Tại sao ông Putin lại bổ nhiệm ông Zubkov làm Thủ tướng Nga?
(Dân trí) - Chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Mikhail Fradkov và bổ nhiệm quan chức phụ trách tài chính ít được biết đến thay thế, Tổng thống Vladimir Putin đã khiến cử tri Nga và cả thế giới phải phỏng đoán về động cơ của ông.
Việc ông Fradkov phải ra đi vào ngày 12/9 chẳng khiến ai ngạc nhiên, nhưng việc ông Putin bổ nhiệm ông Viktor Zubkov, một nhân vật ít được chú đến trước đó vào chức Thủ tướng mới là điều gây "choáng".
Giới phân tích cho rằng trong quyết định của ông Putin, có thể gồm hai kịch bản sau:
Kịch bản thứ nhất
Một số nhà phân tích nhận định với việc bổ nhiệm ông Zubkov làm Thủ tướng mới của nước Nga, ông Putin đã có những tính toán cho vây cánh của mình kế nhiệm chức tổng thống và cũng qua đó để thực hiện tính toán riêng của ông.
Chỉ mới 54 tuổi và rõ ràng vẫn còn sung sức, ông Putin không loại trừ khả năng lại ra tranh cử tổng thống vào năm 2012, điều này được hiến pháp cho phép.
Về việc người được chọn không phải là một trong hai phó Thủ tướng thứ nhất Sergey Ivanov hay Medvedev, hai ứng cử viên trước đó được coi là rất sáng giá, mà là nhân vật vô danh Zubkov. Các nhà phân tích này cho rằng ông Putin đang tuân theo mô hình mà người tiền nhiệm, ông Boris Yeltsin đã làm, theo đó, chọn một nhân vật ít được biết tới lên làm thủ tướng. Nhân vật này sau đó sẽ là ứng cử viên được ông Putin ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2008.
Chính ông Putin cũng được đưa lên theo con đường này năm 1999. Khi đó Putin chỉ là một quan chức mật vụ vô danh, ít người biết đến đã bất ngờ được bổ nhiệm làm Thủ tướng và sau quyết định rút lui bất ngờ của cựu Tổng thống Boris Yeltsin, Thủ tướng Putin có bước tiến chắc chắn tới chức Tổng thống Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích này cho rằng cách chọn người của ông Putin hiện nay khác xa ông Yeltsin. Bởi nếu ông Yeltsin chọn ông Putin, người sau gần 8 năm cầm quyền, đã trở thành thần tượng của nhiều người Nga, giúp một nước Nga đang suy sụp có được một nền kinh tế phát triển mạnh và đang dần lấy lại tiếng nói trước đây trên trường quốc tế, thì việc ông Putin chọn ông Zubkov lại được cho là có động cơ khác.
Ngày 14/9, Duma quốc gia Nga đã phê chuẩn ông Viktor Zubkov làm Thủ tướng Nga theo đề cử của Tổng thống Vladimir Putin với 381 phiếu thuận, 47 phiếu chống và 8 phiếu trắng. |
Một điều nữa được các nhà phân tích này cho là rất quan trọng trong quyết định bổ nhiệm ông Zubkov làm thủ tướng của ông Putin, đó là vấn đề tuổi tác.
Ông Putin không thể ra tranh cử vào năm 2008 sau khi đã nắm giữ hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp. Tuy nhiên, ông Putin đã nói rõ rằng ông dự định vẫn hoạt động tích cực trên chính trường sau khi trao quyền cho người kế nhiệm.
Tuy nhiên, trong một hệ thống mà tổng thống nắm toàn quyền, ông Putin có thể đã phát hiện ra rằng bất kỳ ai ông đưa vào Điện Kremlin vào tháng 3/2008 chưa chắc đã sẵn sàng từ bỏ quyền lực chỉ sau một nhiệm kỳ và có thể là trở ngại trên con đường tái tranh cử của ông.
Ông Andrei Varva, nhà quan sát chính trị của hãng thông tấn RIA-Novosti cho biết ông Zubkov có thể đóng vai trò rất hữu ích như một tổng thống lâm thời trong kịch bản trở lại nắm quyền của Tổng thống Putin.
Ông Varva cho rằng việc nâng cao uy tín của Zubkov - nhân vật đã có nhiều năm phụ trách vấn đề chống rửa tiền và tham nhũng, hai thảm họa quốc gia then chốt - là tương đối dễ. Tuy nhiên, tuổi tác của ông Zubkov mới thực sự là điều có lợi cho ông Putin".
Theo luật pháp, ông Zubkov sẽ không được ra tranh cử trong các cuộc bầu cử tiếp theo vì vào năm 2012, ông này sẽ tròn 70 tuổi - tuổi tối đa cho một ứng cử viên tổng thống.
Vì vậy quyết định bổ nhiệm ông Zubkov có thể là một bước đi chắc chắn và đầy khôn khéo của ông Putin trong toan tính trở lại nắm quyền của ông này.
Kịch bản thứ hai
Một số nhà phân tích lại đưa ra một kịch bản khác theo đó sau cuộc bầu cử Đuma Quốc gia vào tháng 12 tới, Nga sẽ có kế hoạch sửa đổi Hiến pháp. Theo kế hoạch này, hai chức vụ tổng thống và thủ tướng sẽ hoán đổi vị trí cho nhau và thủ tướng trở thành người nắm thực quyền mới ở Nga với ứng cử viên không phải ai khác ngoài ông Putin. Trong kịch bản này, tổng thống Nga sau này chỉ là nhân vật tượng trưng giống như tổng thống Đức.
Các nhà phân tích này cho rằng theo Hiến pháp thì ông Putin có thể giải thể Nội các bất cứ lúc nào, nhưng xuất phát từ lý do chiến thuật, đến thời điểm hiện nay ông mới thực thi bước đi này, bởi đây là thời điểm nóng bắt đầu cho cuộc bầu cử tới và vị Thủ tướng mới đồng thời là ứng cử viên kế nhiệm Putin cần phải nhận được một trong những vị trí hàng đầu của đảng "Nước Nga thống nhất". Nếu trong cuộc bầu cử tới, đảng này giành được 2/3 số phiếu thì Điện Kremlin sẽ thúc ép sửa đổi Hiến pháp để ông Putin có thể trở thành "siêu Thủ tướng" và người kế nhiệm ông trong chức Tổng thống sẽ chỉ là chức vụ tượng trưng giống như chức Tổng thống liên bang Đức.
Giới phân tích nhận định, cả hai kế hoạch trên đều có tính khả thi khá cao và bất kể kế hoạch nào được thực hiện, thì cũng đều giúp cho tham vọng nhanh chóng trở lại nắm quyền lãnh đạo nước Nga của ông Putin.
Tuy nhiên, cũng có những người lại không nhất trí với cả hai kịch bản trên. Bà Maria Lipman, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Carnegie ở Mátxcơva, nói: "Chúng ta đang sống trong bối cảnh chỉ một người có quyền quyết định, vì vậy mọi việc đều có thể xảy ra. Điều duy nhất có thể dự đoán được, đó là: Putin là hiện thân của sự ngạc nhiên".
Kiến Văn