1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tân thủ tướng Hi Lạp cam kết “hi vọng” khi nhậm chức

(Dân trí) - Ông Antonis Samaras đã cam kết “trao hi vọng” cho người dân Hi Lạp ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào ngày hôm qua, trở thành thủ tướng thứ tư tại Hi Lạp trong vòng 8 tháng qua.

Antonis Samaras tuyên thệ nhậm chức tại phủ tổng thống ở Athens ngày 20/6.

Antonis Samaras tuyên thệ nhậm chức tại phủ tổng thống ở Athens ngày 20/6.
Cuộc bầu cử không có kết quả rõ ràng vào ngày 6/5 vừa qua đã làm dấy lên lo ngại Hi Lạp có thể rời khu vực đồng tiền chung châu Âu và gây ra một cuộc khủng hoảng rộng hơn. Đảng Tân Dân chủ của ông Antonis Samaras đã liên minh với đảng Xã hội Pasok và đảng Dân chủ cánh tả nhỏ hơn, chấm dứt nhiều tuần đầy ngờ vực ở Hi Lạp. Tuy nhiên liên minh mới dự kiến sẽ đối mặt với áp lực hiện hữu của công chúng Hi Lạp, vốn đã quá mệt mỏi với chính sách thắt lưng buộc bụng.

 

Hi Lạp đã trải qua 5 năm suy thoái và ngày càng tỏ ra do dự với những điều khoản cứng cắn của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để được nhận gói cứu trợ khổng lồ.

 

Đảng Syriza, đảng cánh tả về nhì trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật và phản đối kịch liệt các biện pháp thắt lưng buộc bụng, sẽ là tiếng nói đối lập mạnh mẽ tại Hi Lạp.

 

Cổ phiếu ở Hi Lạp đã tăng đáng kể sau tin liên minh được thành lập, với cổ phiếu Athens tăng 0,5%.

 

“Gánh nặng trách nhiệm”

 

Ông Samaras đã trở thành thủ tướng thứ tư của Hi Lạp trong vòng 8 tháng qua trong lễ nhậm chức ngắn gọn ở phủ tổng thống tại Athens. Trong phát biểu đầu tiên với công chúng sau khi nhậm chức, ông Samaras đã yêu cầu người dân Hi Lạp thể hiện “lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc và tin tưởng mạnh mẽ, để với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta sẽ làm những gì có thể cho người dân thoát khỏi cuộc khủng hoảng này”.

 

Antonis Samaras

• Sinh 1951

• Nhà kinh tế được đào tạo tại Mỹ

• Ngoại trưởng Hi Lạp vào đầu những năm 1990

• Phản đối gói cứu trợ đầu tiên của Hi Lạp năm 2011 nhưng sau đó ủng hộ gói cứu trợ thứ hai.

Nhà lãnh đạo 61 tuổi cho biết ông sẽ yêu cầu chính phủ mới “nỗ lực hết mình” để “trao hi vọng cho  người dân của chúng ta”.
 

Lãnh đạo 3 đảng trong liên minh chính phủ dự kiến sẽ nhóm họp với Bộ trưởng Tài chính sắp mãn nhiệm Giorgos Zanias và người được chỉ định kế nhiệm ông, chủ tịch Ngân hàng quốc gia Vassilis Rapanos.

 

Chi tiết thêm về nội các mới dự kiến sẽ được công bố sau đó, khi ông Zanias sẽ đại diện chính phủ mới tham gia cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung euro ở Luxembourg, Bỉ.

 

Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng Hi Lạp không có nhiều lựa chọn cho gói cứu trợ. Nước này đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình trên đường phố, một số có bạo lực, của những người dân giận dữ vì bị mất việc, bị cắt giảm lương, phúc lợi xã hội vì gói cứu trợ.

 

Hi Lạp đã nhận được gói cứu trợ đầu tiên của EU-IMF trị giá 110 tỉ euro vào năm 2010 và một gói 130 tỷ euros năm nay. Nước này cũng bị xóa khoản nợ 107 tỉ euro đối với các nhà đầu tư tư nhân.

 

Đảng Tân Dân chủ dành được 129 ghế trong quốc hội 300 ghế của Hi Lạp vào hôm chủ nhật. Tiếp đó là Syria, với 71 ghế, Pasok với 33 ghế và Dân chủ cánh tả với 17 ghế. Liên minh Tân Dân chủ, Pasok và Dân chủ cánh tả sẽ chiếm đa số 29 ghế.

 

Vũ Quý

Theo BBC