằng Triều Tiên có thể chỉ cần vài tháng nữa để hoàn thiện chương trình phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn đến lục địa Mỹ.

Cảnh báo đánh bom Thái Bình Dương

Những bước đột phá về công nghệ khiến Bình Nhưỡng ngày càng tự tin hơn về sức mạnh tên lửa của đất nước. Hồi tháng 9, Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu và nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo khác. Trước đó, vào tháng 8, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng cảnh báo sẵn sàng cho phóng thử tên lửa đến vùng biển gần đảo Guam của Mỹ ở phía Nam Thái Bình Dương.

Tháng 10 vừa qua, phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho từng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử nghiệm bom hạt nhân “mạnh nhất” ở Thái Bình Dương. Mới đây, ông Ri Yong-pil, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ trực thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã một lần nữa khẳng định khả năng Bình Nhưỡng cho thử bom hạt nhân trên Thái Bình Dương.

“Bộ trưởng Ngoại giao hiểu rõ ý định của lãnh đạo của chúng tôi. Vì thế tôi nghĩ chúng ta cần hiểu đúng ý định trong lời phát biểu của ông ấy” - hãng tin CNN mới đây dẫn lời ông Ri. Vị quan chức này cũng nhấn mạnh Bình Nhưỡng trước nay luôn biến lời nói thành hành động thực tế. “Mỹ đang xem xét các biện pháp quân sự và thậm chí còn có động thái diễn tập quân sự. Họ gây sức ép lên chúng tôi từ tất cả mặt trận bằng lệnh trừng phạt. Nếu nghĩ rằng những động thái đó sẽ dẫn đến một cuộc đối thoại ngoại giao thì đó là sai lầm lớn” - vị quan chức Triều Tiên tuyên bố.

Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng một vụ thử nghiệm hạt nhân trên không ở Thái Bình Dương có thể sẽ là cách để Triều Tiên chứng minh năng lực hạt nhân của mình. Tất cả vụ thử nghiệm hạt nhân trước đó của nước này đều được tiến hành dưới mặt đất.

Trong một diễn biến khác, lần đầu tiên trong cả một thập niên, Mỹ đưa cùng lúc ba tàu sân bay đến Tây Thái Bình Dương. Tàu sân bay USS Nimitz từ Trung Đông đến Tây Thái Bình Dương ngày 25-10, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào ngày 23-10, gia nhập cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện diện ở khu vực từ trước.

Theo Trung Nhân

Pháp luật TPHCM