Thế bất lợi của Ukraine khi ông Trump nêu quan điểm về Crimea
(Dân trí) - Ukraine đối mặt với bài toán khó khăn nếu Mỹ công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và tìm cách hối thúc các bên đạt được thỏa thuận hòa bình.

Ukraine đang bị mắc kẹt ở "ngã ba đường" trong cuộc xung đột với Nga và có khả năng phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình bất lợi dưới sức ép từ Mỹ.
Việc Mỹ công nhận chủ quyền pháp lý của Nga đối với bán đảo Crimea có thể chạm đến "lằn ranh đỏ" của Ukraine. Kịch bản này xảy ra đồng nghĩa với việc chấm dứt hơn một thập niên đồng thuận lưỡng đảng tại Washington, khi Mỹ bác bỏ việc Nga sáp nhập Crimea.
"Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Tuyên bố Crimea đã được ký kết trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2018, trong đó Mỹ không công nhận Crimea là một phần của Nga", Volodymyr Ariev, một nhà lập pháp của đảng Đoàn kết châu Âu, nói với trang tin Kyiv Independent.
"Nếu Mỹ phá vỡ cam kết do chính họ đưa ra, họ sẽ trở thành một đối tác không đáng tin cậy trên toàn thế giới và mở hộp Pandora ra toàn cầu", nhà lập pháp Ariev cảnh báo, đề cập đến kịch bản tồi tệ có thể xảy ra nếu Mỹ công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga.
Ukraine dường như nhận ra rằng họ đang ở trong một tình thế khó xử. Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky đã làm tất cả những gì Mỹ yêu cầu kể từ khi tiến trình hòa đàm bắt đầu, nhưng giờ đây họ lại phải đối mặt với những yêu cầu mà Kiev cảm thấy khó chấp nhận.
Vào ngày 11/3, Ukraine đã chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện kéo dài 30 ngày do Mỹ đề xuất và chính thức ký thỏa thuận khoáng sản với Washington vào ngày 30/4. Các động thái này diễn ra sau khi Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine sau cuộc tranh cãi giữa hai nhà lãnh đạo tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2.
Về phần mình, Nga từ chối ngừng bắn hoàn toàn và tiếp tục các cuộc tập kích vào Ukraine. Mặc dù vậy, Nhà Trắng vẫn chưa áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt hoặc sức ép nào với Moscow để buộc chấm dứt giao tranh.
Thay vào đó, Mỹ đang thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình và gây sức ép buộc các bên phải đi đến thống nhất.

Máy bay chiến đấu Nga bay qua cây cầu nối với bán đảo Crimea (Ảnh: Reuters).
Trang Axios dẫn nguồn thạo tin cho biết, Mỹ đã gửi cho Ukraine một dự thảo thỏa thuận hòa bình với Nga. Tài liệu dài một trang được cho là phác thảo sau cuộc gặp giữa Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng, và được chuyển cho đại diện của Ukraine tại cuộc họp ở Paris cuối tuần trước.
Theo đề xuất thỏa thuận, Mỹ được cho là đã chuẩn bị công nhận "trên danh nghĩa" bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, và thừa nhận không chính thức quyền kiểm soát "trên thực tế" của Moscow đối với 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia.
Kế hoạch cũng bao gồm các điều khoản dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau năm 2014 đối với Nga và tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Ngoài ra, Mỹ sẽ chính thức phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine.
Đề xuất của Tổng thống Trump ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Ukraine. Sự thất vọng của Kiev đã thể hiện rõ vào ngày 23/4 khi Tổng thống Zelensky nói rằng Ukraine muốn "ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện".
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ chấp nhận lệnh ngừng bắn hoàn toàn và đề xuất của Mỹ đã gây bất lợi cho Ukraine ngay từ đầu.
"Lằn ranh đỏ" Crimea
Crimea nằm trên một phần lục địa phía nam của Ukraine giữa Biển Đen và Biển Azov, ngăn cách với đất liền của Nga ở phía đồng bằng eo biển hẹp Kerch. Do ảnh hưởng từ lịch sử nên phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea là người Nga, sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính.
Đặc biệt, thành phố cảng Sevastopol thuộc Crimea là nơi đồn trú Hạm đội Biển Đen của Nga từ nhiều năm qua và được coi là một căn cứ quân sự giữ vai trò chiến lược quan trọng với Moscow. Bên cạnh vai trò giúp hải quân nước này đảm bảo tầm ảnh hưởng trong khu vực, Sevastopol cũng là cánh cửa duy nhất mở ra Địa Trung Hải cho các tàu chiến của Nga.

Crimea nằm ở phía nam Ukraine (Ảnh: BBC).
Với những ý nghĩa quan trọng này, Crimea từng được ví như "viên ngọc quý trên chiếc vương miện" của Nga.
Năm 2014, Nga tuyên bố sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý. Ukraine buộc phải rút lực lượng vũ trang khỏi Crimea.
Ukraine và phương Tây đến nay vẫn coi cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp. Để phản đối việc sáp nhập Crimea, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nhắm đến các ngành kinh tế trọng điểm của Moscow.
Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự đến đây, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga.
Trong bối cảnh hiện nay, một trong những vấn đề cấp bách nhất nếu Mỹ công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga là luật pháp Ukraine không cho phép Kiev đồng ý hoặc chấp nhận động thái này.
Theo Hiến pháp Ukraine, Crimea là một phần lãnh thổ không thể tách rời và được công nhận hợp pháp của Ukraine. Chính phủ Ukraine không có thẩm quyền thông qua bất kỳ quyết định nào đi ngược lại với Hiến pháp, nhất là khi Ukraine đang trong thời kỳ thiết quân luật và Hiến pháp không thể sửa đổi trong giai đoạn này.
Cách duy nhất để Ukraine có thể hợp pháp hóa việc công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga là tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này và để người dân bỏ phiếu. Mặc dù các cuộc thăm dò gần đây cho thấy số lượng người Ukraine sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt xung đột đã tăng lên, nhưng phần lớn vẫn phản đối ý tưởng công nhận Crimea thuộc Nga, theo Kyiv Independent.
Hơn nữa, các cuộc thăm dò không chỉ rõ sự khác biệt giữa quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) và trên pháp lý (de jure), trong đó sự công nhận pháp lý có khả năng bị phản đối nhiều hơn so với sự công nhận thực tế.
"Không chính phủ Ukraine nào có thẩm quyền công nhận Crimea là của Nga. Bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào bao gồm một điều khoản như vậy đều có nguy cơ gây ra bất ổn trong nước. Đó là lý do không có nhà lãnh đạo Ukraine nào chấp nhận điều đó. Và cũng không có cơ hội nào để một thỏa thuận như vậy được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Ukraine", Halyna Yanchenko, nhà lập pháp của đảng Người phục vụ nhân dân, nhận định.
Thế bất lợi của Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp căng thẳng tại Nhà Trắng hồi tháng 2 (Ảnh: The Times).
Các chuyên gia cho biết kế hoạch hiện tại của Tổng thống Trump đã đảo ngược lộ trình của chính quyền Mỹ tiền nhiệm và đây không phải là một chiến thuật đàm phán mà là sự nhượng bộ trước các yêu cầu của Nga.
Những tuyên bố từ Nhà Trắng cho thấy chính quyền Trump sẽ không kiên nhẫn với bất kỳ kịch bản nào đi chệch khỏi kế hoạch mà Mỹ đã đưa ra, bao gồm cả các đề xuất trong kế hoạch đó.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance ngày 23/4 tuyên bố Washington đã đưa ra "một đề xuất rất rõ ràng" cho Nga và Ukraine về một thỏa thuận hòa bình, đồng thời nhắc lại cảnh báo rằng Mỹ có thể từ bỏ nỗ lực hòa bình nếu các bên không chấp nhận thỏa thuận.
Tổng thống Trump thậm chí đưa ra tuyên bố thẳng thừng hơn. "Nếu vì lý do nào đó, một trong hai bên khiến mọi việc trở nên rất khó khăn, chúng tôi sẽ chỉ nói: "Các người thật ngốc nghếch" và chúng tôi sẽ rời đi", ông Trump cho biết.
Ukraine dường như gặp bất lợi hơn trong tình huống này. Cả Moscow và Washington đều có khả năng chỉ ra rằng việc Ukraine từ chối tham gia đề xuất hòa bình do ông Trump đưa ra là điểm bế tắc chính trong các cuộc đàm phán.
Nếu Ukraine không chấp nhận thỏa thuận do Mỹ đưa ra, họ sẽ bị đổ lỗi là bên khiến các cuộc đàm phán hòa bình đổ vỡ. Trong trường hợp này, Mỹ có thể thực hiện lời đe dọa rút khỏi tiến trình hòa đàm, trao cho Nga những gì mà Moscow mong muốn ngay từ đầu, đó là quyền quyết định cái kết của cuộc xung đột.
"Đội ngũ của ông Trump không chỉ thiếu một kế hoạch rõ ràng và đầy đủ để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, mà họ còn không hiểu nhu cầu của Ukraine", chuyên gia Magda nói.
Nếu Mỹ không còn là nhà cung cấp viện trợ quân sự chính, Ukraine sẽ phần lớn phụ thuộc vào châu Âu để có thể cầm cự trong cuộc chiến với Nga. Viễn cảnh này thực tế hơn nhiều so với vài tháng trước, nhưng vẫn khó có thể lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại trong tương lai gần.
