Câu chuyện lạm phát:
Thế giới 2007, Việt Nam 2008
(Dân trí) - Kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn mà báo chí phương tây gọi là “interesting” (đáng chú ý). Đáng chú ý bởi vì giống như mấy người trong làng cùng nhìn thấy khói, có thể sẽ cháy to nhưng trong bụng ai cũng nghĩ, có khi chỉ cháy nhà hàng xóm.
Các nền kinh tế lớn Mỹ, Anh run rẩy trước nguy cơ khủng hoảng. Mọi chuyện bắt nguồn từ cho vay dưới tiêu chuẩn ở Mỹ hồi đầu năm. Cạnh tranh cho vay mua nhà trả góp (mortgage) đã đẩy các ngân hàng đến việc chấp nhận rủi ro lớn để mở rộng thị trường.
Nói nôm na, người ta sẵn sàng cho bạn trả góp 2.000USD một tháng, trong khi tổng thu nhập của bạn chỉ có khoảng 1.500USD.
City, UBS, Morgan Stanley, Credit Suisse,Merrill Lynch đồng loạt thông báo về những khoản vay dưới chuẩn khổng lồ. Thị trường hoảng loạn. Chỉ trong 1 tháng từ tháng 7 đến tháng 8, DJ index mất 1000 điểm, và cho đến tháng 12, các ngân hàng thông báo những khoản lỗ lên đến 80 tỷ USD.
Tại nước Anh, Northern Rock, ngân hàng cho vay mua nhà thế chấp lớn thứ 3 bị lây cơn sốt bắt nguồn từ phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Sự việc bắt đầu từ việc Northern Rock phải vay ngân hàng trung ương Anh một khoản vay khẩn cấp 20 tỷ bảng.
Tin tức Northern Rock có thể bị phá sản lan ra và bị thổi bùng lên bởi hình ảnh hàng ngàn người rồng rắn kéo đến ngân hàng này rút tiền được phát đi phát lại trên BBC. Người ta lo sợ một cuộc khủng hoảng có thể bắt đầu.
Các ngân hàng thắt chặt tín dụng (credit squeeze), lãi suất liên ngân hàng tại London, LIBOR, cao hơn hẳn so với lãi suất của ngân hàng trung ương Anh (NHTƯ) và lên đến mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Vay tiền của ngân hàng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Thị trường bất động sản là trung tâm của cuộc khủng hoảng. Giá BĐS giảm quá nhanh khiến hầu hết các quỹ không kịp trở tay, và giống như mọi cuộc khủng hoảng khác, người ta bán tống bán tháo tài sản đang mất giá của mình.
Thị trường trở nên nặng nề, các ông lớn nhìn nhau và cùng liếc cả về FED và NHTƯ Anh chờ cắt giảm lãi suất. FED cắt 0.25% trong tháng 12, NHTƯ Anh thì chưa động tĩnh gì nhưng sẽ phải làm sớm. Người ta thất vọng vì nghĩ FED sẽ cắt 0.50%. Lý do cho sự chần chừ của NHTƯ Anh là lạm phát. Và ám ảnh từ Keynes, lạm phát phải được kiềm chế bằng mọi giá.
Sự trì trệ của Anh, Mỹ và châu Âu phần nào lại là cơ may của châu Á. Người ta ví cơn sóng của sự phát triển chạy từ Mỹ, qua châu Âu và bây giờ sẽ đến châu Á. Trong năm 2007, lãi của các cty đầu tư lớn hầu hết đều từ châu Á. Và tiền sẽ còn tiếp tục Đông tiến trong năm 2008.
Ở Việt Nam có thể nhìn thấy qua con số đăng ký FDI kỷ lục của năm nay. Vậy tiền đấy sẽ chẩy vào đâu? Trung Quốc có vẻ quá đông rồi, người ta đang chen chúc mất rồi, chả còn gì là mới và khai phá ăn tiền lãi trên trời nữa cả.
Nhật Bản thì quả là thú vị, trong khi cả thế giới lo lạm phát, Nhật Bản lại mong mình có lạm phát mà không được. Kinh tế Nhật ỳ ạch như một ông già, tăng trưởng 1%/năm. Hơn nữa, tư bản thì Nhật cũng đã quá thừa rồi. So sánh trong tương quan đấy thì Việt Nam quả là hấp dẫn.
Ngân hàng, thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản (BĐS) sẽ là những thị trường hút vốn nhiều nhất trong năm 2008. Trong khi quy mô TTCK của VN ngày càng mở rộng, sức ép đòi nới lỏng quy định 30% room của các nhà đầu tư nước ngoài có thể có hiệu quả, TTCK đang được kỳ vọng sẽ có một năm phát triển.
Nhà cao cấp và đặc biệt là cao ốc văn phòng tại Việt Nam cũng đang là thị trường nóng bỏng bậc nhất tại châu Á. Những công ty BĐS lớn nhất thế giới như CB Richard Ellis, Jones Lang Lasalle, DTZ đều đã có hoạt động tại Việt Nam, trực tiếp hay gián tiếp.
Việc đầu tư vào Việt Nam bây giờ không còn là có nên hay không nên (vì rủi ro cao) nữa, mà là ai nhanh hơn ai. Dòng vốn có cánh, đến nhanh và đi cũng rất nhanh. Tất cả cùng đến và tất cả sẽ cùng đi trong khủng hoảng. Cơ hội cho Việt Nam thực sự đang đến, nếu không phải là đã đến, và Việt Nam cần tận dụng bằng được cơ hội này.
Tất nhiên những điều nêu trên chưa nói đến lạm phát. Lịch sử cho thấy trong lạm phát, khi lòng tin của nhà đầu tư biến mất, thì người dân sẽ có xu hướng tích trữ vàng, hoặc gửi tiết kiệm (giữ tiền mặt). Đó là vấn đề!
Bài viết của chuyên gia tài chính Nguyễn Hùng Cường, do kênh thông tin tài chính CafeF cung cấp.
Nguyễn Hùng Cường
CafeF.vn