Sự va chạm của các cảm xúc toàn cầu
(Dân trí) - Cảm giác bị lăng nhục của người Hồi giáo và thái độ đề phòng thái quá xuất phát từ sự lo sợ từ các quốc gia phương Tây dường như đang là nguyên nhân chính của các cuộc xung đột. Nói như Dominique Moïsi, Thế giới đang bị chi phối bởi sự va chạm của các cảm xúc.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây củaTiến sĩ
13 năm trước, Samuel Huntinton[i] lập luận rằng “sự va chạm của các nền văn minh” đã chi phối chính trị thế giới. Những sự kiện tiếp theo đã chứng minh rằng nhìn nhận của Huntington trong đa số các trường hợp là đúng. Tuy vậy, sẽ chính xác hơn nếu nói đến “sự va chạm của các cảm xúc”. Thế giới phương Tây đang thể hiện văn hóa của cảm giác lo sợ, thế giới Arập và đạo Hồi đang mắc kẹt trong văn hóa của cảm giác bị xúc phạm, và nhiều nước châu Á đang thể hiện văn hóa của cảm xúc hy vọng.
Mỹ và châu Âu đang bị chia cắt bởi cảm giác lo sợ. Cả hai phía, trên những cung bậc khác nhau, vừa sợ phía bên kia, lo sợ cho tương lai và cơ bản nhất là lo lắng cho khả năng đánh mất sự thống nhất và khả năng kiểm soát vận mệnh trong một thế giới ngày càng phức tạp
Với châu Âu, đó là sự lo lắng nạn nghèo đói đang xâm chiếm, đã bắt đầu xuất hiện ở Nam Âu. Người dân châu Âu cũng lo sợ những người Hồi giáo cực đoan tấn công hay những mối lo về nhân khẩu học khi lục địa của họ trở thành lục địa “Arập – Âu” (Eurabia), họ lo sợ bị tụt hậu về kinh tế và sau hết là lo sợ phải chịu sự áp đặt của những sức mạnh từ bên ngoài, thậm chí từ một đồng minh (như Mỹ) hoặc một kẻ giấu mặt (như Ủy ban châu Âu)
Nước Mỹ đang có những cảm giác mất kiểm soát tương tự. Nỗi lo sợ về tình trạng nhân khẩu đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn đâu đó. Người Mỹ cũng không hẳn sợ kinh tế suy yếu như châu Âu vẫn lo sợ ( cho dù họ vẫn lo lắng về xu hướng thuê nhân công ngoài). Nhưng mối ưu tâm của họ là làm sao để giảm tải mọi thứ – cơ thể đối mặt với căn bệnh béo phì đang lan nhanh, ngân sách đối mặt với thâm hụt khổng lồ, tâm hồn đối mặt với sự mất hứng thú khám phá và câu hỏi đang lớn dần về việc đâu là mục đích của quốc gia. Và tất nhiên sau 11/9, những người Mỹ đang bị ám ảnh về chuyện an ninh.
Trong khi người dân châu Âu cố bảo vệ mình trước Thế giới thông qua sự kết hợp giữa khuynh hướng thoát ly và nhượng bộ, người Mỹ lại cố gắng giải quyết tận gốc vấn đề. Nhưng đằng sau sự lạc quan và hấp dẫn mà những bài diễn thuyết khoa trương hùng hồn của Chính quyền Tống thống Bush là thực tế ảm đạm rằng, cách mà nước Mỹ phản ứng lại vụ 11/9 đã làm nước Mỹ mất lòng nhiều người hơn bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, những vấn đề nảy sinh khi nước Mỹ can thiệp vào Iraq còn nhiều hơn những thứ nó giải quyết được.
Trong lúc đó, thế giới Hồi giáo lại bị ám ảnh về sự suy tàn từng trải qua trong nhiều thế kỷ. Khi châu Âu đang chìm trong thời kỳ Trung cổ, thì Hồi giáo đang cực thịnh, nhưng lúc Phương Tây bắt đầu thời kỳ Phục Hưng, cũng là lúc Hồi giáo bắt đầu trượt dốc không phanh.
Thế giới Hồi giáo nhìn thấy trong việc thành lập một nhà nước Israel giữa lòng Arập như một bằng chứng sau chót cho sự suy yếu của họ. Với người Do Thái, có quá nhiều bằng chứng về tính hợp pháp của Israel, liên quan đến những lời hứa trong kinh điển tôn giáo, sự hiện hữu của vận mệnh quốc gia, và sự đền bù của cộng đồng quốc tế cho những lò thiêu người. Với người Arập, trái ngược lại, nó là sự đòi hỏi theo một thứ logic đã lỗi thời của chủ nghĩa thực dân Phương Tây đang bị đẩy lùi.
Những xung đột kéo dài giữa Israel và các nước láng giềng đã thúc đẩy thêm việc hướng nền văn hóa của những kẻ bị làm nhục sang văn hóa của sự căm thù. Theo thời gian, tính chất quốc gia của cuộc xung đột đã đẩy lên trên một nền tảng có nguồn gốc tôn giáo – sự xung đột giữa người Hồi giáo và người Do Thái, nếu không muốn nhìn rộng ra là sự va chạm giữa đạo Hồi và phương Tây.
Sự liên hệ của cuộc nội chiến ngày càng lún sâu tại Iraq và cuộc chiến ở Libăng giữa Hezbollah và Israel lại được gia tăng với cảm giác bị lăng nhục của nhiều tín đồ Hồi giáo đã được Iran và các đồng minh khai thác triệt để. Thêm vào đó, quá trình toàn cầu hóa, với sự nới rộng khoảng cách giữa những người được lợi và những người thua thiệt về mặt kinh tế, cũng đã góp phần vào vấn đề này. Văn hóa của những kẻ bị lăng mạ cũng mở rộng đến cộng đồng Hồi giáo sống tại các nước phương Tây. Chẳng hạn, các cuộc bạo động ở Pháp trong mùa thu năm 2005 về cơ bản có nguồn gốc kinh tế-xã hội , nhưng cũng là sự phản kháng bắt nguồn từ sự chia rẽ, chống lại một xã hội với những đòi hỏi mang lại sự công bằng trên nguyên tắc, nhưng thất bại trong việc thực thi. Khi Phương Tây và Trung Đông xung đột, sự tin tưởng vào tiến bộ đã dịch chuyển sang phía Đông. Sau hai thế kỷ tương đối suy giảm, Trung Quốc đang phục hồi lại địa vị quốc tế của mình. Chính sách tập trung vào phát triển kinh tế trong khi tránh đối đầu dường như mang lại cho Bắc Kinh cả lợi ích vật chất lẫn sự tôn trọng quốc tế. Trong khi đó với Ấn Độ, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại quốc gia này đã từng bước đặt chân lên vũ đài thế giới với tư thế một quốc gia độc lập và một cường quốc. Vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra cho cả hai nước, nhưng sự lạc quan hiện tại là có thực và dường như đang tăng lên liên tục. Với sự va chạm của các cảm xúc mang tính toàn cầu này, ưu tiên thứ nhất của Phương Tây phải là việc nhận diện bản chất của sự đe dọa mà nền văn hóa bị lăng nhục của thế giới Hồi giáo đặt ra với châu Âu và Mỹ. Không có sự nhượng bộ hoặc áp đặt bằng vũ lực đơn phương nào đủ đáp ứng điều này. Cuộc chiến tranh này đang cho thấy một điều rằng nền văn hóa của những kẻ bị xúc phạm không thể thắng, nhưng dù sao nó vẫn là một cuộc chiến tranh và (trong cuộc chiến đó) Phương Tây có thể sẽ mất mát vì tiếp tục bị chia rẽ hoặc sẽ phản bội lại những giá trị về tự do và sự tôn trọng của nó với luật pháp và quyền cá nhân. Nhiệm vụ khó khăn này không đặt vấn đề dẫn hướng Hồi giáo chống lại các thế lực cực đoan như thế nào. Nó cũng không đặt ra việc làm thế nào để khuyến khích sự đáp lại những hy vọng và tiến bộ trong xã hội Hồi giáo để sự tuyệt vọng và giận dữ không đẩy số đông của cộng đồng này gia nhập lực lượng những kẻ cực đoan. Trong mối ưu tâm đó, cuộc chiến giữa người Israel và người Palestine hiển hiện ngày càng giống một quy mô thu nhỏ của cái kết cục mà thế giới này đang đi đến. Israel là Phương Tây, bao quanh bởi nền văn hóa của những kẻ bị lăng nhục, đang mơ thoát khỏi vùng đất hiểm nguy và tiến vào nền văn hóa của hy vọng. Nhưng trước hết nó phải tìm một giải pháp cho vấn đề Palestine, và nếu làm khác đi nó sẽ không thể tìm ra lối thoát. Cho nên, cũng như vậy, châu Âu và Mỹ tìm cách xua đi vĩnh viễn nỗi sợ của họ nhưng điều duy nhất khả thi là tìm cách giúp thế giới Hồi giáo giải quyết vấn đề của mình. [i] Samuel Huntington – tác giả cuốn sách “The Clash of Civilizations” , với bản dịch tiếng Việt “Sự va chạm của các nền văn minh”, trong đó lý giải nguyên nhân của các cuộc xung đột xuất phát từ sự khác nhau của các nền văn minh.
Trương Trí Vĩnh dịch | |