Thế giới chuẩn bị cho Syria hậu Assad
(Dân trí) - Trong khi quân của Tổng thống Bashar al-Assad đang giải phóng Aleppo thì Iran, đồng minh nước ngoài thân cận nhất của nhà lãnh đạo Syria, đang chuẩn bị cho việc ra đi của ông.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Và hội nghị quốc tế giữa tuần qua tại Tehran gồm đại diện của 29 nước đã đưa ra kế hoạch 6 điểm cũng dự kiến một khả năng ông Assad rời bỏ quyền lực.
Sau vụ đảo ngũ của Thủ tướng Riyad Hijab, người đã được Tổng thống Assad thay bằng Thủ tướng Sunni Hồi giáo Wael al-Halki, vị thế của chính quyền lại bị giáng một đòn nghiêm trọng nữa: Một đồng minh thận cận khác của Syria là Nga đã giữ lập trường im tiếng trong mấy tuần gần đây, và các nhà phân tích nói rằng đó là do tác động của vị thế ngày càng khó trụ lại của ông Assad.
Trên thực địa, tin tức nói rằng quân nổi dậy đã bị đánh bật ra khỏi thành phố lân cận của Aleppo là Salaheddin hồi tuần trước. Tuy nhiên, cuộc chiến ở các khu vực khác của Aleppo - trung tâm thương mại quan trọng nhất và cũng là thành phố lớn nhất ở Syria - dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài, như ở thủ đô Damascus.
Hơn nữa, mặc dù quân nổi dậy tiếp tục thất bại ở Aleppo do yếu kém về lực lượng so với lực lượng vượt trội của quân chính phủ, thắng lợi của họ ở các mặt trận khác dường như đang được nhân rộng từng ngày. Hầu hết các nhà quan sát dự đoán sẽ có cuộc chiến mới ở thành phố phía Bắc là Idlib, gần Aleppo. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, lực lượng chính phủ thua là chủ yếu.
Các chiến binh ngoại quốc dầy dạn kinh nghiệm chiến trường và được trang bị vũ khí tốt từ Iraq, Lybia và Afghanistan ngày càng có mặt nhiều trong đội ngũ của phe nổi dậy. Điều này giúp giải thích tại sao số thương vong của chính phủ ngày một cao trong mấy tháng gần đây.
Các tổ chức vũ trang cũng được tiếp cận với các nguồn tài chính, huấn luyện và vũ khí khác nhau. Có đơn vị còn được trang bị những vũ khí “mới và cải tiến” như súng phòng không 12,5 và 14,5 mm.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một máy bay nào của chính phủ được xác nhận là bị quân nổi dậy bắn rơi và chính phủ vẫn kiểm soát được phần lớn hỏa lực cũng như lực lượng chiến đấu thông thường. Được trang bị tốt nên chính quyền Assad có thể vẫn đủ khả năng bám trụ vào những trung tâm đông dân cư một cách lâu dài.
Một tương lai bất ổn đang treo lơ lửng đối với vận mệnh của Syria. Trong một cuộc phân tích gần đây, Viện nghiên cứu an ninh quốc gia của Israel đã phác họa các “khả năng cơ bản” sau đây cho Syria:
2. Chính phủ chỉ kiểm sóat được một phần đất nước. Chính phủ cố gắng tồn tại nhưng bị suy yếu và mất tính pháp lý. Chính quyền kiểm soát chặt chẽ theo một trục dọc từ trên xuống,(Damascus-Homs-Aleppo và khu duyên hải) nhưng mất kiểm soát hiệu quả đối với các khu xa xôi. Tuy nhiên, Syria vẫn hoạt động như là một nhà nước.
3. Một hệ thống nhà nước khác xuất hiện trong Syria. Một chính phủ khác lên nắm quyền dựa vào các lực lượng đối lập thống nhất và hoạt động có hiệu quả, thiết lập được ổn định và tạo thế cân bằng giữa các dân tộc và lực lượng khác nhau.
4. Xảy ra tình hình hỗn loạn và vô chính phủ. Chế độ Assad sụp đổ và không tồn tại một chính phủ trung ương hiệu quả. Syria trở thành một chiến trường cho lực lượng cực đoan được nước ngoài trợ giúp, những nước đang cạnh tranh với nhau - Iran với Ả-rập Xê-út và các quốc gia vịnh Péc-xích; Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd; Mỹ với Nga v.v... Đồng thời, các lực lượng cực đoan nước ngoài tiếp nhảy vào và một cuộc chiến tranh tiếp diễn.
5. Cộng đồng quốc tế tiến hành can thiệp từ bên ngoài sau một số sự kiện kịch tính. Trước tiên là một chiến dịch quân sự tạo ra sự sụp đổ của chính quyền Assad. Tiếp đó là một chính phủ mới được thành lập trong một tiến trình lâu dài kết thúc bằng việc thiết lập hòa giải trong nước và cải cách dân chủ.
Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy các khả năng lựa chọn là rất rộng. Nhiều nhà phân tích dự tính là việc bám giữ quyền lực của ông Assad sẽ lỏng dần, chế độ của ông sẽ rút về tình trạng chỉ bao gồm các khu vực duyên hải nơi mà đại đa số dân tộc Alawite sinh sống. Tuy nhiên, sự tồn vong của một nhà nước như vậy là đáng nghi vấn.
Điều chắc chắn nhất là ông Assad vẫn chưa ra đi, mặc dù sự kiểm soát đất nước của ông tiếp tục tan rã từng ngày. Tình hình trở nên vô cùng mong manh và dễ bùng nổ, trong đó máu tiếp tục đổ và sự hỗn loạn - vốn cướp đi ít nhất là 20.000 mạng sống của người dân Syria - sẽ còn tiếp tục.
Theo Asia Times