1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thành lập khu vực tự do thương mại - Trọng tâm của APEC

(Dân trí) - Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 16 vừa khai mạc tại thủ đô Lima của Peru với mục tiêu là dự án thành lập khu vực thương mại tự do.

Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo các nước chủ chốt từ Tổng thống Mỹ George W. Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng New Zealand John Key - người vừa tuyên thệ nhậm chức, đã tham dự hội nghị diễn ra trong hai ngày 22-23/11 này. 

Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, bản thông cáo chung dự kiến sẽ nhấn mạnh đến nhu cầu kiện toàn tự do hóa thương mại, như tuyên bố chung hội nghị G20 cách đây đúng một tuần tại Washington, và hy vọng vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay. 

Được thành lập năm 1989 với mục tiêu khuyến khích tự do trao đổi mậu dịch trên thế giới, khối APEC có số dân 2,6 tỷ người, tương đương 41% dân số thế giới, chiếm 61% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu và 47% thương mại thế giới.

 

Theo chương trình, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ đưa ra dự án khu vực tự do thương mại trong toàn vùng châu Á và Thái Bình Dương.

 

Bên cạnh vấn đề thương mại, APEC còn là cơ hội để lãnh đạo các nước có các cuộc thảo luận song phương. Tổng thống Bush sẽ nêu vấn đề CHDCND Triều Tiên với lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông cũng thảo luận với Tổng thống Nga về tình hình Gruzia và hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu.

 

Lãnh đạo Trung Quốc đã ký một thỏa thuận tự do mậu dịch song phương với Peru - một đầu cầu trong chiến lược xuất khẩu của Bắc Kinh qua châu Mỹ Latinh và cũng là nơi giàu quặng mỏ mà Trung Quốc có nhu cầu rất lớn.

 

Trước khi hội nghị khai mạc, Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết đã hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Taro Aso.

 

Tổng thống nước chủ nhà Peru Alan Garcia nhận định APEC là công cụ tốt nhất chống lại khủng hoảng thế giới. Theo ông, vào thời điểm hiện nay, kinh tế các nước ven bờ Thái Bình Dương là tự do nhất, rộng lớn nhất và có mức độ trao đổi hàng hóa nhiều nhất. Nền kinh tế này tăng nhanh nhất và sẽ trở thành động lực giúp chúng ta thoát khỏi khủng hoảng.

 

Có thể nói, G-20 vừa diễn ra ở Washington cũng như APEC lần này cho thấy rõ quyết tâm chính trị của các nước muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng thông qua việc thúc đẩy tự do trao đổi mậu dịch toàn cầu. Tuy nhiên, liệu các nước có chấp nhận hy sinh quyền lợi kinh tế hay không, thì đó lại là một chuyện khác.

 

Trà Giang

Theo AFP, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm