Thế giới năm 2018 qua những khoảnh khắc ấn tượng (2)
(Dân trí) - Thế giới năm 2018 chứng kiến hàng loạt sự kiện diễn ra trên mọi lĩnh vực, trong đó nhiều cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết trong khi một số “điểm nóng” đã có xu hướng hạ nhiệt.
Thế giới năm 2018 chứng kiến hàng loạt sự kiện diễn ra trên mọi lĩnh vực, trong đó nhiều cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết trong khi một số "điểm nóng" đã có xu hướng hạ nhiệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm ngoái. Hàng loạt vấn đề nóng đã được thảo luận trong cuộc gặp quan trọng này. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký tuyên bố chung, trong đó cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên, mở ra một chương mới cho quan hệ giữa hai quốc gia sau nhiều năm đối đầu. (Ảnh: Straitstimes)
Tên lửa vụt sáng trên bầu trời thủ đô Damascus khi Mỹ và các đồng minh tiến hành cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu tại Syria. Mỹ, Anh và Pháp đã tấn công 3 mục tiêu bị nghi là các cơ sở sản xuất và lưu trữ vũ khí hóa học tại Syria để đáp trả cáo buộc lực lượng chính phủ Syria tấn công hóa học dân thường khiến nhiều người thiệt mạng. (Ảnh: AP)
Ông Vladimir Putin nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4 tại Điện Kremlin ở thủ đô Moscow ngày 7/5. Ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga trong cuộc bầu cử hôm 18/3 với hơn 76% số phiếu ủng hộ, số phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống mà ông tranh cử. (Ảnh: RT)
Bà Kim Yo Jong (bên trái, hàng trên), em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mời tới dự Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc hồi tháng 2. Bà Kim Yo Jong là thành viên đầu tiên trong gia đình lãnh đạo Kim tới Hàn Quốc từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953). Đứng phía trước bà Kim Yo Jong là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và phu nhân. (Ảnh: Getty)
Một bé gái Syria cầm bình oxy cho em nhỏ tại một bệnh viện dã chiến sau vụ tấn công nghi bằng chất hóa học tại thị trấn Douma, đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, Syria hôm 22/1. Đông Ghouta là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, trong đó có 215 trẻ em. (Ảnh: AFP)
Cảnh tượng hoang tàn tại một tòa nhà cao tầng ở Hong Kong sau khi siêu bão Mangkhut đổ bộ hồi tháng 9. Đây là một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất trong nhiều năm đổ bộ vào khu vực, khiến hơn 125 người tại Philippines và 4 người tại nam Trung Quốc thiệt mạng. (Ảnh: Getty)
Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman (phải) bắt tay Salah Khashoggi, con trai nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi, tại Ả rập Xê út ngày 23/10. Nhà báo Khashoggi được cho là bị sát hại và phân xác tại lãnh sự quán Ả rập Xê út ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi một nhóm sát thủ và Thái tử bin Salman bị nghi ngờ có liên quan tới vụ việc này. (Ảnh: Saudi Press Agency)
Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới căn cứ không quân Andrews tại bang Maryland để đón 3 công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do hồi tháng 5. Quan hệ Mỹ - Triều trong năm 2018 có nhiều tín hiệu khởi sắc và cả hai nước đều có những nhượng bộ để giữ bầu không khí hòa dịu, bao gồm việc thả những người bị giam giữ. (Ảnh: New York Times)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) ngồi đối mặt với Thủ tướng Đức Angele Merkel (giữa) và các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Quebec, Canada ngày 9/6. Năm 2018 tiếp tục chứng kiến nhiều mâu thuẫn giữa Tổng thống Trump với các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ. (Ảnh: AP)
