1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tham vọng

(Dân trí) - Không hài lòng với hợp đồng nhập khẩu 240 động cơ D30Kp-2 và AL-31FN của Nga, Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh đàm phán nhập thêm một số thiết bị cùng loại với tham vọng nâng cấp các đời máy bay chiến đấu.

Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng hàng loạt
máy bay IL-76 sau khi nhận được lô động cơ D30Kp-2 của Nga


Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng hàng loạt máy bay IL-76 sau khi nhận được lô động cơ D30Kp-2 của Nga

Năm 2011, Trung Quốc ký hợp đồng với tập đoàn sản xuất động cơ Saturn của Nga mua 240 động cơ máy bay D30Kp-2 và hiện lô hàng này đang trong quá trình sản xuất.

Năm 2013, một tập đoàn sản xuất động cơ khác là Salut cũng xuất khẩu và duy tu cho Trung Quốc gần 100 động cơ AL-31FN. Trong năm nay, Salut sẽ xuất sang Trung Quốc một lô động cơ AL-31FN nữa để phục vụ cho việc sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ 3 J-10B vốn đang thiếu hụt.

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Bắc Kinh vẫn muốn có thêm nhiều động cơ mới thuộc hàng tiên tiến của Nga để phục vụ tham vọng bá chủ. Vì thế, nước này đang tìm cách đẩy mạnh đàm phán ký kết nhập thêm lô hàng mới. Chỉ có điều, hiện chưa rõ khi nào hợp đồng mới sẽ được ký kết và Trung Quốc muốn mua thêm bao nhiêu động cơ.

Căn cứ theo quy luật nhập khẩu động cơ của Trung Quốc, tạp chí Kanwa Defense Review dự đoán hợp đồng mới có thể sẽ được ký vào thời điểm trước hoặc ngay sau khi bàn giao 240 động cơ D30Kp-2. Những động cơ mới sẽ được Trung Quốc lắp đặt cho máy bay vận tải Y-20, máy bay ném bom chiến lược H-6K và nghiên cứu sản xuất động cơ nội địa WS18.

Nhiều nhà phân tích cảnh báo việc Nga bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc là tự gieo mầm họa cho mai sau. Nhưng vì lợi ích trước mắt, Mát-xcơ-va vẫn tiếp tục mở rộng các hợp đồng bán động cơ máy bay cho Trung Quốc, điều có thể tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Nga và lợi ích của ngành công nghiệp hàng không nước này.

Có nhiều lý do để Kanwa Defense Review đưa ra dự đoán này, nhưng quan trọng nhất là việc Trung Quốc sẽ sử dụng số động cơ D30Kp-2 dôi dư lỡ cỡ trong hợp đồng ký năm 2011 như thế nào.

Theo thông báo chính thức từ phía Trung Quốc, lô hàng 240 động cơ D30Kp-2 sẽ được dùng để trang bị cho các máy bay đa năng IL-76 MD/TD, được thiết kế giống hệt dòng máy bay vận tải Ilyusin IL-76 của Liên Xô trước đây. Thế nhưng hiện nay không quân Trung Quốc chỉ có khoảng 50 máy bay loại này. Nếu cho thay mới toàn bộ các động cơ, mỗi máy bay 4 chiếc, Trung Quốc cũng chỉ dùng hết 200 trong số 240 động cơ được nhập về. Con số 40 động cơ còn lại chắc chắc sẽ được dùng cho mục đích khác.

Nhận định về việc này, tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí của Nga Roosovoroexport cho rằng số động cơ dôi ra, sau khi trừ đi số cất trữ để dự phòng, có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng cho các máy bay ném bom chiến lược H-6K, do trong khế ước cung cấp D30Kp-2 không quy định rõ động cơ này chỉ được lắp đặt cho máy bay đa năng IL-76. Dự đoán này hoàn toàn có cơ sở vì trước đây Trung Quốc đã từng dùng D30Kp-2 trang bị cho 1 - 2 mẫu chế thử máy bay H-6K với mục tiêu sẽ trang bị cho mỗi sư đoàn máy bay ném bom chiến lược một đại đội H-6K.

Theo các thông tin không chính thức, hiện chỉ có hai sư đoàn không quân ném bom số 8 và số 10 của Trung Quốc đang có loại máy bay này nhưng cũng đủ khiến Mỹ và một số nước phải lo ngại vì với khả năng mang theo 6 tên lửa hành trình CJ-10 tầm bắn 2000 km, Н-6K đã có những đường nét cơ bản của một máy bay ném bom chiến lược,

Ngoài dự đoán của Roosovoroexport, một nguồn tin khác cho rằng Trung Quốc cũng có thể dùng D30Kp-2 lắp đặt cho máy bay vận tải Y-20. Tuy nhiên do Y-20 mới đang trong quá trình thử nghiệm nên khả năng này cũng không cao.

Vấn đề đặt ra là dù dùng số động cơ D30Kp-2 dôi dư lắp đặt cho Y-20 hay H-6K thì con số này cũng không đủ để Trung Quốc hoàn thành các kế hoạch trang bị dàn máy bay chiến đấu của mình. Vì thế, ngoài việc đẩy mạnh chế tạo các biến thể nội địa dựa trên công nghệ “copy” từ các động cơ mua của Nga, trước mắt Trung Quốc vẫn cần nhập thêm các lô động cơ mới để thực hiện tham vọng bá chủ. Trong quá trình đó, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ bất kỳ nỗ lực nào để mở rộng thêm kho vũ khí tiên tiến chừng nào nước Nga vẫn quyết định “nối giáo cho giặc”.


 

Đức Vũ