Hiện tại, châu Âu chỉ thảo luận về việc đưa quân đến Ukraine dưới hình thức lực lượng gìn giữ hòa bình trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận hòa bình. Mặc dù các nước đang tăng cường chi tiêu và sản xuất quốc phòng, nhưng sẽ phải mất nhiều tháng nếu không muốn nói là nhiều năm nữa mới có thể cung cấp đủ số lượng vũ khí mà Ukraine cần để đẩy lùi Nga.
"Ukraine phải tin vào chính mình và khả năng tự lực cánh sinh của mình", chuyên gia Garner nhận định.
Tổng thống Zelensky đầu năm nay cho biết Ukraine đang tự sản xuất 30% lượng vũ khí cần thiết và Kiev đã ổn định được tiền tuyến ở phía đông, nơi quân đội Nga cũng đang phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung và nhân lực.
Chuyên gia Garner tin rằng Ukraine có thể "giữ vững tuyến phòng thủ", nhưng điều này "sẽ không dễ dàng".
"Sẽ đòi hỏi phải tiếp tục hy sinh trên quy mô lớn về sinh mạng cũng như tiền bạc", ông nói.
Các quan chức châu Âu, thậm chí cả Ukraine, thừa nhận Kiev khó có thể giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát trong thời gian tới. Kịch bản khả thi nhất với Ukraine lúc này là làm chậm quá trình thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận nào nhằm cho phép Moscow giữ lại các vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát và thoát khỏi lệnh trừng phạt.
"Có lo ngại rằng ông Trump đang cố gắng gây sức ép với Ukraine và chưa đủ cứng rắn với Nga. Câu hỏi cuối cùng bây giờ là, Ukraine sẽ nhận được gì khi từ bỏ một phần lãnh thổ của họ?", Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành tại tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, đặt câu hỏi.
Nhận định về khả năng Nga kiểm soát Crimea, nghị sĩ Ukraine Ivanna Klympush-Tsintsadze cho biết: "Nếu những gì truyền thông đưa tin là sự thật, điều đó vừa đáng buồn vừa nguy hiểm. Điều đó có nghĩa là Mỹ thực sự không tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài, mà thay vào đó muốn đạt được lệnh ngừng bắn tạm thời với cái giá phải trả là những nhượng bộ cho Nga và coi đây là một thành tựu lớn của Mỹ".
Việc công nhận Crimea thuộc Nga sẽ giáng một đòn mạnh vào tinh thần của người Ukraine, mặc dù sự kiểm soát trên thực tế của Nga đối với bán đảo này từ lâu đã được các nhà phân tích quân sự và các nhà lãnh đạo chính trị thừa nhận.
Từ đầu năm 2023, trong các cuộc họp kín với các nhà lập pháp, các nhà phân tích quân sự hàng đầu của Lầu Năm Góc đã hạ thấp khả năng Ukraine giành lại Crimea bằng vũ lực.
Tổng thống Zelensky chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu một ngày nào đó Ukraine sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea, nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế về quân sự của Kiev.
"Chúng tôi không có đủ lực lượng để giành lại Crimea. Quân đội của chúng tôi không có đủ lực lượng. Chúng tôi phải tìm kiếm các biện pháp ngoại giao", ông Zelensky nói với các phóng viên vào năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định, việc Nga được công nhận quyền kiểm soát đối với Crimea, nơi có cảng Sevastopol quan trọng trên Biển Đen, sẽ có những tác động nghiêm trọng trên khắp lục địa.
"Crimea có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh châu Âu. Châu Âu không thể không quan tâm đến việc Crimea nằm dưới bất kỳ hình thức kiểm soát lâu dài nào của Nga hoặc được công nhận theo luật pháp quốc tế", chuyên gia Stefan Meister tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức cho biết.
Aaron Gasch Burnett, chuyên gia an ninh và là thành viên cấp cao tại Sáng kiến Chiến lược Dân chủ, cho rằng đề xuất hòa bình của Mỹ, trong đó có việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với các vùng lãnh thổ Ukraine và lệnh cấm Ukraine gia nhập NATO, "không phải là đàm phán, mà là đầu hàng".
Theo chuyên gia Burnett, các nước láng giềng của Ukraine ở châu Âu cũng có đủ nguồn lực cần thiết để phản đối đề xuất của Mỹ liên quan tới Crimea.
"Nếu Mỹ công nhận Crimea thuộc Nga, đó là lỗi của châu Âu. Họ có thể phản ứng bằng cách tăng cường thiện chí hỗ trợ Ukraine bằng trang thiết bị quân sự, bằng cách triển khai quân đội trên thực địa dưới một hình thức nào đó, hoặc tịch thu 300 tỷ USD tài sản của Nga bị đóng băng và chuyển chúng vào quỹ bồi thường cho Ukraine", chuyên gia Burnett tuyên bố.
