1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thành phố của những góa phụ

Khi chồng của Paro Sharma qua đời trong một tai nạn xe kéo cách đây hơn 28 năm, bà không những là một góa phụ đau khổ mà còn là một người bị xã hội ruồng bỏ.

Bị những người thân theo đạo Hindu coi là "nghiệp chướng" đem tới cái chết cho chồng, bà Sharma, 51 tuổi, bị đuổi ra khỏi nhà và bị buộc phải tự lo liệu lấy thân.

"Sau khi chồng tôi chết, hai con trai của tôi và vợ chúng đuổi tôi ra khỏi nhà", người phụ nữ đến từ bang Tây Bengal nói. "Họ nói rằng tôi không làm ra tiền thì tại sao chúng phải nuôi tôi".

Trên những con đường đầy bụi bặm của thành phố thánh địa của người Hindu Vrindavan (ở bang miền bắc Utah Pradesh), vô số phụ nữ với đôi mắt buồn kể lại những câu chuyện tương tự như chuyện của Sharma. Họ đã phải chạy trốn khỏi sự sỉ nhục khắc nghiệt của cộng đồng sau cái chết của chồng mình. Thân cô thế cô, khoảng 15.000 góa phụ phải tìm đến nương thân ở Vrindavan, từ những phụ nữ mới cưới, những bà mẹ đang trong độ tuổi thanh xuân, đến những bà lão già cả đến mức không thể đi lại. Tất cả đang phải sống nhờ vào lòng tốt của người hành hương.

Vrindavan là nơi tập trung rất nhiều góa phụ đến từ nhiều nơi của Ấn Độ. Họ bị xã hội ruồng bỏ, đến Vrindavan để chờ chết và thay đổi kiếp số của mình.

Bi kịch của Sharma và những người phụ nữ khác là một trong những truyền thống tàn bạo nhất của người Hindu còn duy trì đến tận thế kỷ 21. Đó cũng là một hình ảnh mà quốc gia Ấn Độ hiện đại với sự tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng hẳn không muốn thế giới nhìn thấy.

Ước tính có khoảng 40 triệu góa phụ ở Ấn Độ, trong đó những người kém may mắn nhất trong số họ bị tước đoạt cuộc sống mà họ vốn có khi chồng của họ còn sống. Vrindavan là nơi được nhiều góa phụ chọn đến để... chờ chết. Người Hindu tin rằng được chết tại Vrindavan sẽ cứu họ thoát khỏi vòng sinh tử.

Đối với các góa phụ, họ hy vọng việc kết thúc cuộc đời tại Vrindavan sẽ giúp họ không phải sống lại một cuộc sống như vậy nữa. Đến Vrindavan, đa số góa phụ phải sống vạ vật trên đường phố hay trong những túp lều tạm bợ, xin của bố thí từ những người hành hương đến 5.000 ngôi đền ở thành phố này. Nhưng cũng có không ít người chọn con đường làm gái mại dâm.

Theo womensenews.org, dù hủ tục Sati, vốn buộc phụ nữ nhảy vào giàn thiêu xác chồng, đã bị bãi bỏ vào năm 1829, góa phụ Hindu vẫn phải chịu hàng loạt kiểu sỉ nhục theo truyền thống.

Sau cái chết của chồng (không cần biết vì lý do gì), người phụ nữ bị tước mất đồ trang sức của cô dâu, bị cạo đầu và phải quàng chiếc áo sari màu trắng để không thu hút đàn ông. Góa phụ cũng phải kiêng ăn thịt vì rằng việc ăn thịt có thể khơi gợi dục tính và phải tránh các đám cưới hay các ca sinh đẻ. Sự hiện diện của người phụ nữ này được coi là xấu đến mức thậm chí bóng của họ không được phép phủ lên người một phụ nữ có gia đình khác để tránh gây tai ương cho người đó.

Đạo luật Tái hôn của các góa phụ Hindu vào năm 1856 trao cho phụ nữ quyền tái hôn và Đạo luật thừa kế Hindu vào năm 1956 trao cho phụ nữ các quyền thừa kế như đàn ông. Tuy nhiên, những quyền này hiếm khi được đưa vào áp dụng trong thực tế. Do phụ nữ thường kết hôn từ rất sớm không có điều kiện để học hành cho tử tế, họ thiếu kỹ năng hay kiến thức để tự lo liệu lấy thân về kinh tế và đấu tranh cho các quyền cơ bản của mình.

Có ít nhất một phụ nữ, cũng là một góa phụ, đang nỗ lực tìm kiếm sự thay đổi ở Vrindavan. Đó là Mohini Giri, người thành lập một tổ chức gọi là Hội Dịch vụ để giúp phụ nữ và trẻ em nghèo. Mẹ của Giri trở thành góa phụ khi Giri lên 9 tuổi và cô đã chứng kiến cuộc tranh đấu là như thế nào. Sau đó, khi bước vào tuổi 50, chồng của bà không may vắn số, dẫn đến việc bà phải gánh chịu hàng loạt sỉ nhục như đã nói trên.

"Thường mọi góa phụ đều bị tẩy chay", Giri nói. "Một phụ nữ có tiền và sự tự chủ, nhưng tất cả đều bị mất đi khi cô ta trở thành góa phụ. Chúng ta đang sống trong một xã hội gia trưởng. Đàn ông nói rằng về mặt văn hóa, bạn không thể làm gì khi là góa phụ: không được để tóc, không được làm đẹp. Đó là lối suy nghĩ mà chúng ta cần thay đổi".

Cách đây 7 năm, tổ chức của Giri mở một cơ sở gọi là Amar Bari (nghĩa là "Nhà tôi") tại Vrindavan. Nó đã trở thành nơi nương thân của 120 góa phụ tuổi từ 40 trở lên. Bà dự kiến mở cơ sở thứ hai cho 500 góa phụ khác. Tại Amar Bari, các góa phụ được dạy các nghề như thêu, đan, được ăn uống bình thường, mặc quần áo truyền thống, để tóc và được khám sức khỏe.

Tuy nhiên, bà thừa nhận tất cả những gì bà làm chỉ như hạt muối bỏ biển. Chính phủ Ấn Độ cũng đã nhìn thấy vấn đề góa phụ Hindu, đặc biệt là những người đang ở thành phố của góa phụ, và đã có nhiều biện pháp để giúp họ, nhưng chừng đó dường như vẫn chưa đủ. Con số góa phụ kéo đến Vrindavan để chờ chết, vì thế đang ngày càng gia tăng.

Theo Thanh Niên/ Telegraph, CNN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm