1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thảm họa tiềm ẩn với 94.000 con đập "già cỗi" của Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Hàng nghìn con đập được xây dựng từ lâu đời ở Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ lớn từ các đợt mưa lũ có xu hướng ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên hơn.

Thảm họa tiềm ẩn với 94.000 con đập già cỗi của Trung Quốc - 1
Trung Quốc đang trải qua đợt lũ lụt nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)

Một con đập nhỏ tại Quảng Tây, Trung Quốc vỡ hồi tháng trước sau vài ngày mưa lớn. Đây có thể coi là lời cảnh báo cho 94.000 con đập xây dựng lâu đời ở nước này. "Tôi chưa từng thấy lũ lớn như vậy. Mực nước dâng lên cao chưa từng thấy những năm gần đây, con đập chưa từng bị vỡ", Luo Qiyuan, 81 tuổi, người từng tham gia xây dựng con đập cách đây hàng chục năm, cho biết.

Con đập trên được xây dựng và hoàn tất năm 1965 bằng đất nén. Nó được thiết kế để có thể giữ tới 195.000m3 nước, nói cách khác giữ lượng nước tương đương lượng nước của 78 bể bơi tiêu chuẩn dành cho Olympic, và nhằm đáp ứng nhu cầu thủy lợi cho người nông dân ở Shazixi. Nó từng được gia cố cách đây 25 năm.

Trong một chuyến thăm hồ chứa của đập hồi giữa tháng 7, phóng viên của Reuters nhận thấy phần lớn con đập dài 100m này đã biến mất. Nước tràn qua đập và con đập dần dần bị vỡ, may mắn không có ai thiệt mạng.

Vụ việc cho thấy, các trận mưa bão lớn có thể phá hủy những con đập tương tự đặc biệt nếu không được thiết kế đúng tiêu chuẩn và không được bảo trì thường xuyên. Nguy cơ xảy ra thảm họa cũng cao hơn tại các lưu vực sông, bãi bồi có mật độ dân số đông hơn so với khi xây dựng đập. Các tổ chức hoạt động môi trường nói rằng, biến đổi khí hậu đang kéo theo hiện tượng mưa lớn hơn và tần suất dày hơn, lũ lớn có thể gây ra những thảm kịch nghiêm trọng.

Thảm họa tiềm ẩn với 94.000 con đập già cỗi của Trung Quốc - 2
Giới chức tỉnh An Huy đã dùng thuốc nổ phá 2 đoạn đê sông Trừ Hà để giải phóng nước tuần trước. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tại Trung Quốc hàng nghìn con đập được xây dựng từ những năm 1950, 1960. Năm 2006, Bộ Tài Nguyên Nước Trung Quốc cho biết, trong thời gian từ 1954 đến 2005, đê kè tại gần 3.500 hồ chứa đã vỡ do chất lượng công trình kém. Hiện chưa rõ nguyên nhân vỡ đập ở Shazixi là do mưa lũ kỷ lục hay do lỗi thiết kế. Chính quyền địa phương từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong khi đó, theo dữ liệu thống kê, lượng mưa và nhiệt độ trung bình ở Quảng Tây, tây nam Trung Quốc, giai đoạn 1990-2018 cao hơn so với 29 năm trước đó. Thời tiết cực đoan đang đe dọa đến các đập được xây dựng từ lâu đời, David Shankman, một nhà địa chất chuyên nghiên cứu về lũ lụt ở Trung Quốc tại Đại học Alabama (Mỹ) nhận định.

Theo thông tin của trạm quan trắc hồ chứa Shazixi, con đập cao 151,2m được xây dựng để đối phó với kịch bản tồi tệ nhất được dự kiến xảy ra trong vòng 200 năm, đó là khi mực nước có thể dâng lên 149,48m. Tuy nhiên, tháng trước, nước đã tràn qua, con đập bị vỡ. Thêm một dấu hiệu khác cho thấy thảm họa tiềm tàng đó là tuần trước, giới chức địa phương ở An Huy đã phải dùng thuốc nổ phá 2 đoạn đê để giải phóng nước lũ khi mực nước ở nhánh sông Dương Tử tăng nhanh.

Tại một cuộc họp báo gần đây, ông Ye Jianchun, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc, cho biết ông tin các dự án kiểm soát lũ trên các sông lớn của Trung Quốc có thể xử lý các trận lũ lớn lịch sử. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, với các con đập được xây dựng trên những con sông nhỏ hơn, mưa lũ lớn có thể vượt khả năng chống chịu của chúng. Để tránh nguy cơ này, các chính quyền địa phương đã gia cố các đập cũ và tăng cường kiểm tra, đồng thời xây thêm các đập mới để tăng cường khả năng giữ nước.

Tuy nhiên, ông Benjamin Horton, giám đốc tạp chí Earth Observatory (NASA) tại Singapore, nhận định: "Điều cần làm hiện nay là thuận theo hệ sinh thái thay vì xây dựng thêm các con đập".