Ukraine sẽ làm gì?

Lính Nga tuần tra ở Crimea (Ảnh: AFP).
Theo nhà phân tích chính trị Ukraine Yevhen Magda, nếu Mỹ đề xuất công nhận Crimea thuộc Nga, ưu tiên trước mắt của Kiev là vận động hành lang để phản đối động thái này.
"Ukraine phải thuyết phục Mỹ về sự thiếu sáng suốt của động thái như vậy. Đội ngũ của ông Trump cần hiểu rằng không có chính trị gia Ukraine nào chấp nhận một bước đi như vậy", nhà phân tích Magda cho biết.
Ian Garner, phó giáo sư nghiên cứu chế độ toàn trị tại Viện Pilecki của Ba Lan, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông Garner cho biết nếu ông được gặp Tổng thống Zelensky ngay bây giờ, ông sẽ nói với ông Zelensky rằng Ukraine phải "nỗ lực hết sức để tiếp tục đưa Mỹ trở lại" tiến trình giải quyết xung đột.
"Tuy nhiên Ukraine cũng cần chuẩn bị cho kịch bản Mỹ không chỉ rút khỏi tiến trình giải quyết xung đột mà còn có thể thúc đẩy các mục tiêu của Nga, dù có chủ ý hay không", ông Garner dự đoán.
Theo Volodymyr Fesenko, nhà phân tích chính trị được cho là thân cận với chính quyền Tổng thống Zelensky, đối với Ukraine, việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea sẽ tạo ra "tiền lệ nguy hiểm" và càng tạo điều kiện cho Nga kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine.
"Nếu Ukraine phải lựa chọn giữa việc công nhận Crimea là của Nga và Mỹ rút khỏi quá trình đàm phán, Ukraine nhiều khả năng sẽ chuẩn bị cho việc Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán. Đối với Ukraine, đây là điều ít tệ hại hơn trong hai điều tệ hại", chuyên gia Fesenko nói.
"Tất nhiên, đây là những rủi ro tiềm ẩn đối với Ukraine trong vấn đề này. Nhưng phải hiểu rằng, rủi ro khi công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea lớn hơn nhiều và kéo dài hơn nhiều so với rủi ro khi Mỹ rút khỏi quá trình đàm phán. Crimea là một vấn đề rất nghiêm trọng và rất nền tảng đối với Ukraine. Nếu Mỹ đồng ý với điều này (Nga kiểm soát Crimea), thì chỉ sau một thời gian, Nga gần như chắc chắn sẽ yêu cầu công nhận phần còn lại của các vùng lãnh thổ đã sáp nhập", chuyên gia dự đoán.
Tamila Tasheva, một nghị sĩ từng là đại diện thường trực của Tổng thống Zelensky tại Crimea, cảnh báo "việc đổi lãnh thổ lấy lệnh ngừng bắn" sẽ không mang lại hòa bình lâu dài. Ngược lại, nó có thể trở thành nền tảng cho các hoạt động quân sự mới.
"Một tiền lệ nhượng bộ đất đai cho đối thủ sẽ gây ra hậu quả sâu rộng cho cả an ninh khu vực và toàn cầu. 11 năm kiểm soát Crimea vừa qua đã cho thấy nhượng bộ một phần không dẫn đến giảm leo thang. Nga không coi đó là sự thỏa hiệp, mà là sự yếu đuối", bà Tasheva nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia Fesenko cho rằng những lời đe dọa và sức ép từ Tổng thống Trump đối với Ukraine có thể là một phần của "đòn tâm lý" của Nhà Trắng nhằm mục đích đạt được những nhượng bộ lớn từ Kiev trong thời gian ngắn nhất có thể. "Vì vậy, chúng ta phải chờ đợi và kiên trì cho đến khi lập trường của ông Trump thay đổi", ông nói.
Mặc dù Tổng thống Zelensky đã thừa nhận Ukraine hiện không đủ mạnh để giành lại Crimea và các vùng lãnh thổ khác do Nga kiểm soát, nhưng ông cũng nói rằng Kiev sẽ nỗ lực để giành lại các vùng lãnh thổ thông qua các nỗ lực ngoại giao.
Oleksandr Merezhko, nghị sĩ đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine, cho biết có khả năng Tổng thống Trump đã đưa ra những yêu cầu "vô lý" như một chiến thuật đàm phán có chủ đích và ông sẽ hạ thấp chúng nếu Kiev kiên quyết.
"Đây là kịch bản lạc quan. Kịch bản bi quan là ông Trump hiểu rằng Ukraine sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Crimea là hợp pháp và tất cả chỉ là cái cớ để từ bỏ các cuộc đàm phán và đổ lỗi cho Ukraine thay vì Nga", nghị sĩ Merezhko dự đoán.
Theo Kyiv Independent, The Times, Asia Times, New York Times