1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới vẫn chia rẽ sau sáng kiến mới nhất về Syria

(Dân trí) - Thế giới tiếp tục chia thành hai phe về cách thức giải quyết khủng hoảng tại Syria sau khi Damascus bác bỏ sáng kiến mới nhất của Liên đoàn Arập (AL) về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình chung với LHQ tới quốc gia Trung Đông đang chìm trong bạo loạn này.

 
Thế giới vẫn chia rẽ sau sáng kiến mới nhất về Syria  - 1
Xe tăng của quân đội Syria được triển khai tại thành phố Homs
 
Phát biểu tại thủ đô Mátxcơva ngày 13/2 sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất Abdullah bin Zayed al-Nahayan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng cần phải thiết lập lệnh ngừng bắn tại Syria trước khi triển khai phái bộ giám sát chung.

 "Cần phải đạt được thỏa thuận với các bên ở Syria trước khi triển khai lực lượng giám sát hòa bình AL-LHQ. Nói cách khác, điều đầu tiên cần làm là phải đạt được một lệnh ngừng bắn ở Syria. Nhưng vấn đề lại ở chỗ các nhóm vũ trang ở nước này không hưởng ứng bất kỳ đề xuất đối thoại nào và họ cũng không chịu sự quản lý của bất kỳ ai", ông Lavrov nói. 

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng cho biết điện Kremli đang nghiên cứu sáng kiến của AL và muốn được nghe các quốc gia Ảrập giải thích rõ hơn về một số điểm trong văn kiện, đặc biệt trong việc làm thế nào thuyết phục được tất cả các phe phái ở Syria đồng ý tiếp nhận nhóm giám sát viên quốc tế.        

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khẳng định Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực hòa giải chính trị của AL và mong muốn các phe phái ở Syria giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Tuy nhiên, ông Lưu Vi Dân không nói rõ quan điểm cụ thể của Bắc Kinh về sáng kiến mới đây của AL, một động thái cho thấy Trung Quốc dường như đang ngả theo hướng giữ quan điểm trung lập hơn trong vấn đề Syria 

Trong khi đó, phương Tây  - như thường lệ - vẫn thể hiện rõ sự hậu thuẫn đối với mọi nỗ lực tăng cường sức ép quốc tế đối với chính quyền Damascus. 

"Chúng tôi đánh giá cao những hành động cương quyết của AL trong việc gia tăng sức ép quốc tế đối với chính quyền Damascus. Chúng tôi luôn ủng hộ những sáng kiến có thể giúp chấm dứt ngay bạo lực tại Syria", Ủy viên phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà  Catherine Aston, nhấn mạnh.
 
Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton mặc dù cho biết rất ủng hộ sáng kiến mới của AL song vẫn bày tỏ nghi ngờ về khả năng triển khai thành công sáng kiến này.
 
Khác với thái độ ủng hộ rõ rệt của Mỹ, Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức, Italia lại có những tuyên bố khá thận trọng khi nói rằng các nước này sẽ xem xét đề xuất của AL trong thời gian sớm nhất.

Ngoại trưởng Anh William Hague thậm chí còn cho rằng sự thành công của phái bộ giám sát chung hoàn toàn phụ thuộc vào "một thỏa thuận ngừng bắn đáng tin cậy" cũng như việc chính quyền Assad phải đồng ý chấm dứt hành động bạo lực nhằm vào dân thường.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cảnh báo bất kỳ hành động an thiệp nào từ bên ngoài vào Syria cũng sẽ chỉ làm tình hình thêm rối ren, đặc biệt khi đây không phải là quyết định của HĐBA LHQ.

Dự kiến, EU, Mỹ và một số nước khác sẽ tiến hành thảo luận về sáng kiến của AL tại cuộc họp "Những người bạn của Syria" diễn ra ở Tuynidi vào ngày 24/2 tới.

Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn tại thành phố Homs - thành phố lớn thứ hai ở Syria. Trong tuyên bố mới nhất, hãng thông tấn SANA của Syria dẫn lời một quan chức chính phủ nước này cho biết Damascus quyết tâm "khôi phục an ninh", bất chấp cáo buộc mới nhất của Cao ủy LHQ về nhân quyền Navi Pillay nói rằng rất có thể chính quyền Syria đã phạm tội ác chống lại loài người trong các cuộc trấn áp biểu tình đẫm máu kéo dài 11 tháng qua, cũng như sáng kiến hôm 12/2 của AL nhằm chấm dứt đổ máu ở Syria.

            Vũ Anh

    Theo AFP, Reuters, AP, Xinhua