Trận lũ khủng khiếp nhất trong 4 thập niên tàn phá nghiêm trọng các tỉnh miền tây và nam của Nhật Bản, khiến ít nhất 200 người thiệt mạng hồi tháng 7. Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên có số người chết nhiều nhất tại Nhật Bản kể từ sau trận động đất và sóng thần lịch sử năm 2011. (Ảnh: Kyodo)
Các tổng thống Mỹ đương nhiệm và mãn nhiệm cùng các đệ nhất phu nhân đặt tay lên ngực tưởng nhớ cố Tổng thống George H.W. Bush khi linh cữu của ông được đưa vào Nhà thờ Quốc gia ở Washington ngày 5/12. Cố Tổng thống Bush “cha” qua đời ở tuổi 94 sau thời gian lâm bệnh. (Ảnh: Reuters)
Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể của các nạn nhân trên chuyến bay của hãng hàng không Lion Air rơi ở ngoài khơi Tây Java, Indonesia hồi tháng 10. Toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Máy bay Boeing 727 MAX 8 gặp nạn mới được chuyển cho Lion Air từ giữa tháng 8 và được đưa vào sử dụng ngay sau đó. (Ảnh: Reuters)
Amal Hussain, bé gái 7 tuổi mắc bệnh suy dinh dưỡng, nằm trên một chiếc giường tại phòng khám lưu động của tổ chức UNICEF tại Yemen. Amal qua đời chỉ vài ngày sau khi New York Times công bố câu chuyện về bé cũng như nạn đói khủng khiếp tại Yemen. Mâu thuẫn kéo dài 3 năm giữa liên quân do Ả rập Xê út dẫn đầu với sự hậu thuẫn của Mỹ và phiến quân Houthi do Iran hỗ trợ đã tàn phá Yemen, khiến ít nhất 10.000 người thiệt mạng. (Ảnh: New York Times)
Hố chôn tập thể các nạn nhân trong trận động đất kinh hoàng tại Indonesia. Trận động đất mạnh 7,5 độ Richter và sóng thần cao 6m làm rung chuyển đảo Sulewesi tại Indonesia hồi tháng 9 khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và hơn 2.500 người bị thương. (Ảnh: AFP)
Người đàn ông ôm một đứa trẻ với bàn tay đầy máu trong một cuộc không kích tại đông Ghouta, ngoại ô Damascus, Syria hồi tháng 2. Nổ ra từ tháng 3/2011, cuộc nội chiến tại Syria khiến ít nhất 465.000 người thiệt mạng, hơn 1 triệu người bị thương và buộc 12 triệu người, chiếm một nửa dân số Syria, phải rời bỏ nhà cửa. (Ảnh: AFP)
Phong trào biểu tình Áo vàng phản đối chính phủ Pháp tăng thuế nhiên liệu bùng phát tại thủ đô Paris và nhiều khu vực trên khắp nước Pháp từ giữa tháng 11. Người biểu tình đã đốt phá nhiều ô tô, đập phá nhiều cửa hàng và đụng độ với cảnh sát. Chính phủ Pháp buộc phải nhượng bộ, quyết định hoãn tăng thuế, đồng ý tăng lương tối thiểu và có một số điều chỉnh về chính sách thuế với người giàu. (Ảnh: AFP)
Các nhân viên điều tra Anh khám nghiệm khu vực xung quanh hiện trường nơi cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh ở thị trấn Salisbury, Anh hồi tháng 3. Anh, Mỹ và một số nước phương Tây cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh sát hại cha con cựu điệp viên khiến vụ việc trở nên căng thẳng và các bên trả đũa lẫn nhau. (Ảnh: AFP)
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử vào ngày 27/4 khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên bước sang lãnh thổ Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953). Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đợi ông Kim Jong-un tại đường ranh giới quân sự ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm tại khu phi quân sự. Hai nhà lãnh đạo đã bắt tay nhau, xoa dịu bầu không khí căng thẳng trong gần 70 năm qua. (Ảnh: AFP)
Những người Palestine bỏ chạy tránh hơi cay trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel gần khu vực giáp ranh giữa Israel và dải Gaza hồi tháng 5. Người Palestine biểu tình phản đối với Mỹ chuyển đại sứ quán về vùng đất thánh Jerusalem. (Ảnh: AFP)
Thành Đạt
Tổng hợp