Chính trường Thái Lan:
Thêm bất đồng vì dự thảo hiến pháp mới?
Bất đồng trên chính trường Thái Lan ngày càng tăng khi Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) nước này bắt đầu tiến trình bỏ phiếu bãi nhiệm với từng cá nhân trong tổng số 38 cựu thượng nghị sĩ.
Mặc cho nhiều cựu thượng nghị sĩ bị đưa vào "danh sách đen" khẳng định việc làm này thiếu cơ sở pháp lý, đại diện lãnh đạo NLA cho biết sẽ không thay đổi quyết định trên. Theo quy định của luật pháp Thái Lan, nếu một thượng nghị sĩ bị 60% thành viên NLA bỏ phiếu bãi nhiệm thì sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Động thái này khiến thành viên đảng Puea Thai hết sức quan ngại khi các chính đảng tích cực chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Một số chuyên gia pháp luật Thái Lan nhận định rằng, hệ thống tư pháp của đất nước đã và đang bị "lạm dụng" nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị, để chính quyền đương nhiệm chiếm lợi thế trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Một loạt thông tin bất lợi dồn dập đến với đảng Puea Thai trong bối cảnh Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) mới đây cũng buộc tội 250 cựu nghị sĩ - trong đó phần lớn thuộc đảng Puea Thai - đã hành động trái với Hiến pháp cũng như không trung thực khi đưa ra đề xuất sửa đổi Hiến pháp và mở rộng Thượng viện theo hướng áp dụng thể thức bầu cử hoàn toàn năm 2013. Trong đó, không thể không kể đến sự kiện nữ cựu Thủ tướng Yingluck vừa bị Quốc hội bỏ phiếu luận tội vì lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá mua gạo của chính phủ. Theo đó, bà Yingluck bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm tới. Dù nữ cựu Thủ tướng đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan song Tòa án Tối cao Thái Lan vẫn xem xét việc khởi tố vào ngày 19-3 tới. Bà Yingluck có thể bị kết án tới 10 năm tù nếu có đủ bằng chứng luận tội.
Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5-2014 và trở thành Thủ tướng của nội các lâm thời Thái Lan được thành lập tháng 8-2014, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình hòa hợp dân tộc thông qua tổng tuyển cử và cải cách đất nước sau nhiều năm bất ổn chính trị với các cuộc biểu tình đường phố. Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (CDC) gồm 36 thành viên đã bắt đầu soạn thảo Hiến pháp mới từ tháng 11-2014 và theo quy định, CDC có 4 tháng để hoàn tất dự thảo Hiến pháp mới trước khi trình lên Hội đồng cải cách quốc gia (NRC) và chính quyền quân sự phê duyệt.
Thế nhưng, việc sửa đổi Hiến pháp bảo đảm đáp ứng mong đợi của phần lớn người dân không hề đơn giản, dễ dàng. Mới đây, một số tổ chức phụ nữ ở Thái Lan đã tổ chức diễu hành phản đối CDC dự kiến đưa điều khoản "Thủ tướng có thể là nhân vật không qua bầu cử" vào Hiến pháp mới. Sở dĩ vậy là việc Thủ tướng nắm quyền không qua bầu cử là một trong những nội dung của dự thảo Hiến pháp mới đang gây nhiều tranh cãi nhất trong dư luận và chính giới Thái Lan. Không dừng lại ở đó, dư luận còn bất đồng về dự thảo Hiến pháp mới quy định 200 thượng nghị sĩ không phải qua bầu cử trực tiếp. Theo một cuộc thăm dò mới đây của Đại học Bangkok, đa số người được hỏi ủng hộ việc Thủ tướng Thái Lan có thể không qua bầu cử trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chính trị nhưng với yêu cầu quy định rõ thời gian tại vị. Thế nhưng, đa số ý kiến cũng phản đối tuyển cử toàn bộ 200 thượng nghị sĩ vì cho rằng Thượng viện phải bao gồm cả số thượng nghị sĩ qua bầu cử và số thượng nghị sĩ tuyển cử theo tỷ lệ thích hợp. Trước sự phản biện của dư luận, CDC cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân và có thể điều chỉnh nội dung của dự thảo Hiến pháp theo hướng dân chủ và được đa số người dân Thái Lan chấp nhận.