1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tài sản khổng lồ của Sa hoàng cuối cùng nằm ở Nhật hay dưới đáy hồ Baikal?

Theo đánh giá của giới sử học, sinh thời Sa hoàng Nicolai II (1868-1918), vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Nga luôn được xem là một trong những nhà quân chủ giàu nhất hành tinh, với tổng trị giá tài sản lên tới 1,6 tỉ USD khi ấy, tương đương 290,7 tỉ USD thời giá hiện nay.

Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, chính quyền Bolshevik tuyên án tử hình cả gia đình Sa hoàng Nicholas II, nhưng ông vua cuối cùng của triều đại Romanov đã tẩu tán số của cải khổng lồ ra nước ngoài, để rồi nó tình cờ rơi vào tay quân Nhật hay thuộc hạ thân tín đã chôn giấu dưới đáy hồ Baikal ở vùng Siberia xa xôi như lời đồn đại bấy lâu nay?

Quân Nhật ở Mãn Châu – “Ngư ông đắc lợi”

Cuối năm 1894, khi vua cha Alexander III (1845-1894) qua đời vì bệnh suy thận cấp, Hoàng tử 26 tuổi Nicolai Romanov lên nối ngôi lấy tước hiệu là Nicholas II. Tới thời điểm khởi sự Thế chiến I vào năm 1914, Đế chế Nga Sa hoàng vẫn tự hào với kho vàng dự trữ lớn nhất thế giới.

Tài sản của Hoàng gia bao gồm những khu trang trại khổng lồ chiếm gần 1/10 diện tích đất canh tác của đế chế Nga mênh mông, chưa kể hàng loạt các tòa cung điện nguy nga và dinh thự lộng lẫy cùng kho vàng bạc, đồ trang sức và vô vàn các tác phẩm nghệ thuật đắt giá khác.

Trong hơn 2 thập niên trị vì, tương phản với mức độ giàu có của Hoàng tộc là sự kiệt quệ của nền kinh tế nước Nga, hệ quả của những cuộc phiêu lưu quân sự kéo dài khiến Nicolai II có thêm biệt danh là “Bloody Nicolai” (Nicolai khát máu).

Để tránh bị những thế lực thù địch ám sát như trường hợp của ông nội là Sa hoàng Alexander II vào năm 1881, Nicolai II khi vi hành thăm thú đây đó thường di chuyển trên những đoàn tàu bọc thép chống đạn. Có 2 đoàn tàu giống hệt nhau cùng nối đuôi chuyển bánh để không ai biết đức Vua ngự ở đoàn tàu nào. Mỗi đoàn tàu đều có 7 toa mạ vàng, trong đó là 2 toa ngủ, rồi toa ăn, toa trẻ em, toa Khánh tiết, toa tiếp khách… cùng những trang thiết bị làm từ vàng nguyên chất cực kỳ xa xỉ.

Một góc hồ Baikal rộng mênh mông, theo lời đồn là nơi chôn xác đoàn tàu của quân Bạch vệ chở số vàng khổng lồ của Nicolai II.
Một góc hồ Baikal rộng mênh mông, theo lời đồn là nơi chôn xác đoàn tàu của quân Bạch vệ chở số vàng khổng lồ của Nicolai II.

Sau cuộc Cách mạng Dân chủ Tư sản diễn ra vào tháng 2-1917 lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, chấm dứt sự cai trị của Vương triều Romanov kéo dài hơn 3 thế kỷ, đến đầu tháng 3-1917, Nicolai II buộc phải thoái vị nhường quyền lực lại cho Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản.

Đầu tiên cựu hoàng cùng gia đình bị giam lỏng tại Cung điện Alexander gần Petrograd (Saint Petresburg ngày nay), rồi chuyển tới Dinh Tổng đốc ở quận Tobolsk trong tỉnh Tyumen miền cực nam nước Nga, sau lại rời đến ngôi biệt điện cùa dòng họ thương gia Ipatiev tại thành phố Ekaterinburg trong vùng Ural thuộc phía tây Siberia. Nhiều sử gia cho rằng, chính trong giai đoạn này Nicolai II đã lên kế hoạch bí mật tẩu tán khối gia tài còn lại của mình. Thế còn phần lớn khối tài sản khổng lồ trước đó ông ta chuyển đi đâu?

Nga chính thức tham chiến vào Thế chiến I năm 1914. Năm 1915, với thế lực như vũ bão, quân Đức đã áp sát thủ đô Moscow. Để đảm bảo an toàn, Sa hoàng Nicolai II đã ra lệnh chuyển 600 tấn vàng từ ngân khố quốc gia đến một nơi bí mật thuộc thành phố Kazan, nay là thủ đô của nước Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga.

Sau khi lật đổ Chính phủ tư sản bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Bolshevik đã tuyên án tử hình cả gia đình Nicholas II về tội nợ máu chồng chất với nhân dân trong khi cầm quyền. 3 ngày sau khi gia đình Nicolai II bị hành quyết, toàn bộ tài sản của Sa hoàng đều bị chính quyền mới quốc hữu hóa, nhưng đó chỉ là những gì còn sót lại.

Tháng 8-1918, một đội quân Bạch vệ (mà chính quyền Bolshevik xem là lực lượng phản động với danh nghĩa Bảo hoàng) thành phần ô hợp gồm người Nga, Serbia và Czech, dưới sự chỉ huy của đại tá Kappel đã tấn công vào thành phố Kazan để cướp số vàng này. Quân Bạch vệ đi trên tàu hơi nước, lợi dụng bóng đêm, tiến gần sát nơi cất giữ vàng ở Kazan. Rạng sáng ngày 6-8, quân Bạch vệ bất ngờ tấn công, thu được hơn 538 tấn vàng thỏi, chưa kể số lượng lớn tiền vàng, bạc nén và những hòm trang sức…

Toàn bộ kho vàng trên được đưa lên tàu, theo dòng sông Volga xuôi về căn cứ của quân Bạch vệ tại Samara. Lực lượng Hồng quân lập tức tung ra nhiều toán quân truy đuổi. Họ đi bằng tàu thủy lẫn tàu hỏa đến Samara rồi cùng hợp quân mở trận kịch chiến với quân thù. Quân Bạch vệ thất thủ vào ngày 10-9-1918. Tuy nhiên, tại căn cứ Bạch vệ ở Samara, Hồng quân không tìm thấy mẩu vàng nào!

Một trong những khung ảnh của vợ chồng Sa hoàng bằng vàng ròng, được khảm nhiều kim cương, ngọc quý.
Một trong những khung ảnh của vợ chồng Sa hoàng bằng vàng ròng, được khảm nhiều kim cương, ngọc quý.

Theo một số tài liệu lịch sử của Nga, trên đường trốn chạy Hồng quân, đại tá Kappel đã được quân Nhật đánh tiếng sẽ “đảm nhận” việc trông coi số vàng khổng lồ này. Thời điểm đó, ngoài một số nước phương Tây, Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất công nhận quyền lực của lực lượng Bạch vệ tại Nga. Nhưng do lo sợ quân Nhật sẽ trở mặt nên đại tá Kappel khi đó đã thẳng thừng từ chối. Trước khi chịu thất thủ tại Samara, đại tá Kappel ra lệnh đưa 600 tấn vàng được đóng trong 63 thùng gỗ chuyển lên xe lửa chạy về vùng Ufa.

Một điều không nằm trong kế hoạch của đại tá Kappel đã xảy ra khi chuyến tàu chở vàng đi qua địa phận thành phố Irkutsk, một trong những thành phố lớn nhất ở vùng Siberi của Nga. Một thành viên của Bạch vệ tại thành phố Irkutsk khi nghe tin về chuyến tàu chở vàng đã phản bội, đem quân chặn giữ đoàn tàu. Lực lượng Bạch vệ của hai bên đã suýt giao chiến để chiếm số vàng, tuy nhiên người đứng đầu cả hai bên đã nhanh chóng tiến hành thương lượng. Theo đó, 30 thùng vàng được chuyển giao lại cho lực lượng Bạch vệ tại thành phố Irkutsk, 33 thùng còn lại vẫn thuộc về đại tá Kappel.

Bị Hồng quân truy đuổi gắt gao, đầu năm 1920, Kappel đành cải trang, đáp tàu vượt biên sang vùng Mãn Châu của Trung Quốc, nơi quân Nhật đang chiếm đóng. Tại đây, Kappel được quân Nhật hứa hẹn là vừa giúp bảo toàn được an toàn số vàng, vừa có một nơi trú ẩn để gây dựng lại lực lượng, mai này quay về Nga khởi binh chống lại Hồng quân. Muốn được như vậy, đại tá Kappel phải ký một cam kết chuyển giao số vàng đó cho Nhật để “Đảm bảo an toàn tính mạng cũng như của cải của Bạch vệ”. Cực chẳng đã, đại tá Kappel phải ký vào bản cam kết.

Nhưng trên thực tế, Kappel đã “giao trứng cho ác”; một phần số vàng khổng lồ này được chỉ huy quân Nhật đóng tại Mãn Châu tẩu tán.

Một số tài liệu còn ghi rõ: “Một sĩ quan chỉ huy cao cấp của Nhật sau khi từ Trung Quốc về đã bỗng nhiên trở nên giàu có, phút chốc trở thành nhà lãnh đạo cao cấp nhất của một đảng lớn nhất tại Nhật khi đó. Nhân vật này đã dùng rất nhiều tiền để chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng nhưng không thành công. Sau khi mở cuộc điều tra về sự giàu có bất thường của nhân vật này, người đứng đầu đội điều tra mới chỉ hé lộ rằng, ông này giàu do cướp được nhiều vàng”. Tuy nhiên, khi thông tin này chưa chính thức được công bố thì người đứng đầu đội điều tra đã bị ám sát.

Về phần Kappel, sau khi giao lại toàn bộ số vàng cho quân đội Nhật ở Mãn Châu, ông này đến Thượng Hải sinh sống bằng cách mở một hiệu ảnh nhỏ. Tuy nhiên, vào năm 1932, chính quyền Liên Xô lúc đó đã bắt được Kappel khi ông này quay về thăm gia đình và yêu cầu Kappel phải đòi lại số vàng đã giao cho Nhật.

Khi Kappel sang Nhật và đưa ra hàng loạt chứng cứ và giấy tờ chứng minh quân đội Nhật ở Mãn Châu đã “giúp Kappel trông giữ” số vàng khổng lồ, thông tin này đã gây ra một chấn động lớn. Năm 1940, một loạt những cuộc điều tra đã được mở, tuy nhiên cuối cùng tòa án cao cấp nhất của Nhật khi đó đã kết luận: Không thể thụ lý vụ án.

Năm 1941, Thế chiến II lan rộng tới Thái Bình Dương, lúc này do không còn tiền để theo đuổi “vụ án đòi vàng” của mình, Kappel đã vượt biên sang Mỹ cùng với tất cả giấy tờ chứng minh nguồn gốc 600 tấn vàng. Tuy nhiên, hải trình đầy sóng to gió lớn đã cuốn tất cả tài sản của Kappel xuống biển! Như vậy những bằng chứng cuối cùng về nguồn gốc số tài sản khổng lồ trên đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đại dương.

Người giữ vàng thứ hai: Đô đốc Bạch vệ A.Kolchak

Năm 2010, nhật báo Daily Mail của Anh đưa tin: nhiệm vụ chính của tàu ngầm mini MIR-2 của Nga là tìm kho báu dưới đáy hồ Baikal, chứ không phải nghiên cứu hệ sinh thái. Bài báo giật gân với dòng tít “Vàng thất lạc của Bạch vệ Nga tìm thấy ở hồ Baikal” gây bão dư luận vì nội dung cụ thể: “MIR-2 có thể đã tìm được hàng trăm thỏi vàng trị giá hàng tỷ bảng Anh ở hồ nước ngọt sâu nhất và xưa nhất thế giới ở vùng Siberia này”.

Một cảnh trong phim Nga “Đô đốc” trình chiếu năm 2008.
Một cảnh trong phim Nga “Đô đốc” trình chiếu năm 2008.

Bài báo kể MIR-2 đã tìm được “những khối kim loại giống như vàng” ở độ sâu 400 m dưới hồ. Tổ lái 3 người của MIR đã dùng “cánh tay robot tìm cách thu nhặt những đồ vật lóng lánh”.

Theo truyền thuyết, đó là số vàng mà hải quân trung thành với Sa hoàng Nicolai II đem theo khi tháo chạy trước sức tiến công của quân cách mạng trong cuộc Cách mạng tháng 10 Nga. Truyền thuyết kể: Đô đốc Alexander Kolchak từng là anh hùng trong Thế chiến I và sau Cách mạng tháng 10 đã chỉ huy quân Bạch vệ chống lại Hồng quân.

Trong một trận đánh lớn diễn ra vào năm 1919, ông ta đẩy đối phương về Kazan gần Moscow và chiếm được kho vàng vốn do Nicolai II ra lệnh chuyển từ St Petersburg về Kazan. Số vàng này trị giá 650 triệu rúp, đựng trong 5.000 hộp và 1.700 túi và quân Bạch vệ phải chở bằng 40 toa xe. Nhưng sau đó, Kolchak bị Hồng quân Nga bắt và ông ta bị xử tử hồi đầu năm 1920. Câu chuyện này từng được các nhà làm phim Nga phục dựng qua bộ phim “Đô đốc” trình chiếu năm 2008.

Số vàng trên được quân Bạch vệ chất lên xe lửa để vượt hồ Baikal vốn đóng băng trong mùa đông. Đoàn xe quá nặng đã phá vỡ mặt băng, chìm xuống hồ. Trong thực tế, hồ này vào mùa đông vẫn được sử dụng, như trong cuộc chiến Nga - Nhật (1904-1905) có tuyến đường ray chạy trên lớp băng dày đến 1m.

Theo Daily Mail, đoàn xe lửa của quân Bạch vệ chở gần 600 tấn vàng và vào năm 2009, tàn tích của đoàn xe và đạn dược đã được tìm thấy dưới hồ, nhưng bài báo không nói rõ rằng tàu ngầm MIR-2 có hoàn thành nhiệm vụ của mình hay không. Dù sao đi nữa, bài báo cũng khiến người ta nhớ lại:

Vào năm 1995, Chính phủ Nga đã yêu cầu phía Nhật phải có câu trả lời về số phận của 600 tấn vàng. Chính phủ Nhật hoàn toàn phủ nhận. Tuy nhiên, gần đây một số sử gia của Nhật cho rằng: Số vàng này thực ra đã bị một tổ chức tội phạm lớn của Nhật cướp đi để thực hiện những âm mưu đen tối về chính trị nhưng đã không thực hiện được.

Theo bảng xếp hạng do tạp chí Forbes uy tín của Mỹ công bố vào đầu tháng 3-2016 vừa qua, thì Sa hoàng Nicolai II tuy đã ra người thiên cổ nhưng vẫn đứng thứ 3 trong danh sách “10 người giàu nhất trong lịch sử thế giới”, với tổng tài sản tính theo trị giá hiện thời là 290,7 tỉ USD.

Theo Kim Dung – Quang Hiếu/ Komsomolskaya Pravda

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm