1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thách thức bủa vây danh hài "ngoại đạo" thắng cử tổng thống Ukraine

(Dân trí) - Danh hài Volodymyr Zelensky, người chưa có nhiều kinh nghiệm chính trường, sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức sau khi trở thành tân tổng thống Ukraine, trong đó có mối quan hệ với Nga.

Thách thức bủa vây danh hài ngoại đạo thắng cử tổng thống Ukraine - 1

Ông Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters)

Cuộc bầu cử tổng thống đã trở thành bệ phóng đưa Volodymyr Zelensky, một diễn viên hài 41 tuổi và là ngôi sao truyền hình chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị, lên vị trí quyền lực cao nhất tại Ukraine.

Là lãnh đạo của một đất nước vẫn đang phụ thuộc vào viện trợ quốc tế và đấu tranh với các phần tử ly khai, ông Zelensky sẽ phải tìm cách hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đương đầu với các vấn đề kinh tế cũng như các thủ lĩnh nổi dậy.

AFP đã “điểm mặt” một số thách thức chính mà tổng thống thứ 6 của Ukraine có thể sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ sắp tới.

Cuộc chiến với phe ly khai

Các cử tri Ukraine vẫn đang kỳ vọng rằng vị tổng thống kiêm tổng tư lệnh mới sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 năm với phe ly khai tại khu vực phía đông nước này. Các nước phương Tây và chính quyền Ukraine đương nhiệm vẫn đổ lỗi cho Nga hậu thuẫn phe ly khai này, song Moscow đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ.

Cuộc xung đột tại đông Ukraine đã khiến khoảng 13.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014 và là gánh nặng lớn cho nền kinh tế cũng như xã hội Ukraine.

Bất chấp mọi nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu trong nhiều năm qua, cuộc xung đột tại Ukraine đã cướp đi sinh mạng của nhiều binh sĩ và dân thường. Trong khi đó, giải pháp cho một nền hòa bình vẫn chưa hiện hữu.

Đối thủ của ông Zelensky, đương kim Tổng thống Petro Poroshenko, cho rằng diễn viên hài này thiếu đi sự nghiêm túc và khả năng chịu đựng để “đương đầu” với Tổng thống Putin.

Tuy vậy, giới phân tích nhận định ông Zelensky có thể sử dụng chính vị thế “ngoại đạo” của mình để đạt được một thỏa thuận chính trị với Điện Kremlin mặc dù trước đó Nga từng tuyên bố không muốn thỏa thuận với Tổng thống Poroshenko.

“Zelensky sẽ tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và cố gắng tránh giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự”, chuyên gia quân sự Mykola Davydyuk cho biết.

Trong một sự cố lỡ lời tại cuộc tranh luận với Tổng thống Poroshenko tuần trước, ông Zelensky đã gọi các phần tử ly khai là “những kẻ nổi dậy”. Điều này đã làm dấy lên cơn giận dữ từ phía quân đội.

“Chúng ta không có những kẻ nổi dậy. Chúng ta chỉ có sự gây hấn của Nga”, Tham mưu trưởng quân đội Ukraine bình luận trên Twitter.

Ông Zelensky nói rằng ông sẽ không dùng tới vũ lực để giành lại bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ được sáp nhập vào Nga từ năm 2014.

Vực dậy nền kinh tế

Danh hài triệu phú Ukraine ăn mừng đắc cử tổng thống Ukraine

 

Sau cuộc nổi dậy vào năm 2014, chính quyền mới của Ukraine được bảo lãnh thỏa thuận trị giá 17,5 tỷ USD do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quản lý để duy trì nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này.

Tuy nhiên việc giải ngân khoản tiền trên nhiều lần bị trì hoãn do chính quyền Poroshenko không thể thúc đẩy cải cách như yêu cầu của IMF, bao gồm các biện pháp chống tham nhũng và tăng giá gas hộ gia đình.

Ông Zelensky tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với IMF và cam kết sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giải quyết số nợ của Ukraine.

Giới phân tích cảnh báo ông Zelensky sẽ phải đối mặt với thách thức lớn vì Ukraine có nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ đáng kể trong vài năm tới.

“Trong 3 năm tới, Ukraine sẽ phải trả hơn 20 tỷ USD nợ nhà nước. Hiện chưa rõ nguồn tiền sẽ đến từ đâu”, Oleksandr Parashchiy, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư Concorde Capital có trụ sở tại Kiev, Ukraine, cho biết.

Cũng theo ông Paraschiy, tăng trưởng kinh tế của Ukraine đang chậm lại và ông Zelensky “sẽ phải làm gì đó” để giải quyết vấn đề này.

Ông Zelensky hiện vẫn chưa có chương trình kinh tế cụ thể, mặc dù trong đội ngũ của ông có Oleksandr Danylyuk - cựu bộ trưởng tài chính dưới thời Tổng thống Poroshenko.

Sau khi chính thức lên nắm quyền, vị tổng thống trẻ tuổi sẽ phải tìm cách kiểm soát những nhân vật “đầu sỏ chính trị” - những người có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Ukraine. Ngoài ra, ông Zelensky cũng phải chứng minh cho những người ủng hộ thấy rằng ông không liên quan tới nhà tài phiệt Igor Kolomoysky, chủ sở hữu kênh truyền hình từng phát sóng các chương trình của ông Zelensky.

Xoa dịu mâu thuẫn

Ông Zelensky sẽ phải thể hiện khả năng của mình trong việc đàm phán với các lực lượng chính trị khác nhau tại Ukraine nhằm thúc đẩy các cải cách vốn đang rất cần thiết tại nước này.

Ông Zelensky không có đảng phái chính trị của riêng mình. Ông cũng có khả năng phải đối mặt với rào cản lớn tại quốc hội, nơi phe nhóm của Tổng thống Poroshenko chiếm đa số ghế.

“Sẽ rất khó cho ông Zelensky để bảo đảm sự ủng hộ từ quốc hội. Ông ấy sẽ phải kiểm soát một quốc hội vốn không ưa mình”, nhà phân tích Anatoliy Oktysyuk tại viện nghiên cứu Democracy House ở Kiev nhận định.

Cuộc bầu cử quốc hội tại Ukraine dự kiến diễn ra vào tháng 10.

Nhà phân tích Davydyuk cho rằng việc tập hợp một đội ngũ phù hợp là điều quan trọng đối với một tổng thống ngoại đạo chưa có nhiều kinh nghiệm như ông Zelensky.

“Thách thức chính với ông Zelensky không phải quân đội, cũng không phải cuộc chiến với Nga, mà là tập hợp một đội ngũ gồm chánh văn phòng và các cấp phó của ông ấy, những người sẽ nắm những vị trí then chốt”, ông Davydyuk nói.

Theo một số chuyên gia phân tích, người Ukraine thường có xu hướng thay đổi lập trường nhanh chóng, do vậy ông Zelensky sẽ phải hành động kịp thời trước khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới xảy ra tại Ukraine.

Thành Đạt

Theo Straitstimes