1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tập tục cắt âm vật man rợ tràn vào nước Anh

Sacdiya Hussein Ali mới 7 tuổi khi cô được đưa đến nhà một người lạ ở Kenya, quê hương cô. Rồi cô bị 10 người phụ nữ khác ghìm chặt trên chiếu và kéo dạng hai chân để một người đàn bà cắt âm vật cô bằng lưỡi dao lam sắc bén.

Ali, giờ đã 34 tuổi và đang sinh sống ở thủ đô London của nước Anh, nhớ lại: "Tôi đã gào thét dữ dội khi bị cắt dù họ đã nhét đầy quần áo vào miệng tôi. Sau khi cắt các phần kín của tôi, họ lấy một ít lá thuốc và trứng đổ lên vết thương, rồi lấy gai khâu lại".  

 

Ali là một trong hơn 130 triệu phụ nữ bị cắt âm vật (gọi tắt là FGM) trên toàn thế giới và hiện mỗi năm có khoảng 3 triệu phụ nữ là nạn nhân của tập tục man rợ này.

 

 

Tập tục cắt âm vật man rợ tràn vào nước Anh - 1
 

Những công cụ thường dùng để thực
hiệnFGM ở Kenya (Ảnh: DW-World)

FGM thường do một phụ nữ lớn tuổi, không có kiến thức về y khoa thực hiện, không nề hà sử dụng bất kỳ dụng cụ gì, từ dao, kéo đến nắp hộp hay thậm chí chỉ là một mảnh kính vỡ.

 

Các nạn nhân không biết điều gì sẽ xảy ra với họ và thường không có bất kỳ chất khử trùng hay thuốc gây mê nào được sử dụng trong quá trình "phẫu thuật".

 

Tập tục "ngoại nhập"

 

Tập tục kéo dài nhiều thế kỷ này, chủ yếu là ở châu Phi, đang được người nhập cư đưa đến các nước phương Tây, đặc biệt là xứ sương mù. "FGM đã trở thành một vấn đề lớn ở Anh", chuyên gia Ensharah Ahmed thuộc Quỹ Y tế, Nghiên cứu và Phát triển phụ nữ (FORWARD), nhận định. FORWARD ước tính có khoảng 279.500 phụ nữ sống ở Anh đã trải qua FGM và khoảng 22.000 cô gái dưới 16 tuổi có nguy cơ gia nhập vào "đội ngũ" này.

 

Năm nay, cảnh sát London đã tung ra một chiến dịch tăng cường sự hiểu biết về vấn đề này vào đầu kỳ nghỉ hè, khoảng thời gian các phụ nữ thực hiện FGM có thể đến Anh hoặc các gia đình có thể đưa các cô con gái của mình về quê hương để "được" cắt âm hộ hay âm vật.

 

Theo truyền thống, tập tục này được thực hiện nhằm thể hiện phẩm giá hay do một niềm tin sai lạc rằng đó là yêu cầu bắt buộc mang tính tôn giáo. Người ta cho rằng đó cũng là biện pháp kiểm soát sự ham muốn tình dục của phụ nữ hoặc giảm thiểu sự lang chạ trong hôn nhân. Tuy nhiên, FGM cũng có thể làm biến dạng cơ thể, gây đau đớn cùng cực, sự thương tổn về tâm lý, chứng vô sinh hoặc gây chết người.

 

Ali cho biết cô đã bị đau lưng, các vấn đề về kinh nguyệt và nhiễm trùng thận. "Nó đã tác động mạnh đến tôi, cả về tâm lý lẫn trong giao tiếp xã hội. Tôi vẫn còn nhớ lưỡi dao lam khứa vào người mình. Đến giờ tôi vẫn không dám nhìn những chiếc lưỡi lam", Ali nói. Theo Ahmed, hiện vẫn còn thiếu những nghiên cứu về "vết sẹo tinh thần" vốn cũng tồi tệ như vết sẹo trên thân thể.

 

Cuộc chiến không đơn giản

 

Luật được thông qua vào năm 2003 coi việc công dân Anh thực hiện FGM ở Anh hay ở nước ngoài là bất hợp pháp. Những ai phạm tội dàn xếp hay thực hiện FGM có thể bị phạt đến 14 năm tù. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cá nhân nào bị truy tố. "Đó không phải là cái mà bạn có thể chấm dứt ngay lập tức. Tập tục này đã tồn tại nhiều ngàn năm qua", thanh tra Carol Hamilton thuộc Ban chỉ huy chống lạm dụng trẻ em của cảnh sát London nói.

 

Cũng theo Hamilton, phần lớn các cộng đồng ở Anh sẽ nói rằng đó là điều cần thiết để bảo vệ bản sắc văn hóa khi họ đang sinh sống ở một nước khác chứ không nghĩ đó là hành động man rợ và chống lại quyền con người. Hamilton cho biết đích thân mình đã đến nhiều cộng đồng để nói chuyện và đã nhận được một câu trả lời từ phía các cộng đồng: đó là điều phải làm.

 

"Nếu những người con trong các gia đình biết chúng có quyền không để mình bị cắt xẻo, chúng có thể báo với cảnh sát. Nếu chúng không có cơ hội để biết rằng có luật bảo vệ mình, chúng sẽ chấp nhận FGM", Hamilton nói.

 

Hiện  những người chống FGM đã có một số đồng minh, đó là những nam giới trong các cộng đồng châu Phi muốn vợ phải còn "nguyên vẹn" để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Các lãnh đạo tôn giáo cũng tỏ ra tiếp thu, đặc biệt ở thánh đường nơi các giáo sĩ giận dữ với việc tập tục được tiến hành dưới danh nghĩa Hồi giáo. "Đó chẳng phải Thiên Chúa giáo, cũng không phải Hồi giáo. Nó chỉ là vấn đề văn hóa cần được bãi bỏ", Ali nói.

 

Theo Thanh Niên/Reuters, The Star