1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan: Những câu hỏi trước cuộc bầu cử mới

Những cuộc biểu tình đã giảm hẳn trên đường phố Bangkok kể từ khi ông Thaksin Shinawatra tạm rời khỏi chính trường hơn một tháng trước, nhưng tình trạng bế tắc vẫn đeo bám nền chính trị Thái Lan.

Cho đến hôm 8/5, khi Tòa án hiến pháp ra phán quyết vô hiệu hóa cuộc bầu cử đầu tháng tư, người ta mới bắt đầu thoáng thấy lối ra.

 

Tuyên bố ra đi của ông Thaksin được xem là một nước cờ "láu cá" nhằm làm dịu sự công phẫn của quần chúng, chứ hầu như không sửa được điều mà báo chí Thái Lan gọi là "lỗi của một nền dân chủ bị lạm dụng".

 

Sau khi để lại những cuộc tranh cãi cho những người kế nhiệm, ông Thaksin thảnh thơi đi nghỉ, gặp gỡ các lãnh đạo ở một loạt các nước đồng minh thân cận của Thái Lan. Ông mô tả "chuyến đi nghỉ hết sức thư giãn" vì không còn phải lo lắng đến chuyện chính trị và các cuộc gặp gỡ hoàn toàn là riêng tư. Nhưng trong mắt giới quan sát, ông Thaksin thật ra vẫn đang chi phối mọi hành động của chính phủ, vốn tạm thời được giao dưới quyền kiểm soát của phó thủ tướng thân cận nhất của ông.

 

Cho đến cách đây hai tuần, sau khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej lên tiếng, gọi cuộc bầu cử bất thường là bất hợp pháp và khuyên tòa án vào cuộc để giải quyết "đống lộn xộn" chính trị, Tòa án hiến pháp mới bắt đầu thảo luận và đi đến giải pháp hiện nay.

 

Quyết định vô hiệu hóa dựa trên hai lý lẽ chủ yếu: thời gian tổ chức bầu cử quá gấp gáp và cách sắp xếp các quầy bỏ phiếu không đúng qui cách. Điều này có nghĩa là một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức để thành lập quốc hội và thiết lập một chính phủ mới. Đảng Dân chủ, đảng đối lập chủ chốt, đã hoan nghênh quyết định này và sẵn sàng tham gia cuộc bầu cử mới.

 

Mặc dù vậy, chính trường Thái Lan lại phải đối mặt với những câu hỏi mới. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào thời điểm nào? Ủy ban bầu cử hiện thời có giám sát cuộc bầu cử này không? Liệu ông Thaksin có tiếp tục tranh cử không và liệu chính phủ mới có tiến hành cải cách chính trị hay không?

 

Nếu tổ chức bầu cử mới trong vòng hai tháng, các cuộc vận động tranh cử gay gắt sẽ ảnh hưởng đến lễ kỷ niệm 60 năm đương vị của vua Thái trong tháng tới. Nếu thời hạn này kéo dài, có thể cho phép một số thành viên bất mãn của Đảng Thai Rak Thai (TRT) bỏ đảng để gia nhập đảng khác. Còn Ủy ban bầu cử hiện thời đang đối mặt với một loạt đơn kiện và lời kêu gọi từ chức từ Liên minh vì dân chủ.

 

Ngoài ra, vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất là liệu ông Thaksin có trở lại chính trường. Thaksin đùa rằng ông đang "thất nghiệp", nhưng sau vài ngày chơi golf kể từ khi trở lại Thái Lan tuần trước, ông đã quay trở về văn phòng của mình trong tòa nhà chính phủ.

 

Những người đứng đầu phong trào chống đối đã dọa sẽ tiếp tục các cuộc xuống đường nếu ông Thaksin trở lại. Thế nhưng khả năng TRT giành được đa số phiếu và khả năng Thaksin trở lại chính trường vẫn rất cao vì về mặt chính sách kinh tế - xã hội, TRT vẫn được sự ủng hộ của số đông.

 

Trên tất cả những vấn đề này, thách thức lớn nhất của nền dân chủ Thái hiện nay là việc cải cách hiến pháp để tăng cường hệ thống giám sát và cân bằng quyền lực, nhằm tránh tình trạng quyền lực tập trung trong tay một số cá nhân dẫn đến lạm quyền và thói độc tài.

 

Nếu thành công, đất nước này sẽ tránh được những xáo trộn bùng nổ như trong thời gian qua, và sẽ là một bài học cho nhiều nền dân chủ khác trong khu vực.

 

Nguyễn Lan Anh

Theo Tuổi trẻ