1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu vũ trụ “siêu tốc” của Nga đưa phi hành gia lên trạm ISS

(Dân trí) - Hôm nay (26/9), hai nhà du hành Nga cùng một nhà du hành Mỹ đã được tàu vũ trụ Soyuz của Nga đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Hành trình của họ đã được rút ngắn từ 2 ngày xuống dưới 6 tiếng nhờ một kỹ thuật mới được áp dụng.

Tàu vũ trụ Soyuz TMA-10M rời bệ phóng
Tàu vũ trụ Soyuz TMA-10M rời bệ phóng
Vụ phóng được thực hiện vào lúc 0 giờ 58 phút giờ địa phương, tại trung tâm không gian Baikonur mà Nga đang thuê của Kazakhstan. Có mặt trong phi hành đoàn gồm nhà du hành Michael Hopkins của NASA và các ông Oleg Kotov và Sergei Ryazansky của Nga.

“Mọi thứ đã diễn ra đúng kế hoạch. Tất cả đều đúng như dự kiến”, bình luận viên chính thức của NASA thông báo trên một trang web sau khi Soyuz đi vào quỹ đạo khoảng 10 phút.

Trong thông báo mới nhất, Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos xác nhận phi thuyền đã ghép nối thành công với trạm ISS vào 2 giờ 45 phút giờ GMT hôm nay 26/9. Như vậy hành trình của Soyuz lên ISS mất chưa đầy 6 tiếng thay vì 2 ngày như trước đây.

Phi thuyền chỉ bay quanh trái đất 4 lần thay vì 30 lần như thường lệ, nhờ một kỹ thuật được phát triển từ thời Liên Xô cũ nhưng chỉ mới được áp dụng thường xuyên từ năm nay.

Các nhà khoa học cùng các phi hành gia từ lâu đã bàn luận về lợi ích của một chuyến đi “nước rút” như vậy.

Những chuyến bay có thời gian lâu hơn giúp thành viên phi hành đoàn thích nghi tốt hơn với các điều kiện trong không gian, nhưng cũng đồng thời thử thách độ bền bỉ về thể chất.

Việc cắt ngắn thời gian của hành trình từng bị bãi bỏ sau một số thử nghiệm của Liên Xô, bởi một nhà du hành đã bị ốm rất nặng trong suốt hành trình, và đã có lúc tưởng như đe dọa tới tính mạng.

Nhưng đầu năm nay, hai chuyến đi như vậy đã được thực hiện thành công và Nga quyết định tái triển khai, nhằm biến nó trở thành tiêu chuẩn mới cho các chuyến đi lên ISS.

Tâm điểm của chuyến đi lần này sẽ là sự ghé thăm ISS dự kiến vào ngày 7/11 của một ngọn đuốc (không được thắp vì lí do an toàn), được sử dụng trong lễ rước đuốc tiếp sức tại Thế vận hội mùa Đông 2014 mà Nga là nước đăng cai.

Nhóm các phi hành gia mới sẽ gặp gỡ chỉ huy trưởng người Nga Fyodor Yurchikhin cùng hai kỹ sư Karen Nyberg của NASA và Luca Parmitano của Cơ quan vũ trụ châu Âu.

Thời gian 4 tháng trên trạm của 3 người này đã có nhiều sự kiện hơn dự báo, khi Parmitano gặp sự cố khi đi ra ngoài khoảng không hôm 16/7. Khi đó chiếc mũ bảo hiểm của ông xuất hiện nhiều chất lỏng chưa xác định.

3 nhà du hành này sẽ trở về trái đất vào ngày 11/11 tới và khi đó ông Kotov sẽ giữ quyền chỉ huy.

Thanh Tùng
Theo AFP, RIA Novosti