1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Súng điện, còng nhựa chờ hành khách "bất trị"

Hãng hàng không Korean Air hôm 27-12 cam kết sẽ cho phép tiếp viên chủ động sử dụng súng điện để khống chế hành khách có hành vi bạo lực.

Hãng còn khẳng định sẽ tuyển thêm tiếp viên nam và đào tạo đội ngũ tiếp viên tốt hơn.

Động thái mới này được đưa ra giữa lúc Korean Air đối mặt hàng loạt chỉ trích sau vụ hành khách say xỉn gây náo loạn trên chuyến bay KE480 xuất phát từ Hà Nội đến Incheon (Hàn Quốc) hôm 20-12.

Vụ việc càng khiến dư luận chú ý khi nam ca sĩ Mỹ Richard Marx - có mặt trên chuyến bay - đăng đàn Facebook và Twitter thuật lại chuyện ông phải ra tay trấn áp “hành khách nổi điên tấn công phi hành đoàn và các hành khách khác”. Nam danh ca 53 tuổi thẳng thắn chê trách Korean Air huấn luyện tiếp viên quá kém cũng như không cung cấp đủ thiết bị để xử lý tình huống hỗn loạn và nguy cấp.

Cùng đi trên chuyến bay, vợ ông Marx là bà Daisy Fuentes - người dẫn chương trình kiêm người mẫu có tiếng - nói trên Instagram rằng phi hành đoàn “không biết cách dùng súng điện lẫn dây thừng để trói đối tượng”. Đối tượng được xác định là hành khách nam họ Lim (35 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) thoát khỏi dây trói tới 3 lần.

Trong cuộc họp báo hôm 27-12, Korean Air thừa nhận phi hành đoàn đã “do dự” khi dùng súng điện vì “họ chỉ được phép bắn trong trường hợp vô cùng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hành khách hoặc phi hành đoàn hay gây nguy hiểm cho an toàn bay”.

Trong quyết tâm khắc phục sự cố thiếu chuyên nghiệp rất mất mặt này, hãng hàng không dân dụng lớn nhất Hàn Quốc cho biết sẽ cố sắp xếp ít nhất một tiếp viên nam trong cabin mỗi chuyến bay, huấn luyện tiếp viên sử dụng những thiết bị mới nhất và cấm bay những hành khách có tiền lệ ngỗ ngược. Số vụ gây rối trên máy bay của Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua, theo số liệu chính thức của chính phủ nước này.

Cũng đau đầu không kém, các hãng hàng không Ấn Độ đã được Tổng cục Hàng không dân dụng (DGCA) nước này cho phép trang bị còng nhựa từ cuối năm ngoái để khống chế hành khách đe dọa an toàn bay cho tới khi máy hay hạ cánh, theo trang DNA India. Tuy nhiên, DGCA lưu ý biện pháp đặc biệt này chỉ được sử dụng khi tất cả các phương pháp hòa giải khác đều thất bại.


Các tiếp viên hàng không tham dự khóa huấn luyện khống chế hành khách gây rối tại Seoul - Hàn Quốc ngày 27-12. Ảnh: REUTERS

Các tiếp viên hàng không tham dự khóa huấn luyện khống chế hành khách gây rối tại Seoul - Hàn Quốc ngày 27-12. Ảnh: REUTERS

Các hãng hàng không trên khắp thế giới cũng phải vật lộn với vấn đề này trong nhiều năm qua. Hồi đầu tháng 9, một chuyến bay của hãng British Airways (Anh) phải hạ cánh khẩn cấp ở TP Boston khi đang trên đường tới bang Florida - Mỹ vì một hành khách say xỉn tìm cách rời máy bay giữa không trung.

Trong khi đó, trong 5 tháng đầu năm 2015, giới chức hàng không Trung Quốc ghi nhận tới 12 vụ hành khách tìm cách mở cửa thoát hiểm khi máy bay đã ra tới đường băng hoặc thậm chí cất cánh.

Theo công bố mới đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), số vụ hành khách có hành vi không đúng mực trên máy bay tăng đột ngột trong năm 2015, tăng từ 9.316 vụ của năm 2014 lên 10.854 vụ. Trong số đó, những vụ hành khách to tiếng hoặc bất tuân chỉ dẫn của phi hành đoàn tăng tới 17%. Rượu hoặc ma túy được xác định là tác nhân gây ra 1/4 số vụ gây rối kể trên.

Cũng theo báo cáo, 40% trong số 265 hãng hàng không thành viên của IATA có chuyến bay phải đổi hướng vì hành khách "bất trị" trong 12 tháng qua. Trợ lý giám đốc IATA Tom Colehan cho rằng khó giải thích chính xác sự gia tăng này song theo ông, xu hướng đó phản ánh những biến đổi trong một xã hội mà các hành vi sai trái ngày càng phổ biến và được chấp nhận nhiều hơn.

Ông Colehan chỉ ra những bực bội trên hành trình, bao gồm việc phải xếp hàng dài để qua cửa kiểm soát an ninh, có thể khiến hành khách “nổi điên”. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng các hãng hàng không cũng có trách nhiệm vì đã “nhồi” thêm nhiều khách trên mỗi chuyến bay để tăng lợi nhuận.

Về phần mình, một số hãng hàng không kêu gọi chính phủ các nước áp dụng Hiệp định Montreal 2014, trong đó cho phép họ kiện đòi hành khách phá rối bồi thường. Theo ước tính, mỗi chuyến bay phải đổi hướng vì khách gây rối có thể thiệt hại khoảng 200.000 USD.

Theo Thu Hằng

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm