1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tại sao Nhật Bản nóng lòng với TPP?

(Dân trí) - Trong khi Mỹ được cho là sẽ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Nhật Bản vẫn đang nỗ lực để thông qua thỏa thuận này vì những lợi ích chiến lược và cụ thể mà Tokyo sẽ được nhận trong tương lai.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)

Tại Tokyo, Liên minh cầm quyền của Nhật Bản vừa quyết định kéo dài kỳ họp Quốc hội hiện nay thêm nửa tháng, một phần vì đảng cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn còn hy vọng thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cùng lúc, tại Washington, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Kenichiro Sasae tuyên bố sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống đắc cử Donald Trump đảo ngược cam kết rút Mỹ ra khỏi TPP.

Lợi ích chiến lược

Ông Abe từng ca ngợi TPP là "một chính sách nhìn xa trông rộng”, trong đó cho phép tất cả các nước tham gia chia sẻ các giá trị và cố gắng xây dựng một khu vực kinh tế tự do và công bằng.

TPP ngay từ khi bắt đầu hình thành đã được xác định rất thận trọng về quy mô và tầm vóc. TPP bao trùm 40% kinh tế toàn cầu, sẽ xoá bỏ hầu hết các loại thuế và các rào cản thương mại khác trong khối 12 nước - bao gồm cả Canada, Australia, New Zealand, Singapore và một số nước thành viên khác ở châu Mỹ. Hiệp định cũng bao gồm các điều luật về quyền của người lao động và môi trường làm việc.

TPP là trọng tâm của chiến lược "tái cân bằng" của Tổng thống Mỹ Barack Obama sang châu Á, vì nó sẽ cho phép Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ thiết lập các "luật lưu thông" cho thương mại tự do và công bằng trong các khu vực kinh tế năng động nhất thế giới này.

Theo Diplomat, gần đây, Trung Quốc xúc tiến xây dựng các thể chế tài chính, trong đó phải kể đến Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) - động thái khiến Mỹ và Nhật Bản lo ngại. Họ sợ những lựa chọn thay thế này của Trung Quốc có thể làm mờ nhạt đi tính minh bạch, quyền của người lao động và các tiêu chuẩn môi trường mà hai nước này đã nỗ lực tạo ra thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Thay vì một lần nữa thụt lùi, Nhật Bản và Mỹ thời Tổng thống Barack Obama nhận ra rằng, cần phải dẫn trước trong cuộc chơi này.

Tuy nhiên, TPP và những mục tiêu của TPP không còn được "đặt trên bàn" kể từ ngày 8/11 vừa qua, sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử.

Stratfor cho rằng việc Nhật Bản nỗ lực hồi sinh TPP còn với mong muốn giúp nước này nâng cao vị thế trước Trung Quốc khi bước vào các cuộc đàm phán về việc hình thành một nhóm thương mại Đông Á, được gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ngay sau khi có kết quả bầu tổng thống Mỹ, Trung Quốc đã thông báo về ý định thúc đẩy cuộc thương lượng cho đến nay vẫn diễn tiến rất chậm chạp.

Lợi ích cụ thể

Theo Diplomat, ngoài các lợi ích chiến lược và phi vật thể, Nhật Bản cũng có những lợi ích cụ thể từ TPP.

Trước hết, các quy định đối với công ty nước ngoài tham gia thị trường sẽ được nới lỏng, và điều này sẽ mang lại những cơ hội mới cho các công ty Nhật Bản mở rộng hoạt động ở nước ngoài.

Thứ hai, ngành công nghiệp ô tô sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế đối với hàng xuất khẩu. Ngoài ra, họ sẽ được phép mua thêm các linh kiện cho sản phẩm của mình từ châu Á, trong đó đáng kể là từ các nước không thuộc TPP. Có thể mua các phụ tùng rẻ hơn từ các nước như Trung Quốc, và sau đó bán xe với mức thuế quan được cắt giảm sang những thị trường như Mỹ rất có lợi cho ngành ôtô Nhật Bản.

Thứ ba, giảm thuế quan với các sản phẩm nông sản, sản phẩm từ sữa và các sản phẩm khác sẽ giúp giảm chi phí cho những mặt hàng này khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản. Mặc dù mức thuế quan đối với các mặt hàng nông sản như vậy chỉ giảm chứ không được bãi bỏ, nhưng TPP vẫn có thể vấp phải sự phản đối của những người nông dân cho rằng sản phẩm của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu rẻ hơn.

Thứ tư, hoàn thành các cuộc đàm phán TPP sẽ mang đến cho Nhật Bản đòn bẩy để nhanh chóng ký kết các hiệp định thương mại với các nước khác. Ví dụ, các cuộc đàm phán của Nhật Bản với EU có thể được tăng tốc vì bản thân EU cũng mong muốn không bị gạt ra ngoài rìa.

Chính phủ Nhật Bản đang đối mặt với một số khó khăn trong việc phê chuẩn TPP. Theo Thời báo phố Wall, các đảng đối lập cho rằng ông Abe đang đi quá nhanh trong tiến trình phê chuẩn. Tuy nhiên, TPP có thể sẽ được thông qua tại Nhật Bản vì đảng của Thủ tướng Abe kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện và Hạ viện đã thông qua TPP hồi tháng trước.

Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 21/11 tuyên bố ông sẽ ban hành chỉ thị rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày nhậm chức 20/1 tới. Ông cũng cho biết chính quyền của ông dự định sẽ thiết lập các hiệp định thương mại song phương khác công bằng hơn nhằm giúp đưa việc làm trở lại nước Mỹ.

TPP là hiệp định thương mại lớn nhất hơn 1 thập niên qua giữa 12 quốc gia chiếm hơn 40% GDP toàn cầu.

Tuệ An

Tổng hợp