1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thách thức "cản đường" Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý toàn cầu

Thành Đạt

(Dân trí) - Khi Trung Quốc và các công ty của nước này đối mặt với ngày càng nhiều "cuộc chiến" pháp lý ở nước ngoài, việc bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh đã trở thành vấn đề cấp bách.

Thách thức cản đường Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý toàn cầu - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua)

Trong một bài phát biểu cách đây 2 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình từng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc thiếu các chuyên gia pháp lý cần thiết để bảo vệ các lợi ích ngày càng tăng của nước này. Ông Tập cho rằng đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

"Nhiều vấn đề liên quan tới nước ngoài của các công ty Trung Quốc đang nằm trong tay của các công ty luật có trụ sở ở Mỹ và châu Âu. Có rủi ro an ninh rất lớn trong vấn đề này", Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu với cơ quan hành pháp Trung Quốc hồi tháng 2/2019.

Ông Tập chỉ đạo "các cơ quan liên quan cần đưa ra giải pháp và quyết tâm giải quyết vấn đề này".

Theo các nhà quan sát, điều này phản ánh nhận thức ngày càng tăng của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh rằng, họ đang gặp bất lợi trong "cuộc chiến" pháp lý quốc tế. Rất nhiều bài học đã xảy ra với Trung Quốc, từ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông cho tới cuộc chiến pháp lý liên quan tới mạng xã hội TikTok ở Mỹ.

Trung Quốc từng từ chối tham gia vào vụ kiện năm 2016 do Philippines đệ trình lên tòa án quốc tế ở La Hay (Hà Lan). Bắc Kinh phản đối phán quyết của tòa, trong đó bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc phủ nhận tính hợp pháp của phán quyết này, thậm chí coi phán quyết của tòa "không gì khác một mẩu giấy lộn", theo Reuters.

Kể từ đó, các cuộc thảo luận về việc làm thế nào để xử lý tốt hơn các tranh chấp quốc tế, tương tự vụ kiện với Philippines, đã nhận được sự quan tâm của giới hoạch định chính sách ngoại giao Trung Quốc.

Năm ngoái, Yang Yanyi, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU), đã kêu gọi các nhân tài ngành luật của Trung Quốc trau dồi thêm kiến thức về luật quốc tế để bảo vệ tốt hơn các lợi ích ngày càng tăng của Bắc Kinh trong lĩnh vực hàng hải, không gian và công nghệ cao.

Bà Yang đưa ra lời kêu gọi trên trong cuộc họp của cơ quan tham vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc hồi tháng 4/2020. Tại hội nghị, nhiều quan chức cũng nhấn mạnh việc thiếu sự ủng hộ pháp lý đối với các dự án nước ngoài trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi giải quyết hiệu quả các tranh chấp quốc tế "từ khía cạnh pháp lý". Ông bày tỏ quan ngại về sự khan hiếm nhân tài Trung Quốc trong ngành luật quốc tế, đồng thời cho rằng điều này cần được giải quyết triệt để nhằm hỗ trợ các lợi ích kinh doanh nước ngoài ngày càng mở rộng của Trung Quốc.

Theo ông Tập Cận Bình, hiện mới chỉ có chưa đầy 600 luật sư Trung Quốc đủ khả năng giải quyết độc lập phần lớn các tranh chấp thương mại thông thường như chống bán phá giá hay chống trợ cấp, và chỉ khoảng một nửa trong số này đủ năng lực xử lý các vụ việc tại cơ quan pháp lý của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông Tập Cận Bình cũng muốn có thêm các chuyên gia pháp lý Trung Quốc tại các cơ quan quốc tế.

"Chúng ta cần khuyến khích thêm nhân tài pháp lý đảm nhiệm các vị trí tại các tổ chức trọng tài, thương mại, kinh tế quốc tế, để họ tham gia tích cực, và hy vọng có thể dẫn dắt, các quy trình soạn thảo quy định… nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng của đất nước chúng ta trong hệ thống quản trị toàn cầu", nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.

Bài toán khó của Trung Quốc

Theo SCMP, Wang Jiangyu, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Hong Kong, cho rằng việc các công ty Trung Quốc ngày càng chịu nhiều sức ép trên toàn cầu trong các lĩnh vực nhạy cảm có thể là nguyên nhân dẫn tới mối quan ngại pháp lý của giới lãnh đạo nước này.

"Các lĩnh vực trước đây không bị xem là nhạy cảm thì bây giờ ngày càng trở nên nhạy cảm trong môi trường địa chính trị đang thay đổi. Chẳng hạn các công ty về trí tuệ nhân tạo bây giờ được coi là khá nhạy cảm", ông Wang nói.

Ông Wang cho rằng các doanh nghiệp nhà nước cũng bị coi là nhạy cảm vì mối liên hệ của họ với chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng vai trò quan trọng chiến lược như tài nguyên hay năng lượng.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ an ninh quốc gia. Chính sách này nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng Dân chủ - Cộng hòa và tiếp tục được duy trì dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trong phần lớn các vụ kiện đình đám ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc thường thuê các công ty luật ở nước sở tại làm đại diện. Ví dụ TikTok, nền tảng mạng xã hội khổng lồ của Trung Quốc, đã thuê nhóm luật sư do Beth Brinkman, phó trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, dẫn đầu để thách thức sắc lệnh của ông Trump nhằm vào công ty này hồi năm ngoái.

Theo James Zimmerman, một đối tác của văn phòng công ty luật Perkins Coie ở Bắc Kinh và là cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, mối lo ngại chính của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với việc sử dụng luật sư nước ngoài trong các vụ kiện là vấn đề "kiểm soát".

"Các luật sư nước ngoài bị ràng buộc bởi điều khoản bí mật và những đặc quyền, do vậy nguy cơ rò rỉ thông tin mật rất thấp. Vấn đề chính ở đây là sự kiểm soát. Ông Tập muốn chính quyền kiểm soát dòng thông tin, cũng như kiểm soát các quy trình và chiến lược pháp lý", ông Zimmerman nhận định.

Theo giáo sư Wang Jiangyu, Trung Quốc phải chờ thêm 2 - 3 thập niên nữa mới có đội ngũ nhân tài pháp lý đủ năng lực để xử lý các vụ kiện quốc tế. Ông cho rằng rào cản lớn nhất hiện nay chính là kỹ năng ngoại ngữ cần thiết để tranh luận pháp lý bằng tiếng Anh cũng như sự thông thạo về hệ thống luật pháp mà các luật sư Trung Quốc vốn không quen.

"Khó có thể tìm được những giảng viên đủ năng lực ở Trung Quốc (để đào tạo luật sư). Tôi không nghĩ những người nói tiếng Anh bản địa được phép giảng dạy luật quốc tế tại các trường đại học ở Trung Quốc vì lý do chính trị và các lý do khác", ông Wang cho